Thương học trò quanh quẩn với mấy món đồ chơi cũ, hai cô giáo Lê Thị Ngọc Hà và Lê Yến Hương, Trường mầm non Sơn Ca (ấp 2, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) đã nảy ra sáng kiến biến các loại vật dụng phế liệu từ gia đình thành đồ chơi, dụng cụ học tập hữu ích cho học trò của mình.
Thương học trò quanh quẩn với mấy món đồ chơi cũ, hai cô giáo Lê Thị Ngọc Hà và Lê Yến Hương, Trường mầm non Sơn Ca (ấp 2, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) đã nảy ra sáng kiến biến các loại vật dụng phế liệu từ gia đình thành đồ chơi, dụng cụ học tập hữu ích cho học trò của mình.
Cô và trò Trường mầm non Sơn Ca chơi đồ chơi tự tạo. Ảnh: V. CHÍNH |
Sau nhiều ngày mày mò nghiên cứu, hai cô giáo đã thực hiện một cuộc tổng vận động thu gom nắp chai trong toàn trường. Song song đó, mỗi ngày sau giờ tan trường, hai cô giáo trẻ cùng một vài phụ huynh tích cực lại đến các vựa ve chai trên địa bàn năn nỉ xin vào phân loại dùm các loại phế liệu nhựa không lấy tiền công, đổi lại chỉ xin lấy các nắp, vỏ chai nhựa. Hiểu được ý nghĩa của việc làm này, các chủ cơ sở phế liệu nhiệt tình ủng hộ. Cô Hương vui vẻ cho biết: “Mỗi lần đi lựa ve chai về, người ai cũng lấm lem bụi bẩn. Song nghĩ đến những chiếc nắp chai này sẽ thành những món đồ chơi ngộ nghĩnh cho các cháu, mình lại thấy vui và mệt mỏi gần như tan biến”.
Chỉ sau 1 tháng, hai cô giáo đã có hơn 3 ngàn chiếc nắp, vỏ chai các loại với đủ màu sắc, chủng loại, mẫu mã khác nhau. Sau khi rửa sạch bằng xà bông, luộc kỹ và phơi khô để diệt khuẩn, các cô bắt đầu vẽ và làm những sản phẩm, như: những con thú, bông hoa, bộ chữ cái, bộ con số để học toán, đồ dùng thực hành lắp ráp… Chi phí cho tất cả các sáng chế này chỉ hết vài chục ngàn đồng nhưng cô và trò đã có một bộ đồ chơi, đồ dùng học tập xinh xắn.
Hiện nay, Trường mầm non Sơn Ca đang sử dụng trên 100 chủng loại đồ chơi, đồ dùng dạy học tự tạo từ trên 10 ngàn nắp chai, đồ phế liệu các loại. Cô Trần Thị Thúy Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những sản phẩm này rất hiệu quả, khơi gợi sự hứng thú của các em trong mỗi giờ học, đồng thời cũng trợ giúp rất nhiều trong giảng dạy của các giáo viên. Từ khi có các sản phẩm tự tạo này, nhà trường đã không cần phải đầu tư nhiều cho việc mua đồ chơi mới”.
Tại Hội thi phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập (Chương trình 6) do Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức, sáng kiến này của hai cô giáo đã giành giải nhất. Ban giám khảo cuộc thi đánh giá rất cao sản phẩm tự tạo này.
Văn Chính