Tốt nghiệp cao đẳng, đại học, nhiều người vẫn không thể tìm cho mình một công việc thích hợp để ổn định cuộc sống.
Tốt nghiệp cao đẳng, đại học, nhiều người vẫn không thể tìm cho mình một công việc thích hợp để ổn định cuộc sống.
Nguyễn Thị Phương Anh - sinh viên lớp sư phạm toán K33 Trường đại học Đồng Nai đã ra trường được 2 năm. Trong khi nhiều bạn cùng khóa của cô đã đi dạy ổn định hoặc làm việc văn phòng ở một số công ty thì Phương Anh vẫn thất nghiệp. Mặc cảm không xin được việc làm khiến cô không muốn trở về quê. Điều kiện gia đình buộc cô phải tự lao động để không trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Cuối cùng, Phương Anh đành chọn cách làm công nhân để chờ cơ hội xin được việc làm đúng với chuyên môn đào tạo.
Sinh viên tìm việc từ thông tin tại Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai. Ảnh: G.LINH |
Cùng tốt nghiệp với Phương Anh, Trần Cửu Thìn (hiện ở tại phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa) cũng đã trải qua một số việc như tạp vụ tại quán cà phê, quán nhậu từ lúc vừa tốt nghiệp. Từng đi làm gia sư dạy kèm, nhưng áp lực và mức lương khiến anh phải chấm dứt công việc này. Không tìm được công việc ổn định, Thìn tạm chấp nhận làm công nhân Công ty Biti’s để đảm bảo cuộc sống.
Tương tự như thế, Linh Thị Hường - tốt nghiệp trung cấp dược Trường cao đẳng nghề số 8 lại đang làm công nhân tại Công ty Pleming. Trước đó, suốt 3 tháng hè, Hường đã đi xin phụ việc ở một số cửa hàng bán thuốc, nhưng không có một kết quả khả quan. Hường làm công nhân với mức lương hơn 4 triệu đồng, tăng ca mỗi ngày 4 tiếng. Buổi tối trở về phòng trọ, cô mệt nhoài trong giấc ngủ.
Chung tình trạng thất nghiệp, nhưng Trần Bảo Trân (KP5, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) và một vài người bạn lựa chọn tiếp tục đi học cao học để “thoát cảm giác vô dụng” sau khi có trong tay tấm bằng cử nhân kinh tế Trường đại học ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.
Tại Sàn giao dịch việc làm lần thứ 52 do Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai tổ chức vào tháng 9 vừa qua, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng-đại học là 12,4%, trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật là 20,6%. Từ nhu cầu như thế, có thể thấy sinh viên có cơ hội để làm việc phù hợp với trình độ được đào tạo. Nhưng thực tế, ngành nghề mà doanh nghiệp tại Đồng Nai tuyển dụng chủ yếu là công nghệ may mặc, công nghệ giày da, Anh văn-Hoa văn thương mại, còn phần lớn sinh viên ra trường thất nghiệp lại tốt nghiệp các ngành sư phạm hay tài chính - ngân hàng, kế toán… Sự lệch pha này cũng là nguyên nhân khiến quá trình tìm việc của các lao động trẻ này gặp khó khăn hơn.
Giao Linh