Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp bước cho em đến trường

08:10, 11/10/2012

Tối ngày 13-10 tới đây, 255 học sinh các cấp học trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong học tập sẽ được nhận học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” do Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Sở GD-ĐT và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. Trong số này, Báo Đồng Nai giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu trong số 255 học sinh được nhận học bổng này.

Tối ngày 13-10 tới đây, 255 học sinh các cấp học trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong học tập sẽ được nhận học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” do Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Sở GD-ĐT và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. Trong số này, Báo Đồng Nai giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu trong số 255 học sinh được nhận học bổng này.

Khổng Phạm Quốc Toàn: Không đầu hàng số phận

Khổng Phạm Quốc Toàn học bài cùng bạn.
Khổng Phạm Quốc Toàn học bài cùng bạn.

Đã 10 tuổi, nhưng Khổng Phạm Quốc Toàn (lớp 5/1, Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, phường Bình Đa, TP. Biên Hòa) có hình dáng và cân nặng khá khiêm tốn bởi căn bệnh thoát vị màng não tủy, u ở vùng thắt lưng. Song, Quốc Toàn luôn khiến bạn bè khâm phục bởi sự chăm chỉ, vượt qua bệnh tật.

Gia đình nghèo khó, cha mẹ lại không có việc làm ổn định nên cả nhà Quốc Toàn phải tha phương để làm thuê kiếm sống. Cuộc sống bôn ba, vất vả cộng với bản thân yếu ớt khiến em gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và học tập. Thấy vậy, người cô của Quốc Toàn mang em về Biên Hòa nuôi cho ăn học. Thế là gia đình Toàn chia đôi: cha và Toàn ở nhờ nhà cô, còn mẹ và em trai phải ở lại Lâm Đồng. Thỉnh thoảng, cả gia đình mới có dịp quây quần bên nhau.

Ngày qua ngày, cuộc sống của 2 cha con phụ thuộc vào đồng lương bảo vệ đêm ít ỏi của người cha. Cuộc sống ấy càng trở nên túng quẫn khi Quốc Toàn phải nhập viện, làm phẫu thuật cắt bỏ u mỡ. Ông Khổng Văn Hoài, cha của Quốc Toàn cho biết, nếu không phẫu thuật thì Toàn có nguy cơ bị liệt, nên dù khó khăn, vợ chồng ông cũng cố gắng vay mượn để chữa trị cho con. Đời sống khó khăn, sức khỏe Toàn lại yếu ớt, ông Hoài từng nghĩ đến chuyện cho con nghỉ học để vừa đỡ vất vả cho mình, vừa đỡ cực cho con. Nhưng nhìn con ngày nào cũng chăm chỉ, miệt mài học ông lại không đành. Thấy cha mẹ vất vả, Quốc Toàn càng thêm chăm chỉ, ngoài giờ học ở trường em còn nhờ bạn bè chỉ thêm bài vở và tự học ở nhà.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Quốc Toàn nói: “Thể lực của em yếu hơn các bạn, việc học vì thế khó khăn hơn, nhưng em quyết sẽ không đầu hàng số phận. Em chỉ mong sau này có một công việc ổn định, mua được nhà ở để cha mẹ và mấy anh em không phải xa nhau nữa”.

Nguyễn Ngọc Tú: 11 năm liền là học sinh giỏi

Là con trai đầu trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống bấp bênh nhưng Nguyễn Ngọc Tú (lớp 11A3 Trường THPT Long Khánh, TX.Long Khánh) luôn nỗ lực vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập. Liên tục 11 năm liền, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Nguyễn Ngọc Tú
Nguyễn Ngọc Tú

Là lao động chính trong nhà, vậy mà cách đây 4 năm, cha của Tú đột ngột bị liệt vì tai biến mạch máu não, phục hồi rất chậm nên không làm được những việc nặng. Gánh nặng gia đình từ đó dồn vào gánh bắp luộc của mẹ. Tất bật mưa nắng suốt cả ngày ngoài chợ, mẹ của Tú cũng chỉ kiếm được 30-40 ngàn đồng/ngày để trang trải trong gia đình. Vì thế, nhà em luôn thiếu trước hụt sau.

Ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thương cha mẹ cả đời làm việc vất vả, nên dù là con trai nhưng hàng ngày, đi học về Tú đều cáng đáng những việc trong nhà, như: dọn nhà, nấu cơm giúp mẹ, thỉnh thoảng còn chở bắp ra chợ và phụ bán với mẹ... Tuy cuộc sống vất vả nhưng trong suốt những năm học phổ thông em đều là học sinh giỏi. 

Thầy Lê Ngọc Đề, Bí thư Đoàn trường cho biết: “Không chỉ vượt khó học giỏi, Tú còn rất ngoan, lễ phép với thầy cô, sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong lớp. Thầy cô trong trường đều mến em, còn bạn bè thì cảm phục nghị lực của em”. Khi nói về dự định của mình, Tú cho biết: “Trong năm học này em sẽ cố gắng giữ được thành tích. Em thích ngành học liên quan đến công nghệ thông tin, vì vậy, sang năm em sẽ thi vào ngành công nghệ thông tin của Trường đại học bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Em chỉ mong sau này thành đạt để nuôi cha mẹ và giúp ích cho xã hội”.

Nguyễn Ngọc Thùy Linh
Nguyễn Ngọc Thùy Linh

Nguyễn Ngọc Thùy Linh: Học để chiến thắng bệnh tật

Không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, khi sinh ra, Nguyễn Ngọc Thùy Linh (lớp 5/3 Trường tiểu học Tín Nghĩa, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) đã mang trong mình căn bệnh thiếu chất tăng trưởng. Suốt 10 năm liên tục, tháng nào em cũng phải cùng cha mẹ lên Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc Bệnh viện nhi đồng để xét nghiệm máu và lấy thuốc, chi phí mỗi lần tái khám hơn 1 triệu đồng. Ngày nào Linh cũng phải uống thuốc để duy trì sự sống, mặc dù tác dụng phụ của thuốc khiến em thường bị đau khớp, đi đứng khó khăn. Đồng lương công nhân cao su của cha Linh vừa phải cáng đáng 4 miệng ăn trong nhà, vừa lo chữa bệnh cho em nên bữa đói, bữa no là chuyện thường tình ở gia đình Linh.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thương cha mẹ sớm hôm vất vả, dù mang trọng bệnh trong người nhưng Linh luôn cố gắng vươn lên trong học tập để quên đi bệnh tật. Suốt 4 năm liền, Linh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, đứng thứ 3 trong toàn khối, được thầy yêu, bạn mến. Cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Huệ cho biết: Dù bệnh tật nhưng Linh không mặc cảm, em rất ham học, trong lớp chăm chú nghe giảng, hăng say phát biểu ý kiến, thường xuyên chỉ bảo bài cho bạn, thân thiện, hòa đồng với bạn bè. Linh tiếp thu kiến thức rất nhanh, đặc biệt, em giỏi môn toán và đã từng tham gia cuộc thi “Giải toán trên máy tính” của huyện.

Biết tin mình sẽ được nhận học bổng “Tiếp bước cho em đến trường”, Linh phấn khởi nói: “3 triệu đồng là số tiền lớn đối với gia đình em. Em sẽ đưa cho mẹ để mẹ mua thuốc, đong gạo, trang trải cuộc sống và đóng tiền học cho 2 chị em. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người".

Thêm cơ hội cho em tiếp bước đến trường...

Từ khi cha lâm bệnh nặng rồi qua đời, hoàn cảnh của gia đình em Nguyễn Thị Thái Thanh Tâm (lớp 8 Trường THCS Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) đã khó lại càng khó hơn.

Cũng từ đó, trong căn nhà nhỏ bé và lụp xụp ấy, gánh nặng gia đình (4 mẹ con) lại đè nặng hơn bao giờ hết lên vai mẹ của Thanh Tâm. Một mình mẹ phải làm tất cả mọi việc, từ việc đồng áng đến đi cày thuê, cuốc mướn để có tiền lo cho 3 chị em Thanh Tâm tiếp tục được đến trường.

Ý thức được sự vất vả của mẹ, nên dù là con út trong nhà, được mẹ và anh chị dành nhiều tình cảm thương yêu nhất, nhưng ngoài thời gian học trên lớp, em luôn cố gắng đỡ đần công việc nhà để mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt nhọc. Đến vụ mùa, em lại cùng với anh chị ra đồng nhổ cỏ, cấy lúa, giúp mẹ đỡ vất vả hơn trong công việc đồng áng.

Cô Võ Thị Thùy Phương, giáo viên chủ nhiệm của Thanh Tâm cho biết, trong suốt 7 năm học vừa qua, Thanh Tâm đều cố gắng, nỗ lực hết mình để trở thành một học sinh giỏi của trường. Tuy nhiên, chi phí học hành luôn là một gánh nặng không nhỏ đối với những gia đình có hoàn cảnh như em. Chính vì vậy trong năm học vừa qua, tưởng chừng như có lúc cô học trò nhỏ này phải rời bỏ ghế nhà trường, xa thầy cô bạn bè cùng bao ước mơ để bươn chải kiếm tiền phụ giúp gia đình và chăm sóc người mẹ đau ốm của mình. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ kịp thời của học bổng "Tiếp bước cho em đến trường" do Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Sở GD-ĐT, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức, Thanh Tâm đã có thêm cơ hội được bước tiếp trên con đường học vấn.

Văn Truyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

N.Sơn - H.Cường - H.Dung

 

Tin xem nhiều