Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường lao động cuối năm: Thiếu lao động có tay nghề

11:09, 14/09/2012

Đồng Nai có lực lượng lao động hùng hậu.  Mặc dù vậy, chất lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là lao động có tay nghề, trình độ cao.

Đồng Nai có lực lượng lao động hùng hậu.  Mặc dù vậy, chất lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là lao động có tay nghề, trình độ cao.

* Loay hoay trong tuyển dụng

Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, hiện toàn tỉnh có 53.698 lao động, trong đó lao động có trình độ đại học, cao đẳng là 2.620 người; lao động kỹ thuật là 8.470 người, chiếm trên 20%.

Tuyển dụng kĩ sư cơ khí tại sàn giao dịch việc là lần thứ 52..
Người lao động tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm lần thứ 52, tháng 9-2012.   Ảnh: H.DUNG

Vào những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp giảm khoảng 30%. Ngoài thị trường lao động phổ thông vẫn ổn định thì lao động có trình độ trung cấp trở lên lại bị lép vế. Tại sàn giao dịch việc làm lần thứ 52 vừa qua, các doanh nghiệp chỉ tuyển 217 lao động có trình độ từ trung cấp đến đại học, giảm 40% so với tháng trước.

Anh Nguyễn Nhật Khánh, Giám đốc kinh doanh Công ty Cathay cho biết:  “Công ty có nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng qua sàng lọc và kiểm tra trình độ của các ứng viên chỉ có khoảng 30% lao động đạt tiêu chuẩn. Nhiều người chỉ làm việc được một đến hai tháng lại bỏ vì không có khả năng theo đuổi công việc”.

Cũng tại sàn giao dịch việc làm vừa qua, một số công ty, như: Whail Vina, Robert Bosch Việt Nam có yêu cầu tuyển dụng lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, thành thạo vi tính văn phòng, tiếng Anh giao tiếp tốt. Lý giải về điều này, đại diện của các công ty cho rằng: Bằng cấp chỉ là một phần, họ rất cần những người làm được việc, bởi doanh nghiệp không có nhiều thời gian, kinh phí để đào tạo người lao động lại từ đầu.

Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Whail Vina Phạm Văn Thiện lo ngại: “Đã vài tháng nay, chúng tôi vẫn chưa tuyển đủ kỹ sư cơ khí vận hành máy dệt. Nguyên nhân là rất ít người có kinh nghiệm trong ngành này, trong khi đó sinh viên mới ra trường không đảm nhiệm nổi. Ngoài ra, vị trí này còn yêu cầu tiếng Anh giao tiếp thành thạo để trao đổi, làm việc với người nước ngoài, có người được mặt này thì mất mặt kia nên rất khó để đáp ứng nhu cầu công việc của công ty”.

* Người lao động phải tự trang bị kiến thức

Đã 3 tháng ròng, Lưu Thị Nhung, tốt nghiệp ngành kế toán Trường đại học công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đem hồ sơ đi khắp nơi nhưng vẫn chưa tìm được việc. Chị Nhung ngao ngán: “Đến đâu họ cũng yêu cầu kinh nghiệm 2, 3 năm trở lên, mà mình mới ra trường, không có nơi nào nhận thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Không những thế, nhiều công ty còn yêu cầu nói được tiếng Hoa, tiếng Nhật, ở trường mình đâu có được học, đáp ứng sao cho nổi”.

Trong khi đó, có nhiều người đã đi làm vẫn đang tìm mọi cách để bám trụ lại với công việc hiện tại hoặc tìm công việc khác tốt hơn bằng cách đến các trung tâm ngoại ngữ học thêm các thứ tiếng. Chị Lê Thu Phương (quê Quảng Nam) nói: “Thi thoảng, công ty mình lại cắt giảm nhân sự. Mình đã biết tiếng Hoa nhưng vẫn tranh thủ học thêm tiếng Nhật để đáp ứng yêu cầu công việc, nếu không rất dễ mất việc làm. Phải tự cứu lấy mình thôi”.

 Đồng Nai hiện có khoảng trên 20 ngàn người thất nghiệp, một trong những nguyên nhân sâu xa là số lượng người lao động đông nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cho công việc, hoặc bỏ dở giữa chừng vì công việc quá sức, không kham nổi.

Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lao động lớn. Nhưng hiện nay, cung vẫn chưa đủ cầu dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. Xu hướng chung là những ngành kỹ thuật sẽ thu hút được nhiều lao động. Học viên học các trường nghề ra sẽ dễ kiếm việc làm”.

Theo ông Tín, để khắc phục những bất cập, lệch pha giữa đào tạo và tuyển dụng, học sinh, sinh viên cần tìm hiểu kỹ nhu cầu công việc trên thị trường và tự trang bị cho mình vốn kiến thức chuyên môn, kiến thức ngoại ngữ tương đối. Đây cũng là trách nhiệm định hướng của các đơn vị có liên quan và toàn hệ thống đào tạo.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích