Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẵn sàng cho năm học mới

10:09, 03/09/2012

Trong hai ngày 4 và 5-9, nhiều trường học trong tỉnh lần lượt tổ chức khai giảng năm học mới 2012-2013. Không khí nô nức, hân hoan chào đón năm học mới tràn ngập tại các địa phương trong tỉnh.

Trong hai ngày 4 và 5-9, nhiều trường học trong tỉnh lần lượt tổ chức khai giảng năm học mới 2012-2013. Không khí nô nức, hân hoan chào đón năm học mới tràn ngập tại các địa phương trong tỉnh.

Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đến thời điểm này ngành GD-ĐT đã chuẩn bị chu đáo cho ngày khai giảng năm học mới nhằm tạo ra ngày hội đến trường vui tươi, phấn khởi để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

* Thêm nhiều trường, lớp mới…

Năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 793 trường học, trong đó bậc mầm non có 258 trường, tiểu học có 299 trường, THCS có 172 trường, THPT có 64 trường. Như vậy, mạng lưới trường học tăng thêm 6 trường, gồm: 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 3 trường THCS. Số công trình trường học được xây dựng mới, đạt chuẩn đưa vào sử dụng là 14 công trình với 229 phòng học.

Nhiều lớp học ở TP. Biên Hòa quá tải về sĩ số.    Ảnh: P.Liễu
Nhiều lớp học ở TP. Biên Hòa quá tải về sĩ số. Ảnh: P.Liễu

Ông Nguyễn Đình Quang, Trưởng phòng GD-ĐT Tân Phú cho biết, năm học mới này ngành giáo dục Tân Phú đưa vào sử dụng thêm 5 trường học mới, gồm: 3 trường THCS và 2 trường tiểu học, mầm non. Huyện Cẩm Mỹ có thêm Trường tiểu học Sông Nhạn (xã Sông Nhạn) được đầu tư xây mới. Năm học mới 2012-2013, huyện Long Thành đầu tư  kinh phí 45 tỷ đồng xây dựng phòng học và đầu tư mới thêm nhiều trang thiết bị, dụng cụ học tập, trong đó xây mới thêm Trường THCS Long An (xã Long An) nên cơ sở trường lớp đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học.

40 công trình trường học mới

Năm học mới 2012-2013, tổng số công trình trường học được xây dựng mới và đưa vào sử dụng là 40 công trình với 229 phòng học. Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, giai đoạn II đã có 244 phòng học xuống cấp được đầu tư thay thế kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học mới. Ngoài ra, các địa phương còn tu sửa 221 phòng học cũ.

Phấn khởi nhất năm nay là huyện Nhơn Trạch có 7 công trình kiên cố hóa trường lớp hoàn tất được đưa vào sử dụng. Nhìn chung cơ sở trường lớp của huyện đã đảm bảo được yêu cầu học tập của học sinh. Ông Nguyễn Văn Lo, Trưởng phòng GD-ĐT Nhơn Trạch cho biết, năm nay theo chỉ đạo của UBND huyện, các trường nhận tất cả học sinh trên địa bàn, kể cả con em diện tạm trú. Các trường phải tạo điều kiện nhận hết số trẻ này vào lớp học, vì vậy số học sinh năm nay tăng khá nhiều so với những năm học trước.

Tại huyện Thống Nhất, trong số  9 công trình kiên cố hóa trường lớp được thực hiện đã có 3 công trình hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm học mới này.  Trong khi đó, ông Trần Quang Tú, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: “Huyện đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để sửa chữa và xây mới thêm phòng học tại một số trường, như: Trường tiểu học Lê Quý Đôn thêm 6 phòng, Trường mầm non Suối Nho thêm 4 phòng, Trường mầm non Ngọc Lan thêm 6 phòng, Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu thêm 8 phòng, Trường tiểu học Quang Trung thêm 8 phòng… Vì thế, địa bàn không có áp lực quá tải về trường lớp”.

* Học sinh tăng, giáo viên đảm bảo giảng dạy…

Trong năm học 2012-2013, toàn tỉnh có trên 600 ngàn học sinh, học viên, sinh viên cùng 36 ngàn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Như vậy trong năm học này số học sinh trong toàn tỉnh tăng khoảng 7 ngàn em so với năm học 2011-2012, tập trung vào hai bậc học tiểu học và mầm non.

Theo Sở GD-ĐT, trong năm học này toàn ngành tuyển mới khoảng gần 1 ngàn giáo viên, trong đó bậc mầm non tuyển mới 386 giáo viên, tiểu học tuyển mới 283 giáo viên, THCS tuyển mới 132 giáo viên, THPT tuyển mới 183 giáo viên. Với số lượng tuyển thêm, đội ngũ giáo viên toàn ngành năm học mới là 26.917 giáo viên.

Học sinh Trường THCS-THPT và dạy nghề Tân Hòa (TP.Biên Hòa) trong ngày khánh thành trường và khai giảng năm học 2012-2013.
Học sinh Trường THCS-THPT và dạy nghề Tân Hòa (TP.Biên Hòa) trong ngày khánh thành trường và khai giảng năm học 2012-2013.

Tại huyện Thống Nhất, ông Nguyễn Tấn Phong, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thống Nhất cho biết: “Năm nay huyện tuyển mới được 67 giáo viên và nhân viên phục vụ y tế trường học ở các bậc học. Số giáo viên này tuyển vào bù đắp do số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu. Nhìn chung, năm nay toàn huyện không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên các bậc học và cũng không có tình trạng lớp học ca ba”.

Biên Hòa tăng trên 2 ngàn học sinh

TP. Biên Hòa với số dân nhập cư đông, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp nhiều nhất ở bậc mầm non và tiểu học. Hiện toàn thành phố có 54 trường mầm non và 428 nhóm lớp ngoài công lập, tăng thêm 2 trường so với năm ngoái. Số trẻ huy động ra lớp mầm non 5 tuổi trên 42 ngàn trẻ, tăng hơn 2 ngàn em, cần phải có đến 5 trường mầm non nữa mới đáp ứng đủ. ở bậc tiểu học có tất cả 53 trường và 4 trường phổ thông tư thục nhiều cấp học. Dù nhiều trường đang duy trì sĩ số đến 55-65 em/lớp, nhưng vẫn cần có thêm 3 trường tiểu học nữa mới có đủ chỗ học cho học sinh. Năm nay, có khoảng 50 lớp 1 tại 3 trường tiểu học Trảng Dài, Long Bình và Tân Hiệp phải tiếp tục học ca ba.

Ông Nguyễn Công Danh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc cho biết, năm học mới này, địa bàn huyện không thiếu phòng học cho học sinh. Giáo viên các bậc học cũng không thiếu nên công tác dạy và học sẽ được đảm bảo. Riêng số giáo viên mầm non còn thiếu, huyện đã chủ động ký hợp đồng với một số học sinh tốt nghiệp lớp 12 nhưng chưa qua sư phạm để bố trí vào số giáo viên thiếu này.

Trong khi đó, ông Trần Đức Dưỡng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Thành cho biết, năm nay ngành tuyển mới 67 giáo viên. Đội ngũ giáo viên bậc mầm non thiếu 31 người nhưng hiện đã tuyển 29 người. Hiện nay, Phòng GD-ĐT Long Thành đang đề xuất với UBND huyện có chế độ phụ cấp cho những giáo viên tại các vùng khó khăn. Những giáo viên công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn, như: Trường tiểu học Tân Thành (thuộc ấp 7 và ấp 8, xã Bàu Cạn) và Trường mẫu giáo Bình An (thuộc ấp Bàu Lùng, xã Bình An) được phụ cấp ưu đãi thêm 70% so với lương.

4 nhiệm vụ trọng tâm năm học mới

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng cho biết, trong năm học 2012-2013 toàn ngành quyết tâm thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục. Trong đó đẩy mạnh thực hiện đổi mới công tác thanh tra về thu - chi tài chính, dạy thêm - học thêm, thi đua khen thưởng. Thực hiện tốt cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý giáo dục.

Hai là, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục. Trong đó thực hiện chỉ đạo của các cấp lãnh đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các hoạt động rèn luyện học sinh. Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, ngăn chặn bạo lực trong học sinh. Tăng cường các giải pháp khắc phục hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh giỏi, khá.

Ba là, chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Trong đó chú trọng công tác tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non, phổ thông, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị trường học. Chú trọng bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá…

Bốn là, công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất. Trong đó rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch của ngành và địa phương. Đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

T. Hiệu-P.Liễu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều