Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo: Lo cho những cảnh đời

09:10, 07/10/2012

Hiện nay, Đồng Nai có 2 nguồn quỹ hỗ trợ người nghèo bị bệnh hiểm nghèo. Đó là Quỹ Bảo trợ trẻ em, với hoạt động hỗ trợ đối tượng trẻ em nghèo bị các dị tật về tim, mắt, sứt môi hở hàm ếch và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư mới hoạt động được hơn 2 năm.

 

Hiện nay, Đồng Nai có 2 nguồn quỹ hỗ trợ người nghèo bị bệnh hiểm nghèo. Đó là Quỹ Bảo trợ trẻ em, với hoạt động hỗ trợ đối tượng trẻ em nghèo bị các dị tật về tim, mắt, sứt môi hở hàm ếch và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư mới hoạt động được hơn 2 năm.

Từ 2 nguồn quỹ này, nhiều người nghèo bệnh nặng, đặc biệt là trẻ em, đã được trả lại sự sống. Tuy nhiên, do các nguồn quỹ  mang tính chất từ thiện - xã hội nên thường không ổn định. Vì thế, để người nghèo bệnh nặng được sống, được san sẻ bớt một phần gánh nặng viện phí, cần thiết phải có một nguồn quỹ hỗ trợ ổn định và lâu dài.

* Nỗi khổ của bệnh nhân nghèo

Bà Nguyễn Thị Hoành (57 tuổi, ngụ xã Phú Cường, huyện Định Quán) bị suy thận đã 5 năm nay cho biết: “Dù đã được Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng tiền đồng chi trả 2 lần lọc thận, thuốc men, đi lại cũng mất khoảng 1,5 triệu đồng/tuần”. Với một bệnh nhân mắc bệnh nan y như bà Hoành, dù gia đình có cố gắng thu vén cũng khó có khả năng chạy chữa lâu dài.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: P. Liễu
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: P. Liễu

Còn ông N.Q.Đ. (63 tuổi, ngụ xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) đang điều trị ung thư gan tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay: “Chi phí điều trị tốn kém quá. Đã mấy lần tôi tính bỏ điều trị, về chữa thuốc nam nhưng con cái khuyên “còn nước còn tát”. Năm ngoái, tôi cũng được Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng, đáng quý lắm nhưng thực sự nó không thấm vào đâu với chi phí điều trị mà tôi đang phải gánh”.

* Cần thành lập quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo

Về chủ trương thành lập Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn, bà Trương Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay: “Thực ra, quỹ hỗ trợ  đã được tỉnh thành lập từ năm 2003 (theo Quyết định 139 của Chính phủ). Lúc đó, hoạt động của quỹ chủ yếu là hỗ trợ phí mua thẻ BHYT cho đối tượng diện nghèo. Năm 2009, thực hiện Luật BHYT, người diện nghèo được cấp thẻ miễn phí, nên quỹ giải thể. Mới đây, Chính phủ ra Quyết định 14, bổ sung một số điều của Quyết định 139, trong đó mở rộng đối tượng được hỗ trợ, các loại bệnh được hưởng hỗ trợ và quy định chi tiết mức hỗ trợ. Vì thế, ngành y tế đang phối hợp cùng một số ngành liên quan xúc tiến xây dựng đề án khôi phục quỹ dựa trên những quy định mới của Chính phủ để trình UBND tỉnh”.

Theo Quyết định 14, từ ngày 15-4-2012, người thuộc diện nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn; người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và người được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh mạn tính nặng khác gặp khó khăn do phải chi trả viện phí cao (mức đồng chi trả từ 1 triệu đồng trở lên) - mà không đủ khả năng chi trả sẽ được hỗ trợ một phần viện phí, tiền ăn ở và đi lại.

Mới đây, tại cuộc họp với các ngành liên quan về việc thành lập quỹ, vấn đề các đại biểu quan tâm nhất là ngân sách cấp cho quỹ như thế nào. Ông Đặng Văn Tấn, Trưởng phòng Hành chính sự nghiệp Sở Tài chính cho biết: “Mỗi năm, nhu cầu ngân sách tỉnh cấp cho các hoạt động liên quan đến người nghèo khoảng 250 tỷ đồng. Để có thể thực hiện chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định 14 của Chính phủ, quỹ phải được ngân sách cấp ít nhất 75%, còn lại sẽ vận động ngoài”.

Được biết, theo dự kiến, quỹ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2013 với mức hỗ trợ bằng với mức khung của Quyết định 14. Rất nhiều bệnh nhân nghèo đang trông đợi vào nguồn quỹ hỗ trợ thiết thực này. 

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều