Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp cùng Tổ chức Handicap Internation đã tổ chức diễn đàn “Người khuyết tật chia sẻ - vươn lên” nhân Ngày quốc tế người khuyết tật 3-12.
Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp cùng Tổ chức Handicap Internation đã tổ chức diễn đàn “Người khuyết tật chia sẻ - vươn lên” nhân Ngày quốc tế người khuyết tật 3-12.
150 người khuyết tật (NKT) tiêu biểu ở các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Xuân Lộc và TP. Biên Hòa đã cùng nhau trao đổi về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phấn đấu để có thêm kinh nghiệm tiếp tục vươn lên sống có ích. Ba trong số 150 gương mặt mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều có chung ý chí nỗ lực vươn lên để khẳng định: dù tàn nhưng không phế!
* Từ vượt qua hoàn cảnh...
Nhìn thân hình nhỏ bé với đôi chân teo tóp vì tật nguyền của chị Huỳnh Thị Khương (ấp Trung Hưng, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc), ít ai có thể ngờ được rằng đây lại là trụ cột chính trong gia đình với 4 thành viên. Chị Khương cho hay, khi sinh ra chị cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng rồi căn bệnh bại liệt đã tìm đến và cướp mất đôi chân bé nhỏ lúc chị vừa tròn 5 tuổi.
Với mong muốn không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình, chị quyết tâm xin đi học nghề may tại một tiệm may gần nhà. Sau 2 năm theo học, chị đã trở thành một thợ may có tay nghề khá và được Hội Tương trợ vươn lên huyện Xuân Lộc tạo điều kiện cho nhận hàng may mặc về gia công tại nhà.
Những tưởng cuộc sống đã mỉm cười để bù đắp những mất mát của chị nhưng một cơn sốt nặng đã khiến cho người chồng lành lặn - chỗ dựa cho chị và cũng là trụ cột chính trong gia đình mất hoàn toàn khả năng lao động. Vì vậy mà suốt hơn 10 năm qua, chị phải thay chồng cáng đáng mọi việc trong gia đình, từ bảo ban hai cô con gái học hành cho đến việc kiếm tiền chữa bệnh cho chồng. “Người bình thường lao động để nuôi sống cả gia đình đã khó, với NKT như mình lại càng khó khăn hơn gấp trăm ngàn lần. Thế nhưng vì 2 đứa con thơ và chồng mình phải cố gắng để vượt qua với mong muốn lớn nhất là được nhìn thấy con được ăn học đến nơi đến chốn”- chị Khương cho biết thêm.
*... Đến nỗ lực vươn lên
Cũng như chị Khương, khi sinh ra anh Nguyễn Văn Bích (ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng
Bom) cũng lành lặn như những đứa trẻ khác, nhưng rồi di chứng của một cơn sốt nặng lúc vừa tròn 3 tuổi đã cướp mất đôi chân của anh. Năm lên 6 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa được cắp sách tung tăng đến trường, anh đã xin với cha mẹ cho đi học. Những ngày đầu, bị bạn bè trong lớp trêu chọc vì đôi chân tàn tật của mình, anh buồn lắm. Anh cố gắng nén nỗi buồn và tự nhủ phải học thật tốt để không còn bị người khác chê cười.
Tốt nghiệp THPT với tấm bằng loại khá, anh tiếp tục học Trường trung cấp mỹ thuật trang trí Đồng Nai (nay là Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai) và Trường trung cấp tin học. Cũng trong thời gian đó, anh được giới thiệu vào tập luyện môn điền kinh tại Trung tâm thể dục - thể thao tỉnh. Gần 10 năm tham gia thi đấu, anh đã giành được nhiều thành tích xuất sắc, như: 2 HCV, 6 HCB, 5HCĐ tại các giải thi đấu cấp quốc gia cùng nhiều huy chương cấp tỉnh khác. Anh chia sẻ: “Mỗi chiến thắng là một động lực giúp tôi tiếp tục cố gắng vươn lên để trở thành người sống có ích”.
* Và góp sức vì cộng đồng
Khó có ai nghĩ rằng một người khuyết tật như anh Phạm Anh Tuấn (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) lại là Giám đốc Công ty huấn luyện kỹ năng sống Chân Thiện Mỹ - một công ty chuyên huấn luyện giá trị và kỹ năng sống. Anh cho biết: được thành lập từ 2008, trung bình mỗi năm công ty tiếp nhận tập huấn cho hơn 300 người ở nhiều lứa tuổi với nội dung cơ bản, như: giáo dục giá trị cuộc sống; giúp định hướng tương lai cho học sinh; trang bị các kiến thức cơ bản trong giao tiếp; giáo dục tình yêu thương con người...
Kể về quá trình học tập và nỗ lực trong cuộc sống của mình, anh cho biết: “Khi đủ tuổi đến trường, nhìn thấy con mình cũng đòi được đi học, cha mẹ đã phải vất vả lắm mới tìm được một ngôi trường đồng ý nhận tôi vào học”. Không phụ sự khó nhọc của cha mẹ, trong nhiều năm liền, anh luôn phấn đấu để giành được kết quả học tập tốt nhất...
Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, toàn tỉnh hiện có 23.235 NKT, chiếm 0,93% dân số của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, sở đã giới thiệu việc làm cho gần 200 NKT, nâng tổng số NKT đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp, đơn vị kinh tế trong toàn tỉnh lên hơn 1 ngàn người. |
Với những đóng góp mang nhiều ý nghĩa cao đẹp của mình, anh Phạm Anh Tuấn đã được Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh trao tặng nhiều bằng khen vì đã đóng góp tích cực đối với cộng đồng.
Văn Truyên