Theo tôi, giáo dục bình đẳng giới trong gia đình không chỉ với đối tượng là những người đã kết hôn - những người chồng, người vợ, mà cần thực hiện ngay đối với những con trẻ, đặc biệt khi chúng vào độ tuổi yêu đương.
Theo tôi, giáo dục bình đẳng giới trong gia đình không chỉ với đối tượng là những người đã kết hôn - những người chồng, người vợ, mà cần thực hiện ngay đối với những con trẻ, đặc biệt khi chúng vào độ tuổi yêu đương. Có thể nói, giáo dục bình đẳng giới trong tình yêu (nam nữ) là một phần của nội dung giáo dục tiền hôn nhân. Có bình đẳng trong tình yêu mới hy vọng bình đẳng trong hôn nhân.
Hiện nay nam nữ được tự do yêu đương, tự do chọn người bạn đời của mình, nhưng một số không nhỏ chưa thực sự hiểu bản chất của tình yêu, chưa biết cách cư xử đúng mức với tình yêu nên dẫn đến sự bất bình đẳng giữa hai người. Biểu hiện của bất bình đẳng trong tình yêu rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Nào bạn trai “dụ dỗ”, ép bạn gái trao thân để chứng tỏ tình yêu, nếu bạn gái không chấp nhận thì giận dỗi, thậm chí chia tay; nào là bạn gái đòi bạn trai chiều chuộng, làm theo mọi sở thích của mình, đòi được tặng quà thường xuyên… Phổ biến hơn là tình trạng kiểm soát người yêu từ giờ giấc sinh hoạt đến điện thoại di động của cá nhân; ngăn cản việc người yêu tiếp xúc với người khác giới, ghen tuông vô lối, biến người yêu thành vật sở hữu của riêng mình.
Nguyên nhân của hiện tượng trên, ngoài động cơ yêu thiếu trong sáng, chân thành thì còn do thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng làm chủ bản thân của các thanh niên. Sự bất bình đẳng trong tình yêu sẽ dẫn đến nhiều tác hại mà bản thân người trong cuộc khó lường. Trước hết, ngay trong khi yêu, sự mất tự do sẽ cản trở mình tiến bộ trong học tập, lao động; nếu chiều bạn mà hiến thân, nhất là khi sinh hoạt tình dục không an toàn sẽ dễ dẫn đến các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, có thai ngoài ý muốn, có thể tan vỡ tình yêu, ảnh hưởng xấu đến cuộc hôn nhân sau này mà người thiệt thòi nhất vẫn luôn là phụ nữ. Nếu họ vẫn lấy nhau thì sự bất bình đẳng trong tình yêu sẽ là mầm mống của bất bình đẳng trong hôn nhân, ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình, làm cuộc sống trở nên ngột ngạt. Và tùy mức độ còn ảnh hưởng xấu đến những đứa con, sẽ lại gieo mầm bất bình đẳng giới trong chúng.
Bởi thế, cần phải giáo dục sự bình đẳng cho cả hai giới ngay trước ngưỡng cửa hôn nhân. Cần phải cho thanh niên hiểu bản chất của tình yêu là bình đẳng, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau; biết yêu thương, chia sẻ, thủy chung và giúp nhau cùng tiến bộ. Bản thân cha mẹ cần là tấm gương bình đẳng cho các con học tập. Nhưng rất có thể từ chính cuộc sống của mình, cha mẹ rút ra cho con những bài học khi lựa chọn người yêu và cách yêu. Còn nhà trường, với học sinh từ lớp 8 -9 trở lên, ngoài những tiết giáo dục công dân đề cập đến tình bạn - tình yêu thì cần có những hoạt động ngoại khóa, những buổi nói chuyện chuyên đề, giao lưu, trao đổi; hộp thư “gỡ rối” và tổ tư vấn - tham vấn tâm lý ngay trong nhà trường. Bên cạnh đó, không thể thiếu là hoạt động của các tổ chức Đoàn - Hội thanh niên ở trường học hay phường, xã vừa theo định hướng của cấp trên vừa sáng tạo cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình. Sự giáo dục cần hướng tới tăng cường sự tự giáo dục của mỗi thanh niên, như thế mới bền vững.
Lan Hương