Báo Đồng Nai điện tử
En

Chàng trai có nhiều hoài bão

10:01, 21/01/2013

Từ lúc còn ngồi trên ghế trường phổ thông, Phạm Thế Hiếu đã yêu thích môn Hóa học và quyết định chọn ngành Công nghệ Hóa cho tương lai của mình.

Phạm Thế Hiếu nhận giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ” năm 2012.
Phạm Thế Hiếu nhận giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ” năm 2012.

Từ lúc còn ngồi trên ghế trường phổ thông, Phạm Thế Hiếu đã yêu thích môn Hóa học và quyết định chọn ngành Công nghệ Hóa cho tương lai của mình. Cha mẹ Hiếu đã lớn tuổi, dù tâm nguyện của ông bà là gắng sức lo cho cậu con út học hành đến nơi đến chốn, nhưng thu nhập từ mảnh đất ruộng cằn cỗi của vùng quê “Quảng Nam chưa mưa đã thấm” không sao đủ để lo chi phí ăn học cho Hiếu trong 4 năm dài đại học. Vì thế, Hiếu đã chọn học ở Trường đại học Lạc Hồng để có thể nương tựa vào người anh đang sinh sống, làm việc tại Đồng Nai.

Quyết định ấy, không ngờ là điều may mắn cho chàng sinh viên ham học hỏi.  Trường đại học Lạc Hồng là nơi có phong trào nghiên cứu khoa học mạnh, vì thế vừa bước chân vào trường là Hiếu lập tức bị cuốn hút. Sau năm đầu bỡ ngỡ, chỉ biết thán phục nhìn sinh viên đàn anh, đàn chị tại các hội nghị báo cáo khoa học, đến năm thứ hai Hiếu đã xắn tay vào phụ giúp các anh chị để học hỏi. Bên cạnh đó, qua các đợt kiến tập mà nhà trường thường xuyên tổ chức cho sinh viên đến các công ty, nhà máy, được tận mắt chứng kiến, tiếp xúc với môi trường sản xuất, Hiếu không chỉ nắm bắt thêm nhiều kiến thức thực tế mà còn cảm thấy tự tin hơn.

Đợt thực tập tại Công ty sản xuất vật liệu cách nhiệt Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), Hiếu được biết trước đây, tác nhân vật lý sử dụng trong sản xuất vật liệu cách nhiệt rất độc hại, có khả năng gây thủng tầng ô-zôn nên đã bị cấm sử dụng từ năm 2010, tác nhân thay thế tuy thân thiện với môi trường nhưng có hạn chế là cho hệ số cách nhiệt kém hơn, lại phải thêm hóa chất vào nên giá thành cao hơn 10-15%. Vì thế, Hiếu đã có ý tưởng tìm cách khắc phục hạn chế này. Được nhà trường và giáo viên hướng dẫn là PGS.TS Nguyễn Thị Phương Phong động viên khích lệ, Công ty sản xuất vật liệu cách nhiệt Sài Gòn cũng hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện tiếp cận môi trường sản xuất và cả hóa chất để thí nghiệm, Hiếu đã mày mò khảo sát các thông số hợp lý để chế tạo tác nhân thay thế. Sau 6 tháng vùi đầu nghiên cứu, bước đầu Hiếu đã tìm ra được giải pháp gia cường hạt Nano vào vật liệu cách nhiệt để vừa tăng cơ tính của vật liệu, vừa giảm được giá thành. Vui mừng vì đã tìm ra hướng đi đúng trong nghiên cứu, Hiếu càng vui hơn khi đề tài nghiên cứu của mình giành được giải nhất giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ năm 2012” do Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức.  Trong số 10 giải nhất, chỉ duy nhất Phạm Thế Hiếu là sinh viên trường ngoài công lập.

Không chỉ là người đam mê nghiên cứu, nghiêm túc trong học tập và công việc, Hiếu còn rất năng nổ trong các phong trào văn nghệ, thể thao. Đội bóng đá Hiếu tham gia đã 2 lần vào được vòng chung kết của trường, Hiếu cũng từng mạnh dạn trở thành thí sinh hội thi văn nghệ “Tiếng hát Lạc Hồng”. “Học hết sức, chơi hết mình”, đó là phương châm của chàng sinh viên 21 tuổi ấy. Ước mong của Hiếu là được tiếp tục nghiên cứu khoa học, trước mắt là khảo sát sâu thêm một số vấn đề trong đề tài “Nghiên cứu chất tạo vật liệu cách nhiệt Polyurethan tỷ trọng thấp gia cường bằng hạt Nano”, vì trong quy trình sản xuất vật liệu cách nhiệt hiện nay vẫn còn tồn một lượng Clo, một hóa chất độc hại với môi trường. “Em khao khát được nghiên cứu khoa học. Nếu lúc tốt nghiệp ra trường, được làm việc nơi có điều kiện học tập, nghiên cứu thêm tại Đồng Nai, em sẽ rất hạnh phúc, bởi em cảm thấy gắn bó với ngôi trường của mình và với mảnh đất này” - Hiếu thổ lộ.

Thanh Thúy

 

 

Tin xem nhiều