Với những người bình thường, con đường học tập vốn đã nhiều vất vả, nhưng với các em học sinh là nạn nhân, hoặc là con em của nạn nhân chất độc da cam/dioxin, con đường ấy càng gian nan gấp bội, bởi các em không phải chỉ vượt qua khó khăn, thiếu thốn mà còn phải vượt qua những tổn thương về tinh thần, chiến đấu với bệnh tật để được đến trường.
Với những người bình thường, con đường học tập vốn đã nhiều vất vả, nhưng với các em học sinh là nạn nhân, hoặc là con em của nạn nhân chất độc da cam/dioxin, con đường ấy càng gian nan gấp bội, bởi các em không phải chỉ vượt qua khó khăn, thiếu thốn mà còn phải vượt qua những tổn thương về tinh thần, chiến đấu với bệnh tật để được đến trường.
Ông Tạ Đình Chương, Phó tổng giám đốc Công ty Toàn Thịnh Phát trao học bổng cho học sinh năm 2011. Ảnh: C.NGHĨA |
Em Trương Vũ Huy (xã Phước Thái, huyện Long Thành) ra đời và lớn lên trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Do ảnh hưởng từ ông nội của Huy - một cán bộ tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường miền Đông Nam bộ, nên cha của Huy là anh Trương Vũ Linh mới sinh ra đã bị liệt hai chân, không thể làm được những việc nặng nhọc để gánh vác gia đình như những người đàn ông khác.
* Nụ cười vượt lên số phận
Nhưng trong ngôi nhà dù phải gánh chịu điều thiếu may mắn ấy lại không bao giờ thiếu tiếng cười, niềm tin và tinh thần lạc quan yêu đời. Không chịu ngồi không, anh Linh đi học nghề điện tử, sau đó ở nhà nhận sửa chữa đồ điện của bà con lối xóm, lấy công làm lời phụ thêm vào nghề may của bà xã, chăm sóc cho 2 con. Chính tinh thần lạc quan đó của anh đã làm xiêu lòng chị Trần Thị Toàn, mẹ của Huy, và giữ cho ngọn lửa tình yêu lúc nào cũng ấm áp, tràn đầy trong ngôi nhà nghèo tiền bạc ấy.
Sáng nay 18-10, tại huyện Long Thành, Báo Đồng Nai phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao học bổng “Tiếp sức đến trường” lần 2 năm 2012 cho 29 học sinh là nạn nhân, người thân của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đây là những em có hoàn cảnh khó khăn ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch, đã nỗ lực vượt khó, đạt thành tích khá, giỏi trong năm học vừa qua. Mỗi suất học bổng là 1,5 triệu đồng do Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát tài trợ. |
Học tập tấm gương tự lực vươn lên của cha, từ nhỏ Huy đã sớm có ý thức chăm chỉ học hành. Hai năm liền, Huy đều là học sinh giỏi của Trường tiểu học (TH) Nguyễn Huệ. Huy lại hiền lành, ngoan ngoãn nên thầy cô và bạn bè đều yêu quý. Hay tin Huy được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”, gia đình em rất vui. Anh Linh dặn dò: “Nếu các con cố gắng học tập tốt, sống có nghị lực thì Nhà nước, xã hội sẽ quan tâm hỗ trợ, dù có khó khăn thế nào rồi cũng sẽ vượt qua hết”.
Cũng như Huy, gia đình của hai em Nguyễn Ngọc Mai Chi, Nguyễn Ngọc Kim Chi (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) cũng vô vàn khó khăn khi trong nhà có người chị là nạn nhân chất độc da cam. 14 năm nay, kể từ khi người chị lớn Giang Chi ra đời và mắc bệnh bại não, chỉ nằm một chỗ, mẹ của Mai Chi hầu như lúc nào cũng phải ở nhà để chăm sóc con, gánh nặng gia đình dồn hết vào cha của em. Cả gia đình 6 người của em trước đây sống trong căn nhà lá vách đất rộng chưa đầy 30m2, gần đây nhờ địa phương hỗ trợ đã xây được căn nhà tình thương, sinh hoạt gia đình em mới dễ thở hơn đôi chút.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, nên Mai Chi rất chăm chỉ học hành. Hai năm liền, cô bé “ốc tiêu” Mai Chi đều là học sinh giỏi của Trường TH Vĩnh Thanh 1. Không may mắn được khỏe mạnh như Mai Chi, Kim Chi sinh ra đã bị yếu thị lực bẩm sinh nên học hành có phần vất vả hơn, nhưng không vì thế mà em chịu bỏ cuộc. Hiện em đang là học sinh lớp 8 Trường THCS Vĩnh Thanh. Ở nhà, hai chị em rất ngoan ngoãn, phụ giúp mẹ trong công việc gia đình, chăm sóc Giang Chi, bảo ban nhau học hành, luôn là niềm tự hào và hy vọng cho cha mẹ.
* Tin ở tương lai
Các học sinh con em nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Long Thành, Nhơn Trạch nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2011. Ảnh: C.NGHĨA |
Trong đợt trao học bổng “Tiếp sức đến trường” do Báo Đồng Nai phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức vào năm 2011, những ai chứng kiến cảnh em Nguyễn Thị Bé Tư (xã Long Phước, huyện Long Thành) di chuyển một cách khó nhọc bằng hai đầu gối đều xúc động và nể phục ý chí, nghị lực của cô bé 15 tuổi ấy. Sinh ra đã thiếu mất đôi chân, 9 năm ròng em đến trường trên hai đầu gối chai sần vì đá sỏi nhưng không hề bỏ học ngày nào, em còn đi học thêm công nghệ thông tin để chuẩn bị cho hành trang vào đời của mình. Hay chứng kiến cảnh em Lê Thị Điệp (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) đôi bàn tay cong queo không cầm được bút, đã kiên trì viết những con chữ thật đẹp bằng chân, mới thấu hiểu được những nỗi vất vả, khó khăn mà các em phải vượt qua để được đến trường. “Ước mơ của em là được làm cô giáo, đứng trên bục giảng. Em biết với cơ thể khiếm khuyết, dị tật của mình, ước mơ đó là rất khó, nhưng em luôn tin ở tương lai và sự cố gắng nỗ lực của mình”, em Lê Thị Điệp thổ lộ.
* Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh: Học bổng có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn Những gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin hiện nay phần lớn đều có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng hầu hết đều nỗ lực tạo điều kiện cho con, em của mình được đến trường. Các em cũng sớm có ý thức, hiểu được hoàn cảnh gia đình nên tin thần phấn đấu rất cao, bền bỉ, nhiều em liên tục đạt danh hiệu khá giỏi. Tuy nhiên, để con đường đến trường của các em bớt phần gian nan, vất vả, rất cần có sự chung tay đóng góp, hỗ trợ của cộng đồng, xã hội dưới nhiều hình thức, trong đó có các quỹ học bổng, như “Tiếp sức đến trường”. Ngoài ý nghĩa vật chất, sự hỗ trợ này còn mang ý nghĩa động viên về tinh thần rất lớn không chỉ đối với các em mà còn với cả gia đình, để mọi người cảm thấy luôn được sự quan tâm, chia sẻ và cảm thông từ cộng đồng, xã hội. * Ông Nguyễn Ngọc Mẫn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát: Mong muốn tiếp thêm sức mạnh, tăng thêm niềm tin cho các em Đây là năm thứ hai, công ty tiếp tục được vinh dự đồng hành với Báo Đồng Nai tham gia các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là chương trình “Tiếp sức đến trường” dành cho các em học sinh, sinh viên là nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn vươn lên học tốt, đạt thành tích cao trong học tập. Những em học sinh, sinh viên được nhận học bổng, tuy hoàn cảnh mỗi em mỗi khác, nhưng tất cả đều phải gánh chịu những nỗi đau về thể xác hoặc tinh thần, đều có những tổn thương, mất mát trong cuộc sống. Song, bằng ý chí, nghị lực của mình, các em đã vượt qua bất hạnh của số phận, nỗ lực hết mình trong học tập để hướng đến mục tiêu là tìm kiếm kiến thức - hành trang vào đời quan trọng và giá trị nhất. Tôi cho rằng, ý nghĩa của học bổng không nằm ở giá trị vật chất, mà chỉ mong rằng đây là động lực tiếp thêm sức mạnh, tăng thêm niềm tin để các em vững vàng hơn, mạnh mẽ đương đầu với số phận và đi đến tận cùng khát khao học tập, trở thành người có ích cho xã hội. Nam Hà (ghi) |
Thanh Thúy