Báo Đồng Nai điện tử
En

Vướng mắc vì đâu? (Bài cuối)

09:10, 03/10/2012

Không phải đợi đến bây giờ, ngành GD-ĐT và các địa phương mới nhìn thấy tình hình quá tải, thiếu trường lớp ở bậc học mầm non (MN) mà cách đây mấy năm, nhiều nơi đã lên tiếng cảnh báo. Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, cho đến nay, sự phát triển của bậc học MN vẫn ì ạch so với nhu cầu của xã hội.

Không phải đợi đến bây giờ, ngành GD-ĐT và các địa phương mới nhìn thấy tình hình quá tải, thiếu trường lớp ở bậc học mầm non (MN) mà cách đây mấy năm, nhiều nơi đã lên tiếng cảnh báo. Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, cho đến nay, sự phát triển của bậc học MN vẫn ì ạch so với nhu cầu của xã hội.

Theo bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, vướng mắc lớn nhất trong sự phát triển của bậc học MN chính là Quyết định số 20 của Bộ GD-ĐT, trong đó quy định nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất từ ngân sách Trung ương, tỉnh tập trung cho bậc tiểu học, trung học, còn MN chỉ được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, tài trợ và vận động đóng góp.

* Vướng bởi cơ chế

Từ quy định này, nhiều dự án xây dựng, phát triển trường MN tại các địa phương đều bị dừng lại. Ông Phạm Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa cho biết, trong quy hoạch sử dụng đất của Biên Hòa đến năm 2015, đã lập 20 vị trí xây dựng trường MN với tổng diện tích 11,5 hécta. Nhưng do vướng quy định, thành phố không được sử dụng nguồn ngân sách để xây dựng trường, chỉ trông chờ vào nguồn quỹ xã hội hóa. Tuy nhiên, để xây dựng một trường theo đúng chuẩn, đảm bảo chất lượng giáo dục MN thì kinh phí đầu tư là rất lớn, nên nhiều nhà đầu tư rất ngần ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này. “Có một doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng trường MN, đã được thành phố giới thiệu địa điểm tại phường Quang Vinh, nhưng riêng tiền đền bù giải tỏa đã hơn 6 tỷ đồng, kinh phí xây dựng ước cũng phải gần 10 tỷ đồng nữa. Đây là số vốn quá lớn nên dự án đến nay vẫn chưa triển khai được” - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa Lê Văn Hùng cho biết.

Do cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu sân chơi, các trẻ ở Trường mầm non Quang Vinh (TP.Biên Hòa) chỉ sinh hoạt quanh quẩn trong lớp.  Ảnh: T.THÚY
Chưa xây dựng được trường mới, các trẻ em Trường mầm non Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) phải học ở phòng mượn tạm . Ảnh: T.THÚY

Trong 2 năm 2011-2012, cả TP. Biên Hòa chỉ đầu tư xây mới từ nguồn xã hội hóa được 2 trường MN tư thục, gồm: Song Khuê (phường Bửu Hòa) và Chim Họa Mi (phường An Bình). Trong khi đó, riêng năm 2011 số trẻ ra lớp tăng đến 3.873 cháu. Hiện nay, 31 trường MN công lập của Biên Hòa chỉ đáp ứng được khoảng 20% số trẻ ra lớp, 23 trường tư thục và trên 500 nhóm trẻ phải đảm nhận số trẻ còn lại. Không chỉ thế, việc sửa chữa các trường lớp xuống cấp cũng gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2010 đến nay, hàng năm UBND TP. Biên Hòa chi từ 1,2-2,2 tỷ đồng để tu sửa cơ sở vật chất, nhưng trong đợt thanh tra vào tháng 6-2012 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính đã yêu cầu địa phương phải kiểm điểm vì đã chi sai quy định Nhà nước, thậm chí còn đề nghị xuất toán. “Biên Hòa xin xây dựng 14 trường MN, nhưng đều bị bác bỏ” - ông Dũng cho biết.[links(right)]

Ở các huyện vùng sâu, không bị khống chế bởi quy định không được sử dụng kinh phí từ ngân sách, thì gặp vướng mắc bởi thiếu kinh phí. Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước cho biết: “Trường MN Bình Hòa do xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ nên phải tháo dỡ để xây mới. Nhưng do kinh phí xây dựng trường mới lên đến 20 tỷ đồng trong khi ngân sách huyện gặp khó khăn, nên đến nay dự án vẫn phải xếp lại, trường phải mượn phòng để học tạm. Toàn huyện hiện có 146 phòng học cho 6.518 cháu, nếu tính bình quân thì mỗi lớp có gần 45 cháu. Tuy nhiên, trong đó có đến 40% là phòng học dạng nhà cấp 4, 11% phòng học mượn tạm từ các cơ sở khác, chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích, ánh sáng, phòng chức năng để giáo dục toàn diện cho trẻ”.

