Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầu tư, sử dụng trang thiết bị trong ngành y tế (Bài 1)

09:10, 22/10/2012

Ngoài yếu tố quyết định là con người thì máy móc,  thiết bị y tế phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế giữ một vai trò rất quan trọng, quyết định đến 60% sự thành công trong một ca điều trị, đặc biệt với những ca phẫu thuật. Vì thế, dù đầu tư bằng nguồn ngân sách hay xã hội hóa thì việc sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế vẫn cần sự quản lý của Nhà nước và của ngành để tránh lãng phí và lạm dụng trong chỉ định.

Theo chuẩn hay theo nhu cầu?

Ngoài yếu tố quyết định là con người thì máy móc,  thiết bị y tế phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế giữ một vai trò rất quan trọng, quyết định đến 60% sự thành công trong một ca điều trị, đặc biệt với những ca phẫu thuật. Vì thế, dù đầu tư bằng nguồn ngân sách hay xã hội hóa thì việc sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế vẫn cần sự quản lý của Nhà nước và của ngành để tránh lãng phí và lạm dụng trong chỉ định.

Bảo đảm cung cấp trang thiết bị, dụng cụ y tế theo chuẩn danh mục của Bộ Y tế cho các cơ sở theo tuyến, theo hạng bệnh viện là một việc cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Nhưng đầu tư theo chuẩn mà thiếu xem xét đến yếu tố nhân lực, năng lực chuyên môn, nhu cầu của cơ sở lại là vấn đề cần quan tâm.

* Còn thiếu nhưng đã lãng phí

Thực hiện chuẩn y tế xã theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động ở các trạm y tế (TYT), tạo điều kiện phát triển chuyên môn nhằm giữ chân bác sĩ và cũng để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, trong 2 năm 2006-2007, ngành y tế đã trang bị cho 82/171 TYT có bác sĩ một số trang thiết bị, như: máy siêu âm, ghế nha, máy điện tim, kính hiển vi, máy châm cứu điện... Việc cung cấp những thiết bị cơ bản cho các TYT đã kịp thời đáp ứng một phần nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tuyến đầu.

Máy siêu âm đen trắng một đầu dò do ngành y tế cấp cho Trạm y tế An Bình (TP. Biên Hòa) năm 2007, rất ít khi được sử dụng.
Máy siêu âm đen trắng một đầu dò do ngành y tế cấp cho Trạm y tế An Bình (TP. Biên Hòa) năm 2007, rất ít khi được sử dụng.

Song, thực tế việc trang bị này vẫn còn nhiều bất cập khi các TYT tuy có bác sĩ, nhưng không phải bác sĩ nào cũng có thể sử dụng được các thiết bị được cấp. Vì thế trong suốt thời gian từ 2006 đến 2010, nhiều thiết bị y tế tại các TYT không được đưa vào khai thác, hoặc khai thác rất hạn chế. Bác sĩ Trương Thanh Phong, Trưởng trạm TYT Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Thiết bị được đưa về trạm từ năm 2006, nhưng chỉ có mỗi ghế nha được sử dụng vì lúc đó trạm có bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt. Đến năm 2010, có bác sĩ đa khoa, nhiều thiết bị mới được đem ra sử dụng”. Còn Trưởng trạm Y tế phường An Bình (TP. Biên Hòa) Mai Thị Tuyết Mai cho hay: “Máy móc được trang bị từ năm 2007 nhưng khai thác còn hạn chế lắm. Do ít được sử dụng nên bác sĩ cũng không nâng được tay nghề, thiếu tự tin trong chẩn đoán”.

Tháng 5-2010, sau khi tiếp quản các TYT, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế điều chuyển thiết bị từ những TYT không còn bác sĩ hoặc khai thác hạn chế sang những TYT mới có bác sĩ, có bệnh nhân… nhưng tình hình không cải thiện. Nhiều thiết bị tiếp tục “trùm mền” dẫn đến hư hỏng hoặc giảm chất lượng chẩn đoán.

* Đầu tư theo chuẩn hay theo nhu cầu?

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết: “Thực hiện chuẩn danh mục trang thiết bị của Bộ Y tế, từ 2010 đến nay, ngành đã đầu tư gần 400 tỷ đồng mua sắm, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Phần lớn các bệnh viện đã sử dụng hiệu quả máy móc, thiết bị được cấp góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh, giảm số ca chuyển viện, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho bệnh nhân”.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Ủy viên thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng: Ngành y tế cần đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tính đến công suất hoạt động của các trang thiết bị. Bởi qua giám sát cho thấy, ngành chưa thực hiện tốt công tác khảo sát nhu cầu thực tiễn của các cơ sở và  người dân trước khi đầu tư, dẫn đến đầu tư dàn trải, đầu tư không đúng nhu cầu. Không nhất thiết cứ phải đầu tư trang thiết bị trong khi cơ sở chưa sẵn sàng về nhân lực, trình độ chuyên môn và nhu cầu thực tế của người dân để bảo đảm thiết bị ấy được khai thác một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, theo giám sát mới đây của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh tại một số cơ sở y tế thì không phải cơ sở y tế nào cũng khai thác hiệu quả trang thiết bị được cấp. Chưa kể một vài bệnh viện có nhu cầu thiết bị này nhưng lại “được” cấp thiết bị kia và có đơn vị chưa đủ năng lực chuyên môn để sử dụng thiết bị đó trong chẩn đoán và điều trị.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho biết: “Một thời gian dài, ngành y tế thực hiện theo chuẩn nên đã đầu tư ồ ạt trang thiết bị mà chưa xem xét đến yếu tố con người, dẫn đến tình trạng máy về nhưng chưa có người sử dụng. Nếu nguồn kinh phí dồi dào, đầu tư đủ theo chuẩn danh mục cho từng tuyến, từng hạng bệnh viện là rất tốt. Thế nhưng với nguồn ngân sách còn hạn chế, việc đầu tư phải tính đến nhu cầu của từng bệnh viện, TYT, rồi các yếu tố con người, địa lý, bởi những TYT ở gần các bệnh viện lớn thì không nhất thiết phải đầu tư đủ bộ vì  khi có bệnh, người dân những nơi này thường “chạy” thẳng vào bệnh viện chứ mấy ai “ghé” qua TYT!”.

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều