Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư, sử dụng trang thiết bị trong ngành y tế (Bài cuối)

10:10, 24/10/2012

Hoạt động xã hội hóa (XHH) trang thiết bị y tế đã giúp nhiều bệnh viện công có điều kiện mua sắm thiết bị, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng điều trị. Tuy nhiên, việc khai thác trang thiết bị y tế từ nguồn XHH tại nhiều bệnh viện vẫn còn thiếu rạch ròi do công tư lẫn lộn.

 

Công tư lẫn lộn

Hoạt động xã hội hóa (XHH) trang thiết bị y tế đã giúp nhiều bệnh viện công có điều kiện mua sắm thiết bị, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng điều trị. Tuy nhiên, việc khai thác trang thiết bị y tế từ nguồn XHH tại nhiều bệnh viện vẫn còn thiếu rạch ròi do công tư lẫn lộn.
[links(right)]

Thực hiện chủ trương XHH y tế, từ năm 2006 đến nay, Đồng Nai có 9 bệnh viện tham gia với tổng vốn huy động hơn 171 tỷ đồng. Trong đó, XHH nhiều nhất vẫn là các bệnh viện tuyến tỉnh, như: Đa khoa Đồng Nai (chiếm 50%), Đa khoa Thống Nhất (35%), nhi đồng Đồng Nai (5%). 6 bệnh viện tuyến khu vực và tuyến huyện còn lại chiếm 10%. 

* Lợi thì có lợi…  

Đầu tàu trong hoạt động XHH, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã huy động được 86,3 tỷ đồng để đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. TS.BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc bệnh viện cho hay: “Từ 2006-2009, Ban giám đốc đã huy động trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của bệnh viện được gần 50 tỷ đồng để đầu tư các trang thiết bị hiện đại, như: máy CT scanner, máy siêu âm màu 4 chiều, hệ thống chụp cộng hưởng từ, máy tán sỏi… Năm 2010, bệnh viện tiếp tục liên doanh - liên kết với một công ty thiết bị y tế đầu tư hệ thống máy xạ trị ung thư trị giá hơn 35 tỷ đồng. Nhờ XHH mà bệnh viện có điều kiện nâng cao chất lượng chuyên môn, triển khai nhiều kỹ thuật mới”.

Hệ thống máy nội soi của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: P.Liễu
Hệ thống máy nội soi của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: P.Liễu

Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng chia sẻ: “Mục đích của XHH y tế là chia sẻ một phần gánh nặng cho hệ thống y tế Nhà nước. Chính nhờ chủ trương XHH mà bệnh viện có điều kiện trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị tốt hơn cho người bệnh. Từ những thiết bị này, các kỹ thuật mới đã được triển khai, như: mổ nội soi khớp, thay khớp háng, mổ cột sống… Hiện bệnh viện đang xúc tiến thành lập Trung tâm tim mạch can thiệp với tổng vốn đầu tư là 101 tỷ đồng, trong đó 2/3 kinh phí sẽ từ nguồn XHH”.

Năm 2008, Chính phủ đã ra Nghị định 69 về chính sách khuyến khích XHH đối với một số lĩnh vực, trong đó có y tế. Theo đó, các cơ sở y tế công lập được quyền góp vốn, huy động vốn, nhân lực và công nghệ nhằm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động XHH đã phát sinh nhiều bất cập nên từ năm 2010, qua kiến nghị của Bộ Y tế, Chính phủ đã bổ sung quy định cấm các cơ sở y tế công lập huy động vốn của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong bệnh viện để đầu tư XHH các dịch vụ.

Công tác XHH trang thiết bị cũng đã tạo điều kiện cho người dân được thực hiện kỹ thuật cao ngay tại Đồng Nai. Bà Phan Thị Tuệ, một giáo viên nghỉ hưu ở phường Trung Dũng (TP. Biên Hòa) nói: “Trước đây khi các bệnh viện ở Đồng Nai chưa có máy MRI, tôi phải lên TP.Hồ Chí Minh để chụp, vừa xa xôi, vừa đắt. Nhưng giờ 2 bệnh viện lớn của tỉnh có máy rồi, tôi bớt phải đi lại, còn chuyện máy ấy đầu tư từ nguồn nào tôi không quan tâm. Chỉ cần giá dịch vụ phù hợp và thuận lợi cho người dân là được”.

*… Nhưng chưa rõ ràng

XHH y tế là chủ trương mở đường cho     các dịch vụ y tế cả công lập lẫn ngoài công lập phát triển nhằm chia sẻ một phần gánh nặng cho hệ thống y tế Nhà nước và tạo điều kiện cho người dân lựa chọn nơi khám chữa bệnh thích hợp với điều kiện kinh tế của mình. Tuy nhiên, việc khai thác trang thiết bị y tế tư trong bệnh viện công tại nhiều bệnh viện vẫn còn nhập nhằng.

Hệ thống ôxy cao áp do Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đầu tư từ nguồn xã hội hóa.
Hệ thống ôxy cao áp do Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Thực tế cho thấy, với môi trường bệnh viện công vốn sẵn uy tín, sẵn nguồn nhân lực (do Nhà nước đào tạo), sẵn nguồn bệnh nhân… nhiều bệnh viện đã đem trang thiết bị XHH vào khai thác với mức giá dịch vụ tự xây dựng. Tất nhiên để nhanh lấy lại vốn, không ít bệnh viện đã có sự lạm dụng chỉ định các kỹ thuật từ những thiết bị XHH, dẫn đến thiệt thòi cho người bệnh. Bà Võ Thị Kim Liên, Phó ban Kinh tế - ngân sách, HĐND tỉnh cho rằng: “Hiện nay, trang thiết bị y tế từ nguồn XHH vẫn đang được khai thác dựa vào những nguồn lực sẵn có từ bệnh viện công để thu lợi và phân chia cho những người góp vốn. Ngoài các khoản nghĩa vụ phải nộp, như: 10% khấu hao máy móc, trích nộp thuế 5%, trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp 25%… lợi nhuận phân chia từ nguồn thu XHH theo tôi biết là khá cao. Có thiết bị đem lại lợi nhuận từ 30-42%/năm. Vậy Nhà nước được gì trong hoạt động này khi phải chia sẻ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và những thuận lợi sẵn có từ bệnh viện công? Nếu tính sòng phẳng thì bệnh viện sẽ phải chi trả mỗi năm là bao nhiêu nếu trang thiết bị XHH ấy được đặt tại một điểm thuê ngoài bệnh viện, thuê người khai thác, thuê người trông coi… Do đó, cần có quy định rõ hơn trong vấn đề này”.

Huỳnh Thị Nga, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: “Việc đưa trang thiết bị y tế tư vào hoạt động trong bệnh viện công vẫn còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh để xác định trách nhiệm và quyền lợi của 3 bên: Nhà nước - bệnh viện - bệnh nhân. Tránh xu hướng bệnh viện chỉ quan tâm đầu tư những lĩnh vực thu lợi cao; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám, chữa bệnh; lạm dụng chỉ định kỹ thuật từ các trang thiết bị XHH”.

Một bác sĩ trong ngành đã nghỉ hưu chia sẻ:  Người bệnh hoàn toàn không có quyền lựa chọn trang thiết bị y tế cho bệnh của mình bởi dù muốn hay không, họ vẫn phải thực hiện theo các chỉ định của thầy thuốc. Vì thế, vấn đề hiện nay không phải là nên hay không nên hạn chế XHH y tế, mà chủ trương này cần được quy định cụ thể, minh bạch: công ra công, tư ra tư để tránh tình trạng lợi nhuận khai thác dựa vào hoạt động công “rơi” vào “túi tư” một nhóm người. Tránh việc bệnh nhân bị lạm dụng chỉ định kỹ thuật từ trang thiết bị XHH, và nhất là tránh được tình trạng sút giảm y đức khi thầy thuốc đặt nặng chuyện kinh doanh lời lỗ trên sức khỏe người bệnh…

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều