Báo Đồng Nai điện tử
En

Ôm rơm rặm bụng

10:09, 09/09/2012

Nhà giáo Đào tôi có ông bạn làm ruộng năm nay trúng mùa gọi điện mời chủ nhật đến chơi ăn bữa cơm gạo mới. Tôi biết bạn mời không phải vì chén cơm mừng vụ lúa mới, bởi nhà anh cá đầy ao, gà vịt đầy vườn và có lẽ còn việc gì nữa muốn chia sẻ. Tôi thì có cái tính hết lòng vì bạn bè nên dù bận trăm công ngàn việc đã hứa với ai là phải làm.

Nhà giáo Đào tôi có ông bạn làm ruộng năm nay trúng mùa gọi điện mời chủ nhật đến chơi ăn bữa cơm gạo mới. Tôi biết bạn mời không phải vì chén cơm mừng vụ lúa mới, bởi nhà anh cá đầy ao, gà vịt đầy vườn và có lẽ còn việc gì nữa muốn chia sẻ. Tôi thì có cái tính hết lòng vì bạn bè nên dù bận trăm công ngàn việc đã hứa với ai là phải làm. Thấy tôi đến, bạn ra cổng đón, vừa hồ hởi vừa thiệt tình:

- Ông vào nhà chơi tự nhiên, tôi mới ôm mớ rơm ra vườn nướng mấy con cá lóc, chút nữa lai rai vài ba ly, giờ rặm bụng phải đi tắm cái đã.

Tôi phì cười vì cái chất nông dân đã ngấm ba đời vào anh. Cũng gốc nông dân, vì thế tôi hiểu sự vất vả, quý sức lao động, quý những hạt lúa và sự chân tình của người nông dân như thế nào. Hai sương một nắng mới có hạt gạo nên hôm nay là ngày anh mừng lắm khi lúa đã đầy bồ.

- Lúc này chắc ông thầy bận lắm hả? Bán buôn thế nào? - Đưa tôi ly trà, anh hỏi nhỏ.

Thấy tôi tròn xoe hai con mắt nhìn, anh bạn cười khà khà:

- Trường học nào đầu năm không tất bật với mớ đồng phục, dụng cụ học tập, hồ sơ, ghế ngồi, lô gô, phù hiệu, bìa bao tập, phiếu liên lạc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn... bán cho học sinh!

- Trời, tưởng gì, tôi cũng đang bức xúc đây. Kỳ thật, mấy sếp ta hình như dây thần kinh “nhột” đứt hết rồi hay sao đấy, cứ để báo chí tốn bút mực hoài.

- Hai Lúa tôi đọc báo chí thấy đồng phục thì mỗi năm mỗi kiểu, mỗi màu. Tụi nhỏ có muốn xài đồ cũ cũng bó tay, có đúng vậy không, ông thầy?

- Vậy đó, tội nhất là con nhà nghèo, chạy ăn ngày ba bữa còn trầy trật nói chi đến quần áo mới, được đi học là mừng lắm rồi. Ông có tin là học trò tôi có em đóng tiền đầu năm cứ theo dạng trả góp không? Mỗi ngày 5-10 ngàn, thu của chúng mà cầm lòng không đậu!

- Tôi có thằng nhỏ hàng xóm, đồng phục thể dục còn tốt mà cô giáo vẫn  bắt phải mua. Về xin tiền nộp cho cô, ba nó quát: “Nhà nghèo, còn dùng được, bày đặt đua đòi với con nhà giàu”. Thằng bé khóc, thanh minh: “Đâu phải con đua đòi, nhà trường năm nay thay mẫu đồng phục khác mà!”. Khổ thiệt, la con rồi lại phải xin lỗi nó. Cũng chỉ nghèo quá mà ra, cho con nghỉ học thì đời nó lại y như mình. Mới mấy hôm trước, mẹ nó phải qua bà xã tôi mượn cả triệu đồng đóng tiền đầu năm và mua sách vở cho nhỏ em mới vô lớp 1.

Cái nghèo, cái khó dù là ở nông thôn hay thành phố đều có cả. Nhà nước đã có những chủ trương miễn giảm học phí cho những học sinh nghèo, nhưng tiền thu đầu năm toàn là thứ phải mua nên nhiều gia đình phải chạy đôn chạy đáo vay mượn lo cho con cái ăn học. Thôi thì không có tiền bạc để cho con, gắng cho cái chữ. Nghèo vẫn cố gắng phải cho con đi học để mong mai này con có cuộc sống tốt đẹp hơn, bớt nhọc nhằn hơn cha mẹ.

- Nông dân tụi tôi đến vụ gặt bắt buộc phải ôm rơm, chứ nó rặm bụng lắm chẳng ai muốn đâu, cực chẳng đã. Thế mà ngành ông cứ khoái cái khoản “ôm rơm rặm bụng” chi cho cực? - Mặt anh bạn đăm chiêu nhìn đống rơm trước sân nhà.

- Ý ông là sao? - Tôi ngỡ ngàng chẳng hiểu anh bạn nói gì, bèn hỏi.

- Cơ quan quản lý giáo dục cũng đã quy định rồi, thứ gì bên ngoài có thì phụ huynh mua, nhà trường không được ép. Ông thầy thử nghĩ xem, mua sắm quần áo đồng phục, đồ dùng học tập, bìa bao tập... đầu năm cho học sinh thì cứ để cha mẹ chúng lo, nhà trường dính vào làm gì cho mệt nếu không phải là ba cái khoản hoa hồng vài chục phần trăm cao “chót vót”? Vừa rồi đóng tiền đầu năm cho thằng con, tôi hụt hẫng vô cùng. Cái gì cũng có giá cao ngất trời. Ngay cái ghế ngồi chào cờ ngoài chợ bán chỉ 20 ngàn mà trường thu của học sinh tới... 40 ngàn!

- Ừ nhỉ, đúng là “ôm rơm rặm bụng”, nhưng tại sao thế? Có phải là vì lý do mà anh bạn tôi vừa nói không?

Nhà giáo Đào

 

 

 

 

Tin xem nhiều