“Trên 60% tác nhân gây bệnh cho con người có nguồn gốc từ động vật. Nhiều quốc gia đã thiệt hại hàng ngàn người, tiêu tốn những khoản chi phí khổng lồ để đối phó với dịch bệnh” - ông Lê Hoàng San, Viện phó Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết như vậy tại hội thảo “Cơ chế phối hợp giữa y tế và thú y trong giám sát bệnh cúm gia cầm và các bệnh lây truyền qua động vật” do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Sở Y tế vừa tổ chức tại Đồng Nai.
“Trên 60% tác nhân gây bệnh cho con người có nguồn gốc từ động vật. Nhiều quốc gia đã thiệt hại hàng ngàn người, tiêu tốn những khoản chi phí khổng lồ để đối phó với dịch bệnh” - ông Lê Hoàng San, Viện phó Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết như vậy tại hội thảo “Cơ chế phối hợp giữa y tế và thú y trong giám sát bệnh cúm gia cầm và các bệnh lây truyền qua động vật” do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Sở Y tế vừa tổ chức tại Đồng Nai.
WHO cho biết, trong vòng 20 năm qua, có đến 40 bệnh mới được phát hiện, chiếm 12% tổng số bệnh tật của loài người. Điều đáng nói là 75% số bệnh mới xuất hiện có nguồn gốc từ động vật. Các loại bệnh này đã làm 15 triệu người chết. Chỉ tính riêng 3 loại bệnh: SARS, E.coli và bò điên, các nước đã tổn thất hơn 70 tỉ USD.
* Nhiều loại bệnh nguy hiểm
Một nghiên cứu mới nhất cũng của WHO cho thấy, 3/4 dịch bệnh ở người bắt nguồn từ động vật. Chẳng hạn, như: bệnh viêm phổi cấp lây từ loài cầy hương; sốt rét do muỗi vằn; bệnh đậu mùa nhiễm từ lạc đà; dịch hạch từ chuột cống và những loài gặm nhấm; bệnh nhũn não lây truyền từ bò; bệnh dại từ thú hoang hay vật nuôi… Đặc biệt là bệnh AIDS do mắc phải virus HIV từ loài vượn, mỗi năm cướp đi hàng triệu sinh mạng.
Một ca điều trị sốt xuất huyết do muỗi vằn đốt. Ảnh: P.Liễu |
Trong khi đó, nhiều bệnh cũ đã từng được kiểm soát bằng hóa trị và kháng sinh, nay tái bùng phát, gây dịch và xuất hiện kháng thuốc. Từ năm 2000-2005, đã có 50 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh từ muỗi và gia súc, làm 78 ngàn người chết, trong đó, bệnh dại khiến 30 ngàn người tử vong; sốt xuất huyết Dengue làm 50 triệu người nhiễm và 25 ngàn người chết; viêm não Nhật Bản giết chết 15 ngàn người…
Tại hội thảo, các nhà chuyên môn cho biết, Việt Nam đang xuất hiện một số bệnh có khả năng lây từ động vật sang người rất cao, rất nguy hiểm, như: bệnh dại, sốt rét, sốt xuất huyết, dịch hạch, bệnh liên cầu khuẩn lợn…Đặc biệt là dịch cúm A/H5N1 xuất hiện từ năm 2003, đến nay đã ghi nhận tại 40 tỉnh, thành trong cả nước với 119 ca mắc, trong đó 59 ca tử vong. Với sự bùng nổ các bệnh mới và tái bùng phát các bệnh cũ, theo đánh giá của ông Lê Văn Tuấn, đại diện của WHO tại Việt Nam, khoảng 10% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi các dịch bệnh trên, kéo theo tổn thất GDP lên tới 10%.
* Cần cơ chế phối hợp
Ông Trần Văn Quang, Chi cục phó Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) cho biết, Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Tính đến tháng 8-2012, toàn tỉnh có 9 triệu con gia cầm và 1,2 triệu con gia súc. Thời gian qua, trong đàn gia súc, gia cầm của Đồng Nai cũng đã xuất hiện những bệnh như: liên cầu khuẩn, bệnh tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả heo và cúm gia cầm… Điều đáng nói là đã có sự biến chủng của virus, làm giảm hiệu lực của vaccine tiêm phòng.
Nuôi và chơi đùa với vật nuôi là thói quen của nhiều người. Ảnh: P.Hằng |
Bác sĩ Trần Minh Hòa, Trưởng phòng giám sát dịch bệnh và vaccine sinh phẩm (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh) cũng cho hay, chỉ riêng bệnh dại, Đồng Nai là tỉnh đứng thứ hai trong các tỉnh phía Nam về số ca bệnh dại và tử vong do bệnh dại. Trong 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh có đến 64.235 người phải tiêm phòng bệnh dại do bị các loại súc vật cắn, trong đó 5 trường hợp phát dại và tử vong. Số ca sốt xuất huyết do muỗi vằn đốt cũng đang tăng nhanh, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 4 ngàn ca mắc với 5 ca tử vong…
Liên Bộ Y tế và Nông nghiệp, phát triển nông thôn đang dự thảo thông tư hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Trong đó, các hoạt động phối hợp bao gồm: chia sẻ thông tin giám sát bệnh và các yếu tố nguy cơ; phối hợp tổ chức điều tra ổ dịch, đáp ứng phòng, chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người; xây dựng và triển khai các chương trình chung, truyền thông phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người; đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; xây dựng danh mục các bệnh lây truyền từ động vật sang người cần ưu tiên phòng chống; thành lập đội điều tra ổ dịch và phối hợp ứng phó. |
Việc động vật bị mắc bệnh rồi lây nhiễm sang người là vấn đề không mới. Song, những năm gần đây động vật ngày càng truyền cho con người những chủng loại virus, vi trùng và ký sinh trùng gây nhiều bệnh tật nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Theo WHO, Việt Nam hiện đang lưu hành 15 loại bệnh nguy hiểm truyền từ động vật qua người. Do đó, cần có một cơ chế phối hợp phòng ngừa lây nhiễm bệnh giữa thú y và y tế, bởi theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, nếu chỉ ngành y tế thôi sẽ không giải quyết được hết các vấn đề.
Cũng theo đánh giá WHO, chính việc chưa có cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm giữa thú y và y tế là thách thức lớn nhất trong phòng chống bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người ở Việt Nam. Do vậy, một cơ chế phối hợp giữa ngành y tế và thú y là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh từ động vật sang người.
Phương Liễu