Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện mục tiêu “3 không” (không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS) mà Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đề ra. Tuy nhiên, dù đã có những kết quả đáng khích lệ, nhưng “cuộc chiến” với căn bệnh HIV/AIDS vẫn đầy cam go.
Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện mục tiêu “3 không” (không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS) mà Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đề ra. Tuy nhiên, dù đã có những kết quả đáng khích lệ, nhưng “cuộc chiến” với căn bệnh HIV/AIDS vẫn đầy cam go.
Lấy máu xét nghiệm HIV cho một người có hành vi nguy cơ. Ảnh: B. Hường |
Bác sĩ Võ Thị Kim Loan, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh chia sẻ: “Trong những năm gần đây, dịch HIV/AIDS ở Đồng Nai đã được kiềm chế, số người mới phát hiện nhiễm HIV cũng đã giảm liên tục nhưng vẫn chưa đủ bền vững. Dịch HIV/AIDS vẫn lây lan với một số xu hướng thay đổi đáng lưu ý, như: gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ, như: giới công chức, phụ nữ mang thai… Vì thế, để hướng tới mục tiêu 3 không, đặc biệt là mục tiêu không còn người nhiễm mới, Đồng Nai đang triển khai đồng bộ các chương trình từ truyền thông nâng cao nhận thức về HIV/AIDS đến tư vấn, can thiệp giảm thiểu tác hại; từ chăm sóc đến điều trị dự phòng…”.
* Còn đó những rào cản
Đồng Nai là một tỉnh có tỷ lệ di biến động dân cư cao, vì thế hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn cũng luôn gặp khó. Dù ngành y tế đã có sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai truyền thông dưới nhiều hình thức, với nhiều nhóm đối tượng… song, hiệu quả công tác truyền thông chưa được như mong muốn, chưa làm chuyển biến rõ rệt trong nhận thức người dân và hành vi trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng công nhân lao động. Bà Nguyễn Phước Mạnh, Trưởng ban Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều phối hợp với ngành y tế để tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, các lớp tập huấn về tình dục an toàn, về phòng chống lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục (trong đó có phòng chống HIV/AIDS) cho công nhân. Nhưng việc hưởng ứng của cả giới chủ lẫn người lao động còn rất hạn chế”.
Tương tự, trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, dù đã được triển khai tại khoa sản ở các bệnh viện và trạm y tế xã, phường với nhiều hoạt động, như: tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ đến khám thai; cấp thuốc điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai dương tính với HIV; dự phòng và điều trị phòng tránh lây nhiễm cho trẻ sơ sinh là con của những bà mẹ mang thai nhiễm HIV… nhưng số phụ nữ mang thai được phát hiện dương tính với HIV vẫn còn khá nhiều. Trong 10 tháng của năm 2012, toàn tỉnh đã phát hiện gần 40 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV.
* Cần thay đổi cách truyền thông và tiếp cận
Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn đã qua 20 năm và cũng đã có những chuyển biến tích cực khi kiềm chế được sự gia tăng của dịch HIV/AIDS, nhưng tỷ lệ nhiễm mới HIV trên địa bàn hiện nay là 0,26% số dân vẫn còn là con số đáng quan tâm. Nguy hiểm hơn, HIV/AIDS đang tiến công vào giới trẻ, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của lực lượng lao động chính của xã hội. Điều đó cho thấy, mặc dù đã nỗ lực làm giảm tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS trên địa bàn vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố bùng phát dịch. Vì thế, để hoạt động phòng chống HIV/AIDS hiệu quả, cần phải thay đổi hình thức truyền thông, phương pháp tiếp cận và quan tâm hơn đến những nhóm đối tượng đích.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản 1 (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) cho hay: “Công tác tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV cho phụ nữ đến khám thai ở bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn. Không phải bà mẹ mang thai nào cũng đồng ý làm xét nghiệm. Vì thế, nhiều bà mẹ đến lúc sinh mới phát hiện nhiễm HIV. Tất nhiên, những trẻ được dự phòng muộn, khả năng lây nhiễm HIV từ mẹ rất cao”. |
Anh V.L., một đồng đẳng viên phòng chống HIV/AIDS của phường Long Bình Tân (TP. Biên Hòa) tâm sự: “Qua 3 năm làm công tác đồng đẳng viên, trực tiếp truyền thông và tiếp cận với cả trăm đối tượng nghiện ma túy, hoạt động mại dâm và đồng giới nam…, tôi cho rằng cần quan tâm tập trung hơn đến những nhóm đối tượng trên. Bởi tỷ lệ người nhiễm HIV ở những nhóm này khá cao, họ cũng là người có nhiều khả năng và hành vi lây nhiễm HIV cho người khác”.
Đổi mới hình thức truyền thông và phương pháp tiếp cận, tập trung vào những nhóm đối tượng nguy cơ cao cũng là hành động mà Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS nhắm tới trong thực hiện mục tiêu hướng tới “3 không”. Theo đó, từ nay đến 2015 cả nước phấn đấu giảm 50% số ca mới nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới, người bán dâm; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con; giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ nhiễm HIV; giảm 50% số ca mới nhiễm HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy và tất cả những người mới nghiện ma túy đều được dự phòng lây nhiễm HIV đúng cách.
Uyên Uyên