Báo Đồng Nai điện tử
En

Chạy theo dịch bệnh…

09:09, 16/09/2012

Dù đã có nhiều giải pháp khống chế, nhưng công tác điều trị và phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) vẫn chưa thực sự chủ động.

Dù đã có nhiều giải pháp khống chế, nhưng công tác điều trị và phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) vẫn chưa thực sự chủ động.

* Hơn 40 ca mắc mỗi ngày

Nếu 7 tháng đầu của năm 2012, số ca mắc TCM và SXH chỉ từ 200-400 ca/tháng, thì sang tháng 8, số ca mắc cao đột biến với khoảng 1.200 ca. Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc TCM trong toàn tỉnh là 4.496 ca, 3 ca tử vong. Còn SXH, nếu 6 tháng đầu năm, số ca mắc thấp hơn rất nhiều so với TCM, thì chỉ trong hai tháng 7 và 8, đã vượt lên xấp xỉ số ca mắc TCM. Hiện toàn tỉnh có 4.374 ca mắc SXH. Riêng tỷ lệ tử vong do SXH thì tăng gấp đôi so với số ca tử vong do TCM và tăng gấp 3 lần số ca tử vong do SXH của năm ngoái. Theo ông Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, đáng lo là tỷ lệ chết/mắc do SXH tăng cao bất thường báo hiệu một giai đoạn dịch SXH sẽ có những diễn biến phức tạp khó lường. Dự báo số mắc TCM và SXH từ nay đến cuối năm sẽ rất cao do cả 2 bệnh này đều đi vào đỉnh dịch.

Một bé bị bệnh tay chân miệng độ 4, kháng điều trị được lọc máu liên tục, cứu sống kịp thời.  Ảnh: P.Liễu
Một bé bị bệnh tay chân miệng độ 4, kháng điều trị được lọc máu liên tục, cứu sống kịp thời. Ảnh: P.Liễu

Phân tích tình hình dịch, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm tỉnh cho rằng, nếu  SXH chỉ thực sự “nóng” trong khoảng 2 tháng trở lại đây và số mắc vẫn giữ ở mức cao, thì bệnh TCM đã có xuất phát điểm cao ngay từ tháng đầu tiên của năm và không đơn thuần là hiện tượng “đuôi dịch” của năm cũ kéo qua như trước đây ngành y tế nhận định.

Theo dự báo của Bộ Y tế, năm nay SXH sẽ tăng theo chu kỳ. Hiện dịch bệnh này cũng đang lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đặc biệt “nóng” ở khu vực phía Nam.

Trong khi đó, sự xuất hiện trở lại của dịch cúm gia cầm H5N1 cùng các bệnh truyền nhiễm “kinh điển”, như: sốt rét, tả, viêm não mô cầu, sởi, rubella trên địa bàn tỉnh luôn có nguy cơ bùng phát trở lại. Cùng với sự xuất hiện các tác nhân gây bệnh nguy hiểm cũng như sự biến chủng của các virus gây bệnh… khiến ngành y tế lo ngại tình trạng dịch chồng dịch.

* Điều trị vẫn đi sau

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, số ca mắc TCM và SXH nhập viện đang tăng cao. Nếu những tháng trước chỉ từ 120-150 ca bệnh TCM và SXH nặng phải nhập viện điều trị, thì tháng 8 tăng vọt lên 300-400 ca, khiến đội ngũ bác sĩ và khoa nhiễm quá tải nặng nề.

Khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai luôn ở tình trạng quá tải bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.
Khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai luôn ở tình trạng quá tải bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Bác sĩ Hà cũng khẳng định, công tác điều trị vẫn chạy đằng sau dịch bệnh. Bởi những loại bệnh nhiễm khác đã có vaccine phòng ngừa, ngành chủ động tiêm phòng, còn hai bệnh SXH và TCM thì không những không có vaccine phòng ngừa, mà cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, trong điều trị hiện nay, các bác sĩ của bệnh viện chủ yếu căn cứ vào diễn biến thực tế từng giai đoạn của ca bệnh mà có cách xử lý phù hợp.

Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, phòng bệnh TCM rất đơn giản là vệ sinh cá nhân, phòng bệnh SXH cũng hết sức đơn giản là diệt lăng quăng, tránh bị muỗi đốt… nhưng sao vẫn chưa khống chế được dịch bệnh? Phải chăng, các hoạt động phòng chống mới chỉ là hình thức?

Bác sĩ Lê Vinh, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng trong lần giám sát dịch bệnh tại Đồng Nai mới đây cho rằng, việc giám sát các ca bệnh truyền nhiễm ở Đồng Nai còn thụ động, thiếu thông tin về nguy cơ; kinh phí chống dịch thường chỉ được cấp khi đã có dịch xảy ra nên khó chủ động kiểm soát dịch bệnh. Ở một số địa phương trong tỉnh, công tác phòng dịch gần như phó mặc cho ngành y tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm tỉnh Nguyễn Thành Trí yêu cầu ngành y tế phải tăng cường hoạt động giám sát chủ động để có những cảnh báo kịp thời tới người dân, ngăn ngừa nguy cơ “dịch chồng dịch”; các địa phương cần tập trung các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh. Riêng công tác điều trị, ngành y tế cần chủ động đề xuất các nhu cầu về thuốc, trang thiết bị để kịp thời phục vụ công tác điều trị, nhằm hạn chế số ca tử vong.

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều