Năm 1998, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phát động phong trào xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo và tập hợp hộ nghèo vào mô hình Tổ tự quản xóa đói giảm nghèo, lồng ghép trong cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, thành lập quỹ “Vì người nghèo” từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.
Năm 1998, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phát động phong trào xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo và tập hợp hộ nghèo vào mô hình Tổ tự quản xóa đói giảm nghèo, lồng ghép trong cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, thành lập quỹ “Vì người nghèo” từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.
Trong 14 năm qua, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã phát triển sâu rộng, làm cho truyền thống đoàn kết, lòng nhân ái trong đời sống xã hội được lan tỏa.
* Kết quả to lớn
Tính đến nay, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã ủng hộ được 454,5 tỷ đồng thông qua quỹ “Vì người nghèo” và ủng hộ trực tiếp tại cộng đồng dân cư dành cho người nghèo. Từ số tiền này toàn tỉnh đã xây dựng được 16.874 căn nhà tình thương trị giá 190,1 tỷ đồng và sửa chữa 1.339 căn nhà trị giá 3,8 tỷ đồng.
Nhiều ấp, khu phố xem xây dựng nhà tình thương là biểu tượng của “tình làng nghĩa xóm”, của lòng nhân ái; hộ giàu, hộ khá gần gũi hơn nữa với hộ nghèo, người nghèo. Đại bộ phận cán bộ, công chức, người lao động ở các thành phần kinh tế, các tổ chức tôn giáo, các nhà hảo tâm, các kiều bào… đã đóng góp tích cực cho cuộc vận động.
Bên cạnh xây dựng và sửa chữa nhà tình thương, xóa nhà dột nát, cuộc vận động còn hướng đến giúp người nghèo thoát khỏi khó khăn, như: tặng quà gia đình nghèo, tặng học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập, hỗ trợ trị bệnh hiểm nghèo, tặng phương tiện làm ăn. Theo hướng này, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được cộng đồng dân cư hưởng ứng tích cực, đem lại hiệu quả cao.
Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã phát triển sâu rộng trong toàn tỉnh, lan tỏa và thấm sâu trong nhân dân. Đến nay, 100% ấp, khu phố đều xây dựng nhà tình thương, quỹ vì người nghèo và tổ giảm nghèo. Cuộc vận động đã góp phần to lớn giúp được 93.709 lượt hộ nghèo (theo 3 giai đoạn) có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Nguồn lực tinh thần và vật chất huy động được của toàn xã hội từ cuộc vận động có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giảm nghèo; đối với chủ trương phát huy dân chủ cơ sở và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc khác của tỉnh.
* Để cuộc vận động ngày càng hiệu quả
Mục tiêu xuyên suốt của cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trong những năm tới là mở rộng đi đôi với nâng cao chất lượng và hiệu quả góp phần tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh. Muốn thực hiện được mục tiêu này, giải pháp đầu tiên là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các hộ gia đình… hiểu rõ mục đích, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của cuộc vận động gắn liền với việc nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ vì người nghèo.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh cần đẩy mạnh phong trào dân giúp nhau giảm nghèo từ cộng đồng dân cư gắn với xây dựng ấp, khu phố văn hóa, đồng thời mở rộng mục tiêu trợ giúp hộ nghèo, người nghèo. Điều cốt lõi là hướng dẫn hộ nghèo kiến thức làm ăn và tạo ra việc làm để sử dụng đồng vốn có hiệu quả.
Một giải pháp khác cũng không kém phần quan trọng đó là tập hợp và phát huy vai trò hộ nghèo thông qua mạng lưới “tổ giảm nghèo” trên cở sở các tổ vay vốn và tiết kiệm do Ngân hàng chính sách xã hội tổ chức. Coi trọng và phát huy vai trò giám sát nhân dân, của MTTQ và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn trong thực thi các chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, vùng nghèo.
Việc tập huấn nâng cao năng lực hoạt động “Vì người nghèo” cho Ban thường trực MTTQ các xã, phường, thị trấn và các ban công tác Mặt trận ấp, khu phố cũng là nhiệm vụ cần được hết sức coi trọng nhằm phát huy thế mạnh và sở trường của các tổ chức thành viên. Điều này nhằm mục tiêu: vận động, tiếp nhận, sử dụng quỹ vì người nghèo các cấp có hiệu quả, không để thất thoát, xảy ra tiêu cực, lạm dụng vì mục đích cá nhân.
Nguyễn Ngọc Đức