Đó là một trong những quy định của Thông tư liên bộ số 11/2012 do các Bộ Công an - Y tế - Tài chính ban hành về việc “hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) đối với thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong Công an nhân dân (CAND)” đã có hiệu lực từ 26-10-2012.
Đó là một trong những quy định của Thông tư liên bộ số 11/2012 do các Bộ Công an - Y tế - Tài chính ban hành về việc “hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) đối với thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang công tác trong Công an nhân dân (CAND)” đã có hiệu lực từ 26-10-2012.
Thân nhân của lực lượng Công an nhân dân sẽ được hỗ trợ bảo hiểm y tế. (Ảnh minh họa) |
Theo quy định thì đối tượng áp dụng của Thông tư liên tịch số 11/2012/TTLT-BCA-BYT-BTC là thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác, học tập trong và ngoài lực lượng CAND; hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND có thời hạn quy định tại điểm b, khoản 16, điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) tham gia BHYT. Những trường hợp này bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng, người nuôi dưỡng hợp pháp (của bản thân, của vợ hoặc của chồng); vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp trên 18 tuổi nhưng bị tàn tật, mất khả năng lao động theo quy định của pháp luật.
Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND lựa chọn, đăng lý khám, chữa bệnh ban đầu cho thân nhân tại cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp. Người tham gia BHYT (thuộc đối tượng thông tư này) được khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu và được chuyển tuyến KCB tùy theo mức độ bệnh tật, phù hợp với phạm vi chuyên môn theo hệ thống các cơ sở y tế thuận tiện nhất. Thân nhân nếu thuộc đối tượng được hưởng nhiều mức quyền lợi khác nhau thì được cấp thẻ BHYT có mức hưởng ở mức quyền lợi cao nhất.
Trường hợp khi đi KCB ở các cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT; không đủ thủ tục theo quy định hoặc KCB ở nước ngoài thì người có thẻ BHYT tự thanh toán chi phí với cơ sở y tế và được thanh toán trực tiếp theo quy định. Cụ thể: 55 ngàn đồng đối với bệnh viện hạng III, hạng IV và bệnh viện chưa xếp hạng; mức 120 ngàn đồng đối với bệnh viện hạng II và mức 340 ngàn đồng đối với bệnh viện hạng I, bệnh viện hạng đặc biệt; một đợt điều trị nội trú với mức: 450 ngàn đồng đối với bệnh viện hạng III, hạng IV và bệnh viện chưa xếp hạng; mức 1,2 triệu đồng đối với bệnh viện hạng II và mức 3,6 triệu đồng đối với bệnh viện hạng I, bệnh viện hạng đặc biệt. Riêng một đợt KCB ở nước ngoài được hưởng tối đa không quá 4,5 triệu đồng.
Đối với các trường hợp bệnh có chỉ định sử dụng thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế nhưng đã được phép lưu hành tại Việt Nam thì được hưởng (80%) của mức 50% chi phí khi đã có thời gian tham gia BHYT liên tục đủ 36 tháng trở lên (kể cả thời gian đã tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác).
Mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung và được điều chỉnh theo lộ trình do Chính phủ quy định. Kinh phí đóng BHYT do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Căn cứ vào danh sách đối tượng được cấp thẻ BHYT, cơ quan tổ chức cán bộ phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp báo cáo thủ trưởng đơn vị công an, chuyển kinh phí cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT. Kinh phí đóng BHYT được chuyển vào đầu quý I hàng năm, ít nhất bằng 85% mức đóng cả năm. Thời hạn sử dụng thẻ BHYT là 12 tháng đối với thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; 36 tháng đối với thân nhân của sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong CAND. Thời hạn sử dụng thẻ BHYT được gia hạn khi có quyết định của cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian phục vụ đối với sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong CAND, tối đa không quá thời hạn phục vụ còn lại của hạ sĩ quan, chiến sĩ đó.
Kim Liễu