Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao người thất nghiệp “chê” học nghề?

08:10, 04/10/2012

Từ tháng 1-2010 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 67 ngàn người được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhưng chỉ có 61 người đăng ký học nghề…

Từ tháng 1-2010 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 67 ngàn người được giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhưng chỉ có 61 người đăng ký học nghề…

Ngoài việc hỗ trợ tài chính cho người lao động (NLĐ) khi mất việc thì BHTN còn hỗ trợ cho người lao động học nghề.  Việc này nhằm tạo điều kiện giúp NLĐ có cơ hội trang bị thêm kiến thức mới, nâng cao kỹ năng nghề của bản thân, qua đó nhanh chóng tìm được việc làm có mức thu nhập cao hơn…

* “Đìu hiu” các lớp học nghề

Hiện Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh có tổ chức một số nghề học ngắn hạn trình độ sơ cấp dành cho NLĐ đang hưởng chính sách BHTN, như: may công nghiệp, sửa chữa máy may, máy vi tính, điện công nghiệp, tin học văn phòng, kỹ năng nghề… Thế nhưng, các lớp học này rất vắng, do NLĐ không mấy mặn mà với việc học nghề.

Người lao động được cán bộ Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn đăng ký học nghề.                            Ảnh: K. Liễu
Người lao động được cán bộ Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn đăng ký học nghề. Ảnh: K. Liễu

Theo thống kê của TTGTVL tỉnh, tỷ lệ người thất nghiệp đăng ký học nghề rất thấp. Năm 2010, chỉ có 1/14.595 người được giải quyết trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề (chiếm tỷ lệ 0,006%); năm 2011 chỉ có 6/24.023 người (tỷ lệ 0,025% ); 6 tháng đầu năm 2012 có 2/15.164 người (tỷ lệ 0,013%).

Khi được hỏi có tham gia học nghề hay không, nhiều NLĐ đã trả lời ngay: nghe được hỗ trợ thì có vẻ có lợi lắm, nhưng chúng tôi thấy không cần thiết. Chị N.T.L. (công nhân KCN Biên Hòa I) dẫn chứng: “Các công ty bây giờ nhu cầu tuyển lao động có đòi hỏi bằng cấp gì đâu, họ vừa tuyển vô vừa làm vừa đào tạo, chỉ cần học 1-2 tháng là thạo việc, cần gì phải học”. Cùng quan điểm, anh H., công nhân ở KCN Amata cho biết: “Tôi nghỉ việc để xin làm công chỗ khác có lương cao hơn, nếu học nghề sẽ tốn thời gian và lỡ mất cơ hội xin việc làm”.

* Bất cập từ chính sách…

Ghi nhận tại TTGTVL tỉnh và các điểm đào tạo, chúng tôi nhận thấy chế độ hỗ trợ học nghề đối với người thất nghiệp có nhiều điểm chưa phù hợp. Do không đáp ứng hoàn cảnh của NLĐ cũng như nhu cầu của doanh nghiệp. Đa số NLĐ thất nghiệp là lao động phổ thông, tự ý “nhảy việc” để tìm thu nhập cao hơn. Các đơn vị tuyển dụng lại không có yêu cầu cao nên NLĐ không cần học nghề. Một số lao động lớn tuổi hoặc vì lý do sức khỏe, trông con nhỏ nên trong thời gian hưởng trợ cấp không có nhu cầu cũng như không sắp xếp được thời gian đi học nghề… 

Nhiều NLĐ cho rằng, sau khi học nghề chỉ được chứng nhận bằng nghề sơ cấp. Với chứng chỉ này, họ có xin được việc mới thì mức thu nhập chênh lệch không bao nhiêu so với mức của lao động phổ thông. Do vậy, họ chọn phương án tìm việc làm ngay sau khi thất nghiệp.

Phía các cơ sở đào tạo cho rằng, kinh phí hỗ trợ học nghề là 300 ngàn đồng/người/tháng là thấp. Bên cạnh đó, các cơ sở được thanh toán sau - dựa trên số liệu học viên đã tốt nghiệp. Nếu số học viên tốt nghiệp thấp thì đơn vị bị lỗ kinh phí đào tạo. Song song đó, số lượng học viên ít, không đủ để mở lớp học. Trong thời gian chờ đủ số lượng, thì người đăng ký học nghề đã tìm được việc. Ngoài ra, thời gian học nghề tối đa là 6 tháng nên khó đào tạo những nghề chất lượng cao.

* Thu hút người học nghề bằng cách nào?

Theo bà Trần Thị Huỳnh Trâm, phụ trách phòng BHTN, TTGTVL tỉnh thì: “Nếu Nhà nước tăng mức hỗ trợ lên 500 ngàn đồng/tháng/người và tăng thời gian học nghề; mở rộng danh mục nghề đào tạo; có hướng dẫn học nghề theo dạng đào tạo tự học thì sẽ thu hút người thất nghiệp tham gia học nghề”. 

Việc NLĐ “bỏ quên” quyền lợi học nghề, một phần là do không được tư vấn cặn kẽ về chính sách. Theo số liệu từ TTGTVL tỉnh, từ khi trung tâm đẩy mạnh việc triển khai quy trình phối hợp giữa các phòng BHTN, cung ứng lao động, đào tạo nghề tổ chức tư vấn phân tích về quyền lợi của NLĐ khi học nghề thì số lượng người đăng ký học nghề tăng vọt. Từ tháng 7 đến 9-2012 đã có hơn 200 người thất nghiệp đăng ký học nghề.

Qua đó cho thấy, nếu chính sách được điều chỉnh cho phù hợp hơn và các cơ quan chức năng thực hiện tốt vai trò của mình thì không có lý gì người thất nghiệp lại từ chối quyền lợi học nghề của mình.

Kim Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích