Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện bình đẳng giới: Phải bắt đầu từ nhận thức

07:10, 09/10/2012

Luật Bình đẳng giới có hiệu lực đã 5 năm, song đến nay, dù đã có nhiều tiến bộ nhưng giữa nam và nữ vẫn chưa thực sự được bình đẳng.

 

Luật Bình đẳng giới có hiệu lực đã 5 năm, song đến nay, dù đã có nhiều tiến bộ nhưng giữa nam và nữ vẫn chưa thực sự được bình đẳng.

Nghiên cứu mới nhất của Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ cho thấy, phụ nữ mới chỉ được hưởng 80% thu nhập so với sức lao động bỏ ra… Rào cản là nhận thức về bình đẳng giới vẫn chưa thông ở cả hai giới.

* Công nhận không phải là châm chước

Trong một lần về Đồng Nai tập huấn công tác bình đẳng giới cho cán bộ phụ nữ, thạc sĩ Bùi Thị Thu Trang, chuyên gia tâm lý của Trường Cán bộ phụ nữ TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lâu nay, vấn đề thực hiện bình đẳng giới được cổ vũ khá nhiều. Song vấn đề này chưa được hiểu thật chính xác ở cả hai giới. Một số phụ nữ cho rằng, bình đẳng giới chính là nam giới làm được gì thì phụ nữ cũng có thể làm được điều đó. Chẳng hạn như: hôm nay vợ nấu cơm, lau nhà thì mai chồng cũng phải  lau nhà, nấu cơm. Hoặc không ít nam giới cho rằng đã bình đẳng thì các bà cũng phải làm mọi việc như đàn ông, kể cả những việc nặng... Nghĩa là đàn ông làm ngày bao nhiêu giờ thì phụ nữ cũng phải chừng ấy, không có quyền viện lý do “phụ nữ chân yếu tay mềm” để được châm chước”. Bà Trang cho rằng, cách hiểu đó hoàn toàn sai với bản chất của việc cổ vũ cho thực hiện bình đẳng giới.

Chia sẻ trách nhiệm việc nhà của mỗi thành viên sẽ làm gia đình thêm gắn bó. Ảnh: P. Liễu
Chia sẻ trách nhiệm việc nhà của mỗi thành viên sẽ làm gia đình thêm gắn bó. Ảnh: P. Liễu

Có thể nói quan niệm nam nữ ngang nhau về mọi mặt là một quan niệm lý tưởng, là cách hiểu sòng phẳng về bình đẳng giới. Sẽ không thể có bình đẳng giới thực sự khi không đề cập đến sự khác biệt nhất định về tâm lý giới tính và các đặc điểm cố hữu về mặt sinh học của từng giới. Bởi với sự khác biệt này mà nam và nữ - mỗi giới đều có những khả năng làm được những việc khác nhau. Lấy một dẫn chứng đơn giản là duy chỉ có phụ nữ mới có khả năng mang thai và sinh nở, vậy thì làm sao có thể phân công lao động đối với những phụ nữ trong suốt thai kỳ và cả thời gian nuôi con nhỏ giống hệt đồng nghiệp nam giới?

Còn chuyên gia tư vấn Trần Thị Hòa (Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh) cho rằng: “Trong thực tế còn có một cách hiểu dễ dẫn tới sự bình đẳng giả - tức là sự bình đẳng dựa vào việc chiếu cố, châm chước,  quan điểm “cơ cấu nữ giới cho đủ thành phần” đối với phụ nữ. Đó thực chất là một hình thức xem nhẹ năng lực của nữ giới. Bình đẳng giới trong lao động, việc làm cần được hiểu là ngang nhau về mọi chủ trương. Nếu một phụ nữ tài đức ngang bằng đồng nghiệp nam giới thì người ấy phải có cơ hội thăng tiến giống như đồng nghiệp khác giới của mình. Nếu tài đức họ hơn hẳn đồng nghiệp nam giới thì người ấy nhất thiết phải được ưu tiên lựa chọn. Điều đó cũng có nghĩa một phụ nữ tài đức chưa ngang bằng đồng nghiệp nam giới thì không nên lựa chọn người ấy bằng cách dựa vào yếu tố giới tính để chiếu cố và châm chước. Chính quan niệm chiếu cố, châm chước, cơ cấu nữ cho đủ thành phần  trong trường hợp này lại là bất bình đẳng giới.

* Cần bắt đầu từ nhận thức

Hiểu về bình đẳng giới dựa trên những khác biệt tâm sinh lý của mỗi giới để  đánh giá đúng vai trò, vị trí của từng giới, đó mới chính là nền tảng để thực hiện đúng về bình đẳng giới.

Chia sẻ vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho rằng: “Ngày nay, phụ nữ tham gia tạo thu nhập cho gia đình như nam giới, nhưng xã hội và người chồng vẫn mong đợi phụ nữ phải làm tốt cả công việc nội trợ trong gia đình, chăm sóc con cái, cha mẹ, chăm lo cả việc họ hàng… trong khi nam giới chỉ cần đi làm đem thu nhập về là đủ. Điều này lại không được coi là bất bình đẳng, là quá sức đối với phụ nữ. Bởi muốn làm tốt cả hai vai trò, trong khi quỹ thời gian của họ cũng chỉ như nam giới thì phụ nữ phải gồng mình để học tập, lao động, để phấn đấu nếu muốn có vị trí ngang bằng với nam giới”.

Một thực tế, vợ chồng cùng làm việc, nếu cần một người phải hy sinh công việc để chăm lo gia đình  thì  phần lớn vẫn là phụ nữ. Nghiên cứu của Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ cho thấy, việc nhà chiếm khá nhiều thời gian trong ngày của một phụ nữ, trung bình 6 tiếng. Tuy nhiên, những đóng góp của phụ nữ vào công việc nội trợ thường không được nam giới đánh giá cao vì chúng không tạo ra thu nhập, kể cả khi người vợ hy sinh công việc xã hội để chăm lo gia đình.

Để bình đằng giới thực sự đi vào cuộc sống, trước hết cần có sự nhận thức đúng ở cả hai giới, đặc biệt là nam giới.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều