Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu thanh niên xung phong (TNXP) vẫn phải sống trong cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Thấu hiểu khó khăn của đồng chí, đồng đội, trong năm qua, Hội Cựu TNXP tỉnh đã thực hiện được nhiều việc làm thiết thực, giúp đỡ đồng đội vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu thanh niên xung phong (TNXP) vẫn phải sống trong cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Thấu hiểu khó khăn của đồng chí, đồng đội, trong năm qua, Hội Cựu TNXP tỉnh đã thực hiện được nhiều việc làm thiết thực, giúp đỡ đồng đội vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Ông Lý Minh Tiến, Phó chủ tịch thường trực Hội Cựu TNXP cho biết: “Năm 2012, sau chương trình “Dấu ấn tuổi xuân” gây Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, các cơ quan tổ chức, nhà hảo tâm đã đóng góp được trên 1 tỷ đồng. Trong năm nay, Hội đã xây tặng 19 căn nhà tình nghĩa trị giá 735 triệu đồng cho cựu TNXP. Trong đó, huyện Định Quán 5 căn, Tân Phú 2 căn, Trảng Bom 2 căn, Xuân Lộc 1 căn, Cẩm Mỹ 5 căn và 2 con bò, TP.Biên Hòa 4 căn. Bên cạnh đó, Hội còn trao tặng 350 phần quà trị giá 100 triệu đồng cho các gia đình thương binh - liệt sĩ, tặng sổ tiết kiệm cho chị em cựu TNXP không lập gia đình để phát triển kinh tế”.
* Chăm lo đời sống đồng đội
Hai cựu TNXP là Trương Văn Mùi (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc), Phan Kè (xã Đồi 61, huyện Trảng Bom) đã ở tuổi gần đất xa trời, khi nhận được nhà của Hội trao tặng đã vui mừng đến ứa nước mắt, vì cuối đời được sống trong ngôi nhà khang trang do chính đồng đội của mình trao tặng.
Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh tổ chức lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Bùi Thị Thoa (xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: H. DUNG |
Các cựu TNXP: Hoàng Thị Thuộc (xã Gia Canh, huyện Định Quán), Nguyễn Thị Lưu (xã Núi Tượng, huyện Tân Phú), Đặng Thị Lưu (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) tham gia TNXP từ thời chống Mỹ. Trở về với hai bàn tay trắng, mang thương tật trong người, không có đất để ở, phải dựng tạm những mảnh ván ghép ở tạm, hoàn cảnh gia đình của họ vô cùng khó khăn. Đến năm 2012, các cựu TNXP trên đã được sống trong căn nhà mơ ước, ấm áp nghĩa tình do Hội vận động các nhà hảo tâm xây dựng.
Tháng 11 vừa qua, Hội cũng đã tặng cựu TNXP Bùi Thị Huyên (63 tuổi, ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) căn nhà khang trang trị giá 60 triệu đồng. Bà Huyên cho biết, từ khi chồng mất, một mình bà nuôi 1 con bị tâm thần và 1 đứa cháu học lớp 10. Thi thoảng trái gió trở trời, bệnh khớp và thoái hóa cột sống hành hạ khiến bà không đi lại được. Ba người vẫn mãi ở nhờ nhà người quen nếu không có sự giúp đỡ của Hội Cựu TNXP và các nhà hảo tâm. Đến nay, cuộc sống gia đình bà đã ổn định.
* Còn nhiều trăn trở
Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Trần Anh Kiệt lo ngại: “Hầu hết các cựu TNXP đều tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn, không còn khả năng lao động. Hơn nữa, việc tập hợp các hội viên còn khó khăn do Hội Cựu TNXP cấp huyện, xã chưa được công nhận là Hội có tính đặc thù. Còn rất nhiều người vẫn phải sống trong căn nhà tranh tre nứa lá dựng tạm, nền đất đổ nát xiêu vẹo, chỉ cần một cơn gió mạnh là sụp đổ bất cứ lúc nào. Một bộ phận lớn chị em cựu TNXP từ chiến trường trở về không thể lập gia đình nên tuổi già không có con cháu, không nơi nương tựa”.
Hiện tại, trên địa bàn TP. Biên Hòa có trên 300 cựu TNXP sinh sống. Có nhiều trường hợp cựu TNXP tham gia xây dựng Tổ quốc sau giải phóng, khi trở về không có một đồng lương phụ cấp, không có nghề nghiệp, sống tạm bợ trong những căn nhà dột nát.
Thành lập từ năm 2006, đến nay Hội Cựu TNXP tỉnh đã tập hợp được 2.039 hội viên, vận động được 11 đơn vị chi hội TNXP toàn tỉnh, 80 chi hội cựu TNXP các phường, xã, thị trấn. |
Bà Nguyễn Lệ Hiệp (52 tuổi, ở KP2, phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa), gia nhập vào lực lượng TNXP đơn vị Sông Ray năm 1977. Công việc đốn cây, khai hoang rừng để trồng khoai khiến bà bị sốt rét kéo dài. Năm 1980, bà về quê hương, mang trong mình bệnh tim, phù nề, cao huyết áp và cái chân bị gãy, sưng không làm gì được. Người chồng sau ít năm cũng bị bệnh. Không những thế, vợ chồng bà còn nuôi thêm mẹ già 80 tuổi. Cuộc sống của cả nhà trông chờ vào vài chục ngàn đồng kiếm được từ việc chạy xe ôm và sự giúp đỡ của hàng xóm.
Trong con hẻm nhỏ, căn nhà rộng chừng 18m2 với tường là 2 vách của 2 nhà hàng xóm, vợ chồng bà lợp tạm vài tấm tôn, 30 năm nay không có điều kiện thay lại. Trong căn nhà lụp xụp, cứ mỗi khi trời mưa lại phải mang xô ra hứng nước khắp nơi, không có chỗ nào khô ráo. Vật dụng trong nhà có giá trị nhất là chiếc quạt máy đã cũ kỹ.
Giúp đỡ phần nào cho đồng đội có nơi ăn chốn ở ổn định, bớt đi phần nào thiệt thòi trong cuộc sống thời bình là điều mà Hội Cựu TNXP tỉnh luôn mong mỏi. Và để điều đó trở thành hiện thực, cần lắm sự chung tay góp sức của cả xã hội...
Hạnh Dung