Dịp tết năm nay có 186 đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn - vệ sinh thực phẩm (AT-VSTP) ở 3 cấp ra quân nhằm bảo đảm an toàn bữa ăn ngày tết cho người dân. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy, kiểm đâu là “dính” đó.
Dịp tết năm nay có 186 đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn - vệ sinh thực phẩm (AT-VSTP) ở 3 cấp ra quân nhằm bảo đảm an toàn bữa ăn ngày tết cho người dân. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy, kiểm đâu là “dính” đó.
Nhìn những gói kẹo chuối, kẹo mè xửng hiệu Sông Hương ở khu Bàu Cạn (xã An Phước, huyện Long Thành) được đóng gói khá đẹp…, người dân khó có thể hình dung được nguyên liệu được dùng làm ra nó, như: mạch nha, chuối, mè, đường, bột lại được lưu trữ và chế biến trong điều kiện mất vệ sinh.
* Khuất mắt
Tại nơi chế biến, những bao mạch nha được đặt tại nền đất bẩn cạnh chuồng gà; chuối khô được đựng trong mấy bao tải và “tống” vào một cái kho nhỏ, bẩn thỉu với đủ thứ vật dụng khác chồng chất lên. Kiểm tra đột xuất của đoàn chức năng, cơ sở này có hàng loạt vi phạm, như: điều kiện bảo đảm AT-VSTP không đạt, bảo quản thực phẩm không tốt, mua nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ, chưa có giấy công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhân viên không được tập huấn AT-VSTP và khám sức khỏe định kỳ…
Đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra nhãn mác và hạn sử dụng trên thịt gà tại siêu thị Hoàng Đức (TX. Long Khánh). Ảnh: P. Liễu |
Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh bất ngờ kiểm tra cơ sở chế biến dưa món, củ kiệu tại hộ bà Đoàn Thị Sâm ở phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa) hoạt động trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Khu vực sản xuất có khoảng 40 thùng phuy loại lớn đang ngâm, chứa đến cả tấn nguyên liệu làm dưa món và đồ chua, như: ngó sen, củ kiệu, dưa leo… Điều đáng nói là các loại nguyên liệu thực phẩm ngâm chứa này được đặt sát đường mương thoát nước thải, trong đó có những phuy nguyên liệu đã mốc váng. Một số phuy chứa các loại nguyên liệu chế biến mắm, tương, tai heo ngâm giấm cũng trong tình trạng rất mất vệ sinh. Đặc biệt, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều loại hóa chất dạng bột, chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ được dùng để tẩy trắng, làm giòn, dai thực phẩm, phẩm màu và nhiều sản phẩm đóng hộp nhưng không có tem nhãn và hạn sử dụng…
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng: “Muốn bảo đảm AT-VSTP phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ nguyên liệu gốc đến khâu đầu vào, quy trình sản xuất, chế biến đến bảo quản. Nhưng hiện nay, do điều kiện và thời gian, hầu hết các đoàn giám sát mới “chốt” ở khâu cuối: thành phẩm. Tuy nhiên, ngay cả với sản phẩm thành phẩm, nếu chỉ dùng mắt thường thì khó bảo đảm sự chính xác. Để giải quyết có hiệu quả vấn đề này, ngoài sự vào cuộc thực chất của các cơ quan chức năng, còn rất cần sự đổi mới về “chất” trong khâu kiểm tra, thẩm định, giám sát AT-VSTP”. |
Còn sản phẩm nem chua của hộ bà Nguyễn Thị Hà (ở khu Văn Hải, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) được khá nhiều người dân ở khu vực khen ngon. Tuy nhiên, qua test nhanh, đoàn kiểm tra phát hiện sản phẩm có chứa một lượng hàn the không nhỏ. Khi kiểm tra tại hộ bà Hà, đoàn còn phát hiện một số loại hóa chất, phẩm màu, phụ gia thực phẩm, trong đó có cả hàn the.
* Cần vào cuộc thực chất
Có dịp theo chân các đoàn liên ngành kiểm tra AT-VSTP tỉnh mới thấy, công tác kiểm tra, giám sát AT-VSTP của tuyến dưới còn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó tồn tại việc kiểm tra còn nặng tính hình thức và thiếu hậu kiểm. Dù đợt này cả 3 cấp ra quân khá rầm rộ, tuy nhiên phần lớn các đoàn nặng về yếu tố kiểm tra các loại giấy chứng nhận, trong khi chất lượng sản phẩm - yếu tố quan trọng nhất - tác động trực tiếp đến sự an toàn của người tiêu dùng thì không ít đoàn kiểm tra tiếp cận còn hời hợt.
Kiểm tra nhanh hàn the trên sản phẩm nem chua của hộ bà Nguyễn Thị Hà. |
Cụ thể như trong đợt kiểm tra vừa qua, Đoàn liên ngành số 1 của tỉnh kiểm tra Cơ sở sản xuất kẹo Sông Hương. Trong biên bản kiểm tra 6 tháng trước của đoàn cấp huyện, các tiêu chuẩn theo quy định của cơ sở này đều đạt. Nhưng khi đoàn tỉnh đến lại phát hiện hàng loạt vi phạm ở cơ sở này. Điều đó cho thấy, chất lượng kiểm tra của đoàn huyện cần được xem lại. Một băn khoăn khác là Cơ sở sản xuất kẹo Sông Hương bị buộc tạm ngưng sản xuất và giao cho đoàn huyện giám sát… song, việc giám sát hậu kiểm này có được thực hiện nghiêm túc không vẫn là một câu hỏi lớn! Đó là còn chưa nói đến tình trạng bao che của ngành quản lý đối với các cơ sở có nguy cơ vi phạm nhiều. Ông Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục AT-VSTP tỉnh cho biết: “Dù đã có sự phân cấp, quản lý chuỗi thực phẩm theo chức năng mỗi ngành, nhưng rõ ràng mỗi ngành: y tế, nông nghiệp - phát triển nông thôn, công thương… vẫn chưa thể kiểm soát được chất lượng và an toàn của thực phẩm”.
Phương Liễu