Theo dự báo, mùa khô 2012-2013 khí hậu ở Đồng Nai nắng nóng và ít mưa. Là tỉnh có nhiều rừng thì khô hạn sẽ làm nguy cơ cháy rừng cao hơn. Để rõ hơn về việc phòng chống cháy rừng trong mùa khô, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đặng Hồng Tăng
Ông Đặng Hồng Tăng |
Theo dự báo, mùa khô 2012-2013 khí hậu ở Đồng Nai nắng nóng và ít mưa. Là tỉnh có nhiều rừng thì khô hạn sẽ làm nguy cơ cháy rừng cao hơn. Để rõ hơn về việc phòng chống cháy rừng trong mùa khô, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đặng Hồng Tăng. Ông cho biết:
- Đồng Nai hiện có gần 180 ngàn hécta đất có rừng, với tỷ lệ che phủ gần 30%. Từ lâu tỉnh đã thực hiện chính sách đóng cửa rừng nên công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng khá tốt. Cụ thể, nhiều năm nay chưa để xảy ra vụ cháy rừng lớn nào.
* Thưa ông, mùa khô này khả năng thời tiết sẽ khô hạn hơn mọi năm, như vậy nguy cơ cháy rừng sẽ rất cao. Để hạn chế nguy cơ xảy ra cháy rừng, tỉnh có những giải pháp gì?
- Hiện Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô cho các địa phương có rừng và các chủ rừng. củng cố lại 11 ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện và 56 ban chỉ huy cấp xã. Đồng thời, các chủ rừng cũng đã lên phương án chi tiết các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy rừng và trình sở thẩm định. Song song với công việc trên thì các địa phương, chủ rừng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, nhân lực ứng phó để khi xảy ra cháy rừng có thể nhanh chóng dập lửa, không để xảy ra cháy rừng trên diện rộng. Một trong các giải pháp được các chủ rừng ở Đồng Nai thực hiện hiệu quả từ nhiều năm nay là làm đường băng cản lửa, xử lý các trảng cỏ có nguy cơ cháy lan vào rừng và vận động người dân sống gần rừng nâng cao ý thức và ký cam kết bảo vệ rừng. Nhờ có các giải pháp kịp thời, nhiều năm nay, Đồng Nai chưa để xảy ra vụ cháy rừng lớn nào.
* Mùa khô 2011-2012, tại Đồng Nai vẫn còn xảy ra cháy rừng, nguyên nhân có phải do sự bất cẩn của người dân sống gần những khu vực này?
- Trong mùa khô trước, trên địa bàn tỉnh có xảy ra một vụ cháy rừng sản xuất tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành), nhưng diện tích bị ảnh hưởng chỉ khoảng 0,5 hécta. Nguyên nhân xảy ra cháy rừng là do người dân lân cận đốt rẫy để lửa cháy lan sang khu vực rừng trồng cây xà cừ, song hiện đã phục hồi trở lại, không gây thiệt hại nhiều về kinh tế.
* Thưa ông, vào cao điểm của mùa khô, khu vực nào trong tỉnh có nguy cơ cháy rừng cao?
- Xảy ra nắng hạn kéo dài, nơi có nguy cơ cháy rừng cao là những vùng giáp ranh tỉnh Bình Thuận, vì đây là khu vực có khí hậu cực Nam Trung bộ rất khô hanh. Do đó, tỉnh xác định đây là khu vực trọng điểm tập trung nhiều nhân lực, vật lực để phòng chống cháy rừng. Vào những giai đoạn thời tiết khắc nghiệt, sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và thường xuyên có những thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng để người dân biết cùng tham gia góp sức bảo vệ rừng.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc kiểm tra rừng. |
* Hiện nay, trong các khu vực có rừng trên địa bàn tỉnh có khá nhiều hộ dân sinh sống. Đây có phải là một trong những nguy cơ lớn cho công tác phòng chống cháy rừng?
- Toàn tỉnh hiện có khoảng 13 ngàn hộ dân với hơn 40 ngàn người đang sinh sống, làm ăn trong các khu vực lâm phận của các chủ rừng. Để giảm bớt nguy cơ cháy rừng từ những sơ suất của người dân, hàng năm tỉnh đều phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng đến các hộ dân. Công tác tuyên truyền này được làm thường xuyên nên đa số người dân sống trong rừng đều có ý thức trong công tác phòng chống cháy rừng. Thực tế, những năm qua cũng đã chứng minh là Đồng Nai không để xảy ra một vụ cháy rừng tự nhiên lớn nào. Theo tôi, nếu không có sự đồng lòng, góp sức của người dân thì chắc chắn không có được kết quả cao như vậy.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)