Thời gian qua, cùng với nhiều biện pháp hỗ trợ hộ nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, như: giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất…, công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động cũng đã được TP. Biên Hòa chú trọng thực hiện nhằm giúp người dân có thêm việc làm, cải thiện đời sống.
Thời gian qua, cùng với nhiều biện pháp hỗ trợ hộ nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, như: giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất…, công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động cũng đã được TP. Biên Hòa chú trọng thực hiện nhằm giúp người dân có thêm việc làm, cải thiện đời sống.
Cách đây 4 năm, sau khi phẫu thuật mổ tim với kinh phí hơn 120 triệu đồng, gia đình chị Lê Thị Hương (ngụ ở ấp Hương Phước, xã Phước Tân) trở nên túng quẫn. Sức khỏe yếu, chị đã đăng ký học lớp dạy nghề kỹ thuật nấu ăn ngắn hạn do xã tổ chức. Với bản tính siêng năng chịu khó, sau khi kết thúc khóa học, chị đã được địa phương xét giải quyết cho vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo để mở của hàng bán đồ ăn sáng tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Dục Thúy (trái) đang giới thiệu với khách hàng về sản phẩm hoa voan. |
Phát huy được nghề đã học
Với thu nhập hàng tháng trên 6 triệu đồng, chị Hương không chỉ trả được nợ vay mà còn có điều kiện lo cho con ăn học đầy đủ hơn. Chị Hương chia sẻ: “Hiện quán của tôi không chỉ bán ăn sáng mà cả buổi chiều và nhận nấu tiệc cưới hỏi, sinh nhật theo yêu cầu của khách hàng. Vì thế mà cuộc sống của gia đình đã dần ổn định”.
Sau khi học xong lớp dạy nghề kết hoa voan tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã, bà Nguyễn Thị Dục Thúy (ngụ ấp Tân Lập, xã Phước Tân) đã phát huy được nghề học của mình. Bà không chỉ bán hàng tại nhà mà còn mở rộng ra thị trường TP. Hồ Chí Minh và qua mạng internet. Do đó, lượng khách của bà khá đông và thu nhập hàng tháng cũng liên tục tăng, nhất là vào những tháng cuối năm. “Giai đoạn đầu, lúc mới học nghề xong, tôi làm không chuyên, tức là chỉ làm khi có thời gian rảnh rỗi. Thế nhưng nghề này đã mang lại thu nhập khá, vì vậy tôi đã quyết định gắn bó với nghề” - bà Thúy chia sẻ.
Là một trong các địa phương được đánh giá làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở TP. Biên Hòa, hàng năm, xã Phước Tân rà soát và tìm hiểu kỹ đối tượng lao động cần học nghề, đặc biệt là đối tượng thuộc diện hộ nghèo để lên kế hoạch mở lớp. Riêng năm 2012, xã đã phối hợp Trung tâm dạy nghề Biên Hòa tổ chức được 9 lớp với khoảng 200 học viên theo học.
Bà Nguyễn Thị Gấm, Phó chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết: “Chúng tôi chủ yếu mở những lớp dạy nghề theo yêu cầu của người lao động để làm sao sau khi học nghề xong, họ còn sống với nghề được. Năm 2012, toàn xã có gần 200 hộ nghèo, qua khảo sát cuối năm đã có khoảng 80 hộ vươn lên thoát nghèo, trong số đó có nhiều hộ đã vươn lên bằng những nghề học được, như: nấu ăn, kết hoa voan và trang điểm”.
Vẫn còn những khó khăn
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác đào tạo nghề cho lao động ở thành phố là Trung tâm dạy nghề Biên Hòa xuống cấp, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề lạc hậu không thu hút được người lao động đến học nghề cũng như phát triển một số nghề mới. Bên cạnh đó, giáo viên cơ hữu dạy cho một số nghề còn thiếu, chưa đáp ứng được đầy đủ các bộ môn.
Trung tâm dạy nghề Biên Hòa đã kiến nghị thành phố cần nhanh chóng xem xét dự án xây mới, đầu tư nâng cấp thiết bị ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, giúp cho trung tâm hoạt động và phát triển theo nhu cầu của xã hội. |
Trong năm 2012, Trung tâm dạy nghề Biên Hòa đã tổ chức đào tạo được 20 lớp sơ cấp nghề từ 3- 5 tháng với 500 học viên theo học. Trong đó, học viên chủ yếu đăng ký học các nghề, như: trang điểm, cắm hoa, kết hoa voan, tin học… số còn lại học các nghề may công nghiệp và bảo trì thiết bị may công nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Trung tâm dạy nghề thành phố cho biết: “Hiện nay, trung tâm vẫn đang dựa vào cơ sở vật chất, thiết bị tại cơ sở để đào tạo nghề chứ chưa chú tâm đến việc tìm hiểu thị trường lao động đang cần gì để đào tạo nghề đáp ứng theo thị trường. Bên cạnh đó, còn thiếu sự liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp và người học nghề nên sẽ gây khó khăn trong việc giải quyết việc làm sau khi đào tạo”.
Cũng theo ông Đức, thời gian tới, Trung tâm dạy nghề Biên Hòa sẽ chú trọng liên kết với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh để đào tạo một số nghề mới có thể phục vụ tốt cho cư dân đô thị, như: giúp việc nhà, chăm sóc sức khỏe người già, trẻ em, sửa chữa điện thoại di động và hỗ trợ kiến thức về khoa học - công nghệ cho các nghệ nhân…
Xuân Nương