Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền lợi của phụ nữ sau ly hôn: Cần được tôn trọng và bảo đảm

08:11, 06/11/2012

Ly hôn, với những người trong cuộc là chuyện khó khăn và đau buồn. Tuy nhiên, với người phụ nữ và trẻ em, ngoài việc mất đi tình cảm gia đình, họ thường chịu thiệt thòi về vật chất.

 

Ly hôn, với những người trong cuộc là chuyện khó khăn và đau buồn. Tuy nhiên, với người phụ nữ và trẻ em, ngoài việc mất đi tình cảm gia đình, họ thường chịu thiệt thòi về vật chất.

Dù pháp luật thực hiện bảo đảm quyền lợi cho những đối tượng dễ bị tổn thương này, nhưng thực tế việc thực thi pháp luật sau ly hôn chưa được tôn trọng và thực hiện đầy đủ.

* Đóng góp công lao, có được tính?

Bà N.T.T., 52 tuổi ở phường Tân Phong (TP. Biên Hòa) tâm sự trong nước mắt: “Cả đời tôi phục vụ chồng, con. Những năm tháng khó khăn, ông ấy đi học, tôi phải nghỉ dạy để tảo tần bán buôn lo kinh tế gia đình. Khi ông ấy học hành thành đạt, làm ra tiền, mua thêm đất đai, nhà cửa… nghĩ là của chồng công vợ nên tôi cũng không quan tâm việc đứng tên chung. Nay tôi già nua, xấu xí, ông ngoại tình và đòi ly hôn. Trước tòa, ông ấy nói đó là tài sản riêng, mua được từ tiền ông ấy kiếm được. Thế những năm tháng tuổi trẻ, tôi phải hy sinh công việc để chạy chợ, để nuôi ông ăn học… Công lao đó, ai tính được bằng tiền để trả cho tôi?”.

Khi ly hôn, quyền lợi của phụ nữ vẫn chưa được tôn trọng và bảo đảm. (ảnh minh họa)
Khi ly hôn, quyền lợi của phụ nữ vẫn chưa được tôn trọng và bảo đảm. (ảnh minh họa)

Cũng như bà T., chị T.T.M. ở phường Trung Dũng chia sẻ: “Ngày còn chung sống, vợ chồng làm được bao nhiêu để quỹ chung của gia đình, ai cần tiền làm gì thì lấy. Khi mua nhà, mua đất, mua xe…, mình thường để anh ấy đứng tên trên giấy tờ vì nghĩ vợ chồng ai đứng tên chẳng được, có bao giờ mình nghĩ đến chuyện vợ chồng sẽ ly hôn. Không ngờ sự tin tưởng giao phó tất cả cho chồng ngày ấy giờ gây bất lợi cho mình, khi anh ta chứng minh với tòa đó là tài sản riêng. Mình gần như “trắng tay” và phải xuống nước năn nỉ mới được anh ta “ban ơn” chia lại một phần đất mà trước đây mua từ tiền của cả hai vợ chồng”.

Trong một hội thảo về nâng cao nhận thức và năng lực thực thi pháp luật cho phụ nữ do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức mới đây, các chuyên gia tư vấn pháp luật cho rằng: Nhiều chị em còn hạn chế về kiến thức pháp luật, lại thường để chồng đứng ra quyết định mọi việc giao tiếp, liên quan đến pháp luật… nên khi gia đình tan vỡ, việc phân chia tài sản, chị em thường bị thiệt thòi. Ngoài ra, phần lớn trong các vụ ly hôn, phụ nữ là người thường xin được nuôi con và được giao quyền nuôi con, vì thế việc nuôi con một mình cũng gặp không ít khó khăn.

* Chu cấp nuôi con, “nợ” khó đòi

Phân chia tài sản và con cái trong ly hôn là việc nhạy cảm và tế nhị. Phần lớn các vụ ly hôn, con cái được giao cho người mẹ chăm sóc, người cha có nhiệm vụ chu cấp hàng tháng để nuôi con. Dù tòa đã quy định mức tiền chu cấp một lần hoặc hàng tháng cụ thể theo quy định của Luật Hôn nhân - gia đình, nhưng với nhiều chị em, đó là “khoản nợ” khó đòi.

Thạc sĩ Bùi Thị Thu Trang,  chuyên gia tư vấn của Trường cán bộ phụ nữ TP.Hồ Chí Minh trong một lần về Đồng Nai tập huấn về bình đẳng giới  cho rằng, một bất hợp lý hiện nay là pháp luật còn “thả nổi” việc thi hành án chu cấp nuôi con khi để người có trách nhiệm chu cấp “tự nguyện” mà chưa có cơ chế buộc người có trách nhiệm chu cấp phải thực thi việc chu cấp, như khấu trừ trực tiếp tiền lương hoặc truy cứu trách nhiệm người thiếu trách nhiệm trong chu cấp nuôi con. Một bất cập khác, mức chu cấp theo quy định hiện hành cũng chưa đáp ứng được “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”. Thạc sĩ Trang cũng cho hay, quy định mức chu cấp được đưa ra tại thời điểm ly hôn không thể áp dụng trong suốt thời gian chu cấp có thể kéo dài 10, 15 năm với người con chưa thành niên hoặc suốt đời đối với người con tàn tật. Có thể mức chu cấp đó ở thời điểm hiện tại là đủ để người vợ nuôi con, nhưng trong thời thị trường đầy biến động, giá cả leo thang đến chóng mặt… liệu mức chu cấp đó có còn hợp lý?

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, số vụ ly hôn trên địa bàn gia tăng hàng năm. Nếu năm 2010, toàn tỉnh có 4.753 vụ ly hôn, thì năm 2011, số vụ ly hôn đã tăng lên gần 5 ngàn vụ. 6 tháng đầu năm 2012, tòa án các cấp đã tiếp nhận gần 4.500 đơn xin ly hôn và đã giải quyết cho ly hôn hơn 3 ngàn vụ. Án ly hôn ở Đồng Nai chiếm tỷ lệ khoảng 40% trong tổng số các loại án. Cũng theo thống kê của ngành tòa án, 5 năm qua, số vụ án ly hôn tăng từ 10% đến 23%. Phần lớn vụ ly hôn do phụ nữ đứng đơn và nguyên nhân chính vẫn là bị chồng bạo hành.

Một bất cập khác nữa, hiện pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định đến việc trợ cấp nuôi con sau ly hôn mà không quy định trách nhiệm với người vợ - đặc biệt là những người vợ ở nhà nội trợ. Đó là một bất bình đẳng. Không ít trường hợp, người phụ nữ hy sinh công việc, ở nhà nội trợ và chăm sóc con, khi ly hôn không được xem là có đóng góp cụ thể, nên bị thiệt thòi trong phân chia tài sản; ngoài ra, do ở nhà nội trợ, người vợ không được học hành nâng cao, ít được tiếp cận với các thông tin, dịch vụ xã hội nên hạn chế về điều kiện giao tiếp, sau ly hôn họ gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm việc làm để nuôi mình và nuôi con…

Phương Liễu

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều