Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh cho hay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, mức tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn. Vì vậy, xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp là cắt giảm nguồn nhân lực, kiểm tra, sàng lọc lại năng lực của nhân viên, người lao động.
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh cho hay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, mức tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn. Vì vậy, xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp là cắt giảm nguồn nhân lực, kiểm tra, sàng lọc lại năng lực của nhân viên, người lao động.
* Nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự
Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Yakult Việt Nam Trần Kim Thoa (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, chuyên sản xuất sữa lên men) cho biết: “Trong quý IV này, công ty chỉ có nhu cầu tuyển dụng 8 lao động có trình độ từ phổ thông đến đại học nhưng đã có tới hơn 100 hồ sơ nộp xin việc. Vì thế, chúng tôi sẽ sàng lọc kỹ và kiểm tra kinh nghiệm thực tế của các ứng viên để chọn người thật phù hợp”.
Người lao động tìm hiểu cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm tháng 11-2012. Ảnh: H. DUNG |
Anh Lê Văn Tài, nhân viên Công ty Viettrack (KCN Nhơn Trạch 3, chuyên sản xuất thiết bị điện tử, định vị toàn cầu ) thì cho hay: “Từ đầu năm đến giờ, ban giám đốc đã nhiều lần cắt giảm nhân sự. Số lượng ban đầu từ 50 nhân viên, giờ chỉ còn 35 người. Do đơn hàng không xuất được nên tiền lương cũng rất chậm trễ. Nghe đâu sắp tới lại có đợt cắt giảm nhân sự mới, chúng tôi rất lo lắng vì tết cũng đã đến rất gần”.
Nếu các năm trước, người lao động dễ dàng tìm kiếm công việc thời vụ lương cao vào dịp tết, thì năm nay, cơ hội kiếm được công việc như vậy không nhiều. Bà Nguyễn Thị Thanh, Tổng quản Công ty Jang Su JingMeng (KCN Amata, sản xuất hàng dệt, may mặc) chia sẻ: “Từ giờ đến cuối năm, công ty không có nhu cầu tuyển thêm công nhân hoặc làm thời vụ. Số lượng công nhân hiện tại đã đủ cho sản xuất kịp các đơn hàng còn lại. Qua tết, khi các đơn hàng đã hết, công nhân cũ có khả năng nhảy việc thì chúng tôi mới tuyển”.
Qua kết quả các sàn giao dịch việc làm những tháng vừa qua cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp giảm từ 20- 30%. Cụ thể, nếu như phiên giao dịch việc làm tháng 8, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 1 ngàn lao động thì đến phiên giao dịch tháng 11, chỉ có gần 700 chỗ làm chờ người lao động. Không những thế, trong tổng số hơn 2 ngàn lượt người đến tìm việc trực tiếp và truy cập trên mạng, chỉ có 300 - 400 người đạt được mục đích.
* Chờ làn gió mới
Năm 2012, dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn nhưng Đồng Nai vẫn duy trì được các đợt xúc tiến thương mại. Qua đó, thu hút đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai vẫn đạt kết quả tương đối khả quan, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Tính đến tháng 11-2012, Nhật Bản đã đầu tư trên 600 triệu USD vào gần 20 dự án, nâng tổng số dự án có mặt tại Đồng Nai lên con số hơn 140. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi số lượng dự án tăng cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu một nguồn lực lao động lớn và cơ hội tìm việc của người lao động sẽ tăng lên rõ rệt, đặc biệt là lao động có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật.
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội nhận định rằng : “Các công ty, doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, tuy nhiên sẽ không ồ ạt như những năm trước. Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ đón đầu đầu tư đối với các ngành công nghiệp phụ trợ, thu hút những ngành có chất xám cao, thân thiện với môi trường. Tất nhiên, việc chấp thuận sự đầu tư sẽ có chọn lựa, sàng lọc chứ không trải thảm đỏ như trước đây”. |
Không chỉ có cơ hội làm việc trong nước cho các doanh nghiệp Nhật Bản, người lao động còn có cơ hội làm việc ngay tại Nhật Bản tùy các hệ ngắn và dài hạn với mức lương hấp dẫn. Ông Doãn Đình Cầu, Ban tạo nguồn việc làm nước ngoài, Công ty Esuhai (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Hiện tại, nhu cầu về lao động bên Nhật Bản rất cao và Việt Nam được chọn là một trong những thị trường đắc lực cung cấp nguồn lao động. Mỗi năm, công ty đưa sang Nhật từ 500 - 1.000 lao động. Hàng tháng, công ty đều tổ chức hội thảo tư vấn tuyển dụng hai nhóm đối tượng. Thứ nhất là thực tập sinh - hệ vừa học vừa làm nhằm nâng cao tay nghề, khả năng ngoại ngữ. Thứ hai là đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, thông dịch viên. Lao động ở Nhật khi hết hạn hợp đồng lao động có thể quay về Việt Nam, và chúng tôi sẽ giúp họ xin được công việc phù hợp với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên tuyển dụng lao động làm việc cho các công ty của Nhật tại Việt Nam. Khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai được xem là thị trường trọng điểm”. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người lao động trong thời điểm khó khăn như hiện nay.
Hạnh Dung