1. Mới nhận lớp được ít hôm, cô giáo dạy lớp 5 đã phải mời gia đình cậu học sinh học yếu đến để trao đổi. Điều cô bất ngờ là cha em cứ nằng nặc nài nỉ cô xin nhà trường cho con mình được... ở lại lớp.
1. Mới nhận lớp được ít hôm, cô giáo dạy lớp 5 đã phải mời gia đình cậu học sinh học yếu đến để trao đổi. Điều cô bất ngờ là cha em cứ nằng nặc nài nỉ cô xin nhà trường cho con mình được... ở lại lớp. Chưa bao giờ cô gặp trường hợp này, nhưng đúng là cứ để em học sẽ làm hại em. Không hiểu sao học đến lớp 5 rồi mà em đọc còn quá yếu, bảng cửu chương cũng chưa thuộc, cộng trừ số tự nhiên làm không xong. Kiến thức các lớp dưới em bị hổng quá nhiều nên rất khó tiếp thu kiến thức mới. Em sẽ trượt dài, không thể theo kịp bạn bè. Quyết định xin cho cậu học trò ở lại lớp của phụ huynh là một việc làm khiến cô giáo suy nghĩ mãi.
2. Anh bạn làm hiệu trưởng một trường tiểu học vùng ven mới hôm rồi nói chuyện về chất lượng giáo dục hiện nay cũng kể cho tôi nghe trường hợp phụ huynh xin cho con được ở lại lớp. Anh cho rằng, em học yếu, lớp 3 mà viết chính tả đọc không ra chữ, đọc còn đánh vần, chỉ làm toán là tạm được, cho lên lớp em khó có thể theo kịp chương trình. Trước sau gì em cũng phải ở lại lớp hoặc bỏ học giữa chừng. Mặc dù chấp nhận theo nguyện vọng của gia đình là sai nguyên tắc, nhưng lương tâm người thầy cho biết anh phải làm thế nào để cứu học trò mình.
3. Một cô giáo mới ra trường rất ngạc nhiên khi chấm thi lại, “được” hiệu trưởng nhà trường mời lên bỏ nhỏ: “Cô cho học sinh ở lại thế này thì tôi biết ăn nói thế nào với cấp trên đây? Hơn tháng nay các thầy cô dạy phụ đạo cho học sinh kiểu gì mà không có lấy một em được lên lớp!”. Mặc dù cô có giải thích, minh chứng thế nào đi chăng nữa, nhưng cuối cùng cũng phải cầm bút nâng 3, 4 điểm cho đủ điều kiện lên lớp để nhà trường còn có những con số thành tích báo cáo lãnh đạo.
4. Những chỉ tiêu thi đua của các cấp quản lý giáo dục đưa ra mỗi đầu năm học luôn quá sức, quá tầm tay đối với các cơ sở giáo dục. Để có danh hiệu này hay danh hiệu nọ, buộc lòng giáo viên phải nâng điểm, chấm “nới tay” cho học sinh. Vì thế, đầu năm khảo sát chất lượng là vài chục phần trăm dưới trung bình, nhưng cuối năm học là 99%, thậm chí có trường 100% lên lớp. Ôn vài tuần nghỉ hè, thi lại là lên lớp với con số 100% tròn trịa như mơ. Giáo viên tung hứng những con số ảo, kế tiếp là trên bảng vàng thành tích của các cấp quản lý giáo dục trong báo cáo. Thực trạng nguy hiểm này chỉ đẩy thiệt thòi về phía học sinh và phụ huynh khi gánh nặng học hành tốn kém mà chẳng có kết quả gì. Học sinh nằm trong diện con số ảo ấy sẽ ra sao ngày sau?
Hồng Đào