Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu đủ thứ! (Bài 2)

10:11, 26/11/2012

Dù đã có nhiều giải pháp được triển khai nhưng kết quả phòng, chống dịch bệnh ở Đồng Nai vẫn còn hạn chế. Ngoài việc người dân còn thờ ơ, lơ là với phòng dịch, thì vấn đề thiếu kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, thiếu sự phối hợp và yếu chuyên môn… chính là những rào cản lớn trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

 

Dù đã có nhiều giải pháp được triển khai nhưng kết quả phòng, chống dịch bệnh ở Đồng Nai vẫn còn hạn chế. Ngoài việc người dân còn thờ ơ, lơ là với phòng dịch, thì vấn đề thiếu kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, thiếu sự phối hợp và yếu chuyên môn… chính là những rào cản lớn trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh hiện nay.[links(left)]

Không riêng gì các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, đông dân cư, như: TP.Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch… mới thiếu cán bộ y tế, mà ngay những địa bàn từng được chuẩn hóa về đội ngũ này cũng đang hết sức lo lắng vì sợ bác sĩ… bỏ trạm y tế (TYT), bỏ cơ sở điều trị  đi bất cứ lúc nào.

* Cán bộ chống dịch: thiếu và yếu

Nhiều năm qua, TP. Biên Hòa luôn là địa bàn “nóng” nhất trong tỉnh về dịch bệnh. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng phòng y tế TP.Biên Hòa cho rằng, hạn chế trong mạng lưới y tế dự phòng là tổ chống dịch ở các phường, xã đang rất thiếu người. Biên Hòa có 30 phường xã, mỗi phường, xã đều có tổ chống dịch, nhưng thành phần chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ hạn chế. 

 

Cán bộ y tế cơ sở tham gia phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.          Ảnh: P.V
Cán bộ y tế cơ sở tham gia phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: P.V

 

Một thực tế khác, hiện quy trình hoạt động của các tổ chống dịch thường là… có ca dịch thì làm, không có thì thôi. Ông Nguyễn Thanh Hùng, cộng tác viên (CTV) y tế xã Bảo Quang (TX. Long Khánh) cho biết: “Tôi là một trong 6 CTV của xã. Địa bàn rộng nên mỗi CTV phải phụ trách đến hơn 300 hộ dân, do đó tiến độ triển khai truyền thông trực tiếp tại nhà dân cũng như phun xịt hóa chất diễn ra khá chậm”.

Không tìm được CTV y tế cho công tác phòng, chống dịch cũng là một khó khăn lớn hiện nay tại các địa phương. Bởi, kinh phí mỗi ngày vào chiến dịch cho CTV chỉ có 20 ngàn đồng, trong khi một ngày công lao động làm ngoài hiện đã từ 100-150 ngàn đồng. Tiếp cận với nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, chế độ hỗ trợ thấp khiến nhiều CTV không mặn mà, thiếu tâm huyết. “Thiếu CTV nên việc nắm bắt thông tin khi có dịch cũng chậm và dập dịch cũng bị muộn hơn” - ông Phạm Đình Khiết, Trưởng TYT xã Phú Lợi (huyện Định Quán) khẳng định.

Bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế không khỏi băn khoăn về trình độ chuyên môn của cán bộ phòng dịch ở cơ sở. Dù được tập huấn về tỷ lệ, cách thức pha, phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng, nhưng không phải cán bộ y tế nào cũng nắm được hết. Đó là chưa kể có tình trạng cán bộ y tế thuê người đi phun xịt hóa chất hay TYT giao khoán hóa chất cho người được thuê mướn tự pha lấy dẫn đến lãng phí và kém hiệu quả.

* Phối hợp phòng dịch: Còn lỏng lẻo

Ông Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Khó khăn hiện nay của địa bàn là thông tin phản hồi từ các cơ sở điều trị về trung tâm còn quá chậm. Đã có những ca mắc tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) được điều trị ở bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh cả tháng sau địa phương mới nhận được phản hồi nên việc khoanh vùng, xử lý ổ dịch không kịp thời, làm dịch lây lan ra cộng đồng”.

Không những chính quyền các cấp, đoàn thể ở một số địa phương thiếu phối hợp với y tế, thậm chí khoán trắng cho y tế, mà ngay trong ngành chủ lực này, các đơn vị cũng chưa phối hợp thật chặt chẽ. Theo quy trình, bệnh nhân bị TCM hoặc SXH đến điều trị tại bệnh viện, bệnh viện đó thống kê và báo cho TTYT dự phòng tỉnh; TTYT dự phòng tỉnh báo về cho TTYT huyện; TTYT  huyện mới báo về TYT xã, phường để điều tra, khoanh vùng và xử lý ổ dịch nếu xác minh được ca bệnh. Chính vì quy trình quá vòng vo, dẫn đến tình trạng ổ dịch bị xử lý nguội hoặc quá thời gian xử lý.

Trong các lớp tập huấn phác đồ mới về điều trị và xử lý bệnh SXH và TCM, Bệnh viện nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) cũng đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng để các bệnh viện có thể gọi hội chẩn hoặc hỏi về cách xử lý những ca bệnh nặng. Song, thông tin từ Phòng chỉ đạo tuyến của bệnh viện này xác nhận, hầu như mới chỉ có Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thường xuyên hội chẩn qua điện thoại, còn các bệnh viện tuyến huyện và tuyến khu vực ở Đồng Nai chưa thấy gọi bao giờ…

Ông Lê Vân Chính, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm của huyện phàn nàn: “Cũng vì tình trạng thông tin đi vòng vo mà trong 417 ca SXH được phản hồi, chúng tôi chỉ điều tra được 226 ca; trong 290 ca TCM được phản hồi, chỉ điều tra được 93 ca. Thực tế, số ca được phản hồi có thể thấp hơn rất nhiều so với số ca thực nhiễm do tình trạng biến động dân cư trên địa bàn”.

* Điều trị: Tất tả chạy theo dịch

Không như những bệnh nhiễm khác có vaccine phòng ngừa, bệnh SXH, TCM không có vaccine phòng ngừa và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, công tác điều trị hiện nay vẫn chạy theo dịch.

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, số ca mắc TCM và SXH nhập viện đang tăng cao. Nếu những tháng trước chỉ từ 120-150 ca bệnh TCM và SXH nặng phải nhập viện điều trị, thì từ tháng 8 đến nay, số ca bệnh tăng vọt lên 300-400 ca, khiến bệnh viện quá tải nặng nề. Trong khi nhu cầu điều trị dài ngày tại bệnh viện ngày một tăng nhưng lượng thuốc hiện nay rất thiếu, cơ sở vật chất không đáp ứng nổi, thiếu bác sĩ, thiếu trang thiết bị…

Bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết:  “Để phòng, chống tốt dịch bệnh, cần phải có một đội ngũ đủ về lượng, sâu về chuyên môn bởi hiện nay, việc phòng dịch mới chỉ dừng lại ở bề rộng mà chưa đi vào chiều sâu” .

Bác sĩ Đồng Văn Hùng, Trưởng khoa nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) - người đã từng tập huấn phác đồ điều trị mới bệnh SXH và TCM cho đội ngũ bác sĩ tuyến dưới cho biết: “Trong nhiều lần tập huấn phác đồ điều trị mới, một số bệnh viện tuyến huyện ít khi tham gia hoặc có tham gia thì số người được cử đi tập huấn cũng rất ít. Điều này dẫn đến tình trạng bác sĩ không cập nhật phác đồ điều trị mới, không có kinh nghiệm để xử lý ca bệnh”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng phòng y tế Biên Hòa cho biết: “Do nhân sự kiêm nhiệm, không chuyên trách nên việc phòng dịch cũng khó khăn hơn, đó là chưa kể việc nhân sự thay đổi xoành xoạch”.

Không chỉ bệnh viện tuyến tỉnh gặp khó, mà bệnh viện tuyến dưới cũng lúng túng trong chuyên môn. Qua đợt kiểm tra thực tế của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm của tỉnh cũng như các cuộc họp bàn rút kinh nghiệm về những ca tử vong do SXH và TCM của ngành y tế cho thấy, năng lực chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh của nhiều bác sĩ tuyến dưới còn hạn chế. Trong 8 ca tử vong do SXH, có 3 ca do bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán nhầm, không xác định đúng độ bệnh, chuyển viện chậm trễ dẫn đến tử vong. Trường hợp tử vong mới nhất tại một bệnh viện đa khoa tuyến huyện là một cháu bé được xác định bị SXH. Trong quá trình điều trị, bác sĩ không nhận ra bệnh nhân đã chuyển độ vào giai đoạn nặng và có sốc nên không chuyển lên tuyến trên. Cho đến khi bệnh nhân tái sốc thì lúc đó mới vội chuyển viện nhưng không kịp.

Bác sĩ Hoàng Văn Thành, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Vĩnh Cửu thừa nhận: “Hiện nay, bệnh viện đang rất thiếu bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa nhi nên chỉ tiếp nhận điều trị bệnh TCM và SXH ở độ nhẹ, chưa đủ trình độ chuyên môn để giữ lại điều trị ca bệnh ở độ cao hơn”.

 

 

P.Liễu-V.Truyên-H.Dung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều