1. Vừa rồi, gặp một thầy giáo dạy tiểu học, anh tâm tư: “Hơn hai mươi năm làm nghề dạy học, nhưng chưa bao giờ tôi day dứt và lòng trĩu nặng như một lần dạy tiết đạo đức cách nay không lâu.
1. Vừa rồi, gặp một thầy giáo dạy tiểu học, anh tâm tư: “Hơn hai mươi năm làm nghề dạy học, nhưng chưa bao giờ tôi day dứt và lòng trĩu nặng như một lần dạy tiết đạo đức cách nay không lâu. Hôm ấy, tôi dạy học sinh lớp 5 bài đạo đức “Có trách nhiệm về việc làm của mình”. Một giờ học sôi nổi và đầy hào hứng khi tôi cho các em nói về sự giả dối. Học trò của tôi hồn nhiên nói về những thói dối trá của bạn bè, người lớn hòng đẩy trách nhiệm của mình cho người khác mà các em đã từng gặp. Tôi đã rất bất ngờ về những suy nghĩ, nhận xét, đánh giá của con trẻ ngày nay. Các em thật tinh tế khi nhìn nhận sự việc. Sẽ chẳng có chuyện gì để nói nếu không có bàn tay của một học sinh đưa lên ngay lúc tôi định kết thúc tiết dạy. Câu hỏi của em làm tôi giật mình: “Thưa thầy, sao mấy cô giáo nhuộm tóc vàng thì được, nhưng bạn T. lại bị phạt?”. Đúng là trường mình có vài cô nhuộm tóc vàng, còn hơn cậu học trò. Tôi lúng túng, ngập ngừng nhìn học trò mình. Cả lớp im phăng phắc chờ đợi.
Trước đó, vào giờ chào cờ, cậu học trò lớp 5 đã bị nhà trường “nêu gương” trước cột cờ vì “tội” nhuộm tóc vàng. T. được làm hình ảnh “trực quan” suốt tiết chào cờ để hết thầy tổng phụ trách Đội đến cô hiệu trưởng “răn dạy” một bài “đạo đức giáo khoa thư” thống thiết cho học sinh toàn trường rút kinh nghiệm.
2. Cô bạn tôi dạy tiểu học cũng kêu ca rằng, học sinh bây giờ thắc mắc nhiều chuyện mà giáo viên trả lời không được. Cô kể, có lần học trò hỏi, sao nhà trường cấm chúng con để tóc dài, nhưng sáng nay con nhìn thấy một thầy trong đoàn thanh tra của phòng GD-ĐT lại để tóc dài, đầu bù xù? Tôi nói tránh đi: “Con nhìn lầm rồi, chắc là phụ huynh đó”. Học trò tôi cứ một mực không chịu, nói đó là thầy trong đoàn thanh tra của phòng. Sau câu trả lời, cậu học trò có vẻ mặt buồn buồn, hình như xen lẫn cả sự thất vọng.
Mới đây, trường có hiệu trưởng mới, thầy nghiện thuốc mà hút không đúng chỗ, để các em học sinh nhìn thấy, tôi cũng “bị” học trò hỏi không biết trả lời như thế nào: “Sao trường cấm tụi em hút thuốc, còn thầy hiệu trưởng thì lại hút?”.
3. Tâm sinh lý của học sinh ngày nay rất khác xa với học sinh ngày xưa. Các em có thể nói ngay những suy nghĩ của mình mà không e ngại, sợ sệt, đôi lúc đưa người lớn vào thế chẳng đặng đừng. Và thời nào cũng vậy, thầy cô luôn là thần tượng của các em, là gương soi nhân cách trong tâm hồn học trò... Vì thế, những việc làm, cử chỉ, lời nói hay hành động của người thầy luôn là thước đo chuẩn mực trong mắt con trẻ.
Vài câu chuyện chưa thật “chỉn chu” trước mắt học trò của một số thầy cô ở trên đã đẩy đồng nghiệp mình vào thế thật khó xử, khó trả lời vì nó hoàn toàn không có trong giáo án.
Hồng Đào