Nhiều người nghĩ rằng, bác sĩ phẫu thuật hàng ngày đối diện với máu và những cái chết của người bệnh nên cảm xúc cũng chai đi, nhiều khi họ trở nên vô tình với nỗi đau của người khác.
Nhiều người nghĩ rằng, bác sĩ phẫu thuật hàng ngày đối diện với máu và những cái chết của người bệnh nên cảm xúc cũng chai đi, nhiều khi họ trở nên vô tình với nỗi đau của người khác.
Song, khi có mặt trong phòng mổ, chứng kiến những giờ phút các bác sĩ “vắt” tim, óc giành lại sự sống cho người bệnh… mới thấy hết được những áp lực của người thầy thuốc mỗi khi bước vào ca mổ.
* Giành giật sự sống
Khu phòng mổ của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất có 10 phòng lúc nào cũng kín lịch với công suất khoảng 50-60 ca mổ/ngày.
Mỗi ca mổ cần sự tham gia của nhiều y, bác sĩ. Trong ảnh: Một ca mổ ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: P.Liễu |
Cách nhau một cánh cửa nhưng đây lại là lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Bên trong khu vực phòng mổ là một không gian yên ắng. Các bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê, nhân viên phục vụ ca mổ trong màu áo xanh đều tất bật: đi nhẹ, nói khẽ, thao tác gọn, chính xác..., ai vào việc nấy cứ răm rắp.
Vừa lúc ấy, cánh cửa chính của khu phòng mổ mở toang, bệnh nhân Ngô Duy Liêm, 29 tuổi, ngụ xã Đông Hòa (huyện Trảng Bom) bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông, được đưa thẳng vào phòng mổ đặc biệt - phòng mổ dành cho những ca cấp cứu nguy kịch. Bệnh nhân Liêm được chẩn đoán bị đa chấn thương với tình trạng tụ khí nội sọ, tổn thương sâu vùng ngực và bụng gây vỡ gan, vỡ tim, vỡ đôi thân eo tụy, rách ngang túi mật... Kết quả hội chẩn cho thấy bệnh nhân không còn thời gian để chuyển viện nên ban giám đốc quyết định phẫu thuật tại chỗ và điện mời TS.BS Đoàn Tiến Mỹ (Phó khoa ngoại gan mật tụy - Bệnh viện Chợ Rẫy) về hỗ trợ phẫu thuật nối tụy. Trong khi đó, những phẫu thuật thực hiện được, như: khâu gan, khâu tim, mở hộp sọ được các bác sĩ của bệnh viện bắt tay vào làm. Khoảng 1 giờ sau, bác sĩ Mỹ có mặt và xử lý kỹ thuật nối tụy.
Ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng đồng hồ. Khi mũi chỉ cuối cùng được gút lại - cũng là lúc bệnh nhân được cứu qua cơn nguy kịch. Các bác sĩ thở phào, cởi bỏ tấm áo chống tia chì nặng gần 10kg (chỉ sử dụng trong phòng mổ đặc biệt)...
* Thao thức với nghề
Bác sĩ Ngô Đức Đễ, Trưởng khoa ngoại tổng quát (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) là “tay mổ vàng” với những ca phẫu thuật đặc biệt. Ông cho biết: “Một bác sĩ mới được đào tạo thì không thể là một “tay” mổ giỏi. Để đào tạo được một “tay” mổ giỏi phải mất nhiều thời gian để rèn luyện. Và dù cẩn thận, cố gắng hết sức, nhưng nhiều khi bác sĩ cũng không lường trước điều gì sẽ xảy ra, vì có những trường hợp vượt quá tầm kiểm soát của một “tay mổ”.
Hội chẩn trước một ca mổ khẩn cấp. Ảnh: P. Liễu |
Còn bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng khoa ngoại thần kinh (Bệnh viên đa khoa Đồng Nai) chia sẻ: “Mỗi ca mổ thất bại là một nỗi đau lớn cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Khi mổ cột sống, mổ sọ não, sợ nhất là biến chứng. Thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp, có khi cả một hội đồng giáo sư, bác sĩ chẩn đoán, nhưng khi tiến hành phẫu thuật, kết quả lại không như mong đợi. Bởi lẽ, cơ thể con người vẫn còn là một bí ẩn và bác sĩ dù giỏi cũng không thể nhìn thấu được tất cả. Điều này giải thích vì sao sau một ca bệnh nhân tử vong, người ta vẫn phải khám nghiệm tử thi để nghiên cứu, xem việc chẩn đoán đó đúng - sai và lấy đó làm bài học cho y học phát triển”.
Công suất mổ tại hai bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hiện đã vượt hơn 200% so với quy định của ngành. Có khi trong một ca trực, bác sĩ phải mổ tới 3-4 ca sọ não, hàng chục ca mổ đẻ, những ca chấn thương nguy kịch... |
Trong đời những bác sĩ, nếu ai đã từng cầm dao phẫu thuật, họ đều đi qua cảm giác đớn đau, thao thức, nghĩ suy, dằn vặt khi một ca mổ thất bại - dù có thể không phải lỗi ở bác sĩ. Bác sĩ Đinh Gia Chưng, Trưởng khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất tiếc nuối: “Tôi đã gặp một ca nguy kịch, bệnh nhân được đưa đến cửa phòng mổ rồi nhưng không qua khỏi. Lúc đó, chỉ cần bệnh nhân sống cho tôi thêm vài phút nữa thôi là có thể được cứu sống”.
Với bác sĩ Phan Văn Huyên, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh - cũng là người chuyên thực hiện những ca phẫu thuật vượt tầm chuyên môn của bệnh viện khi bệnh nhân không thể đến được tuyến trên. Anh nói: “Những ca mổ thành công thì dễ quên lắm, nhưng những ca thất bại thì nhớ suốt đời. Thành công là sự tổng kết của các thất bại. Người bác sĩ phải biết coi bệnh nhân là thầy mình với những bài học khác nhau qua từng cơ địa, thể tạng khác nhau”.
Mỗi ca mổ thực sự là một cuộc đấu trí căng thẳng của cả kíp mổ. Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán nói: “Áp lực ở chỗ là bác sĩ phải tính toán từng đường dao, từng cây kim, sợi chỉ, rồi phải cân nhắc xem bệnh nhân có đủ sức chịu đựng hay không”.
Phương Liễu