Ở huyện Nhơn Trạch, Trường MN Phú Thạnh vốn được cải tạo lại từ một nhà kho, nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng, tường bị xé nứt ở nhiều nơi khiến phụ huynh rất lo ngại, nhưng dù xã kiến nghị xây mới rất nhiều lần, địa phương vẫn chưa thể đáp ứng do thiếu vốn.

* Cần những giải pháp mạnh

Nhìn chung, tình trạng thiếu trường lớp, quá tải ở bậc học MN không dàn trải đều mà chỉ tập trung cục bộ ở một số khu vực có đông công nhân lao động nhập cư, hoặc các khu dân cư mới xây dựng do tăng dân số cơ học. Như ở phường An Bình (TP. Biên Hòa), khu dân cư An Bình mới xây dựng có khoảng 1.300 hộ, cứ cho khoảng 1/3 số hộ trên lập gia đình và có ít nhất 1 trẻ con, thì riêng khu này cần phải có trường lớp cho 450 cháu. Nhưng nghịch lý là gánh nặng này đổ hết vào địa phương, không thấy trách nhiệm của nhà đầu tư. Vì vậy, cần phải có quy định nhà đầu tư khi xây dựng khu dân cư mới bắt buộc phải dành quỹ đất để xây dựng trường nhằm bảo đảm trẻ em ở khu dân cư có nơi để học hành.

Một góc Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: T.THÚY
Do cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu sân chơi, các trẻ ở Trường mầm non Quang Vinh (TP.Biên Hòa) chỉ sinh hoạt quanh quẩn trong lớp. Ảnh: T.THÚY

Tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có sử dụng đông lao động, cũng cần đề nghị đơn vị đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng trường lớp cho con em công nhân lao động. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp ổn định lao động, tạo sự gắn bó lâu dài giữa người lao động với doanh nghiệp. Mô hình này đã được Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom) áp dụng, đầu tư hơn 5 triệu USD xây dựng Trường MN Đông Phương cho trên 500 trẻ là con em người lao động trong tập đoàn có chỗ học tập, cha mẹ yên tâm làm việc.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hải cho biết, mới đây có doanh nghiệp xin phép đầu tư xây dựng trường MN tại Khu công nghiệp AMATA với diện tích 2 hécta nhằm phục vụ nhu cầu gửi trẻ cho khoảng 25 ngàn lao động đang làm việc tại đây. Nhưng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, đất trong khu công nghiệp không được xây dựng trường học, muốn chuyển đổi mục đích sử dụng phải trình Thủ tướng phê duyệt. Vì thế, dự án này vẫn đang ách tắc. Đây cũng là một trong những vấn đề về cơ chế cần được tháo gỡ.

Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục MN, Nhà nước cũng cần thực hiện cơ chế giao đất sạch nhằm tạo thuận lợi hơn cho công tác xã hội hóa. Như ở Trường MN Đinh Tiên Hoàng (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa), nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ, giao đất sạch là mặt bằng của một doanh nghiệp đã giải thể, Công ty cổ phần Đinh Thuận đã nhanh chóng xây dựng trường, giải quyết được nhu cầu học cho hơn 200 cháu. “Nhưng trước mắt, Nhà nước cần phải đầu tư ngân sách để xây dựng trường lớp cho bậc học MN, nhất là tại các khu đông dân cư, tập trung công nhân lao động. Nếu không có sự chủ động ngay từ bây giờ, thì chỉ trong vòng 2-3 năm nữa, trong tỉnh sẽ không còn một trường MN nào đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp sẽ không đạt chỉ tiêu, công tác phổ cập MN khó hoàn thành, chất lượng giáo dục ở bậc học này sẽ ngày càng giảm sút, không thể hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra” - Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng trăn trở.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều