“Giám sát thực tế tại một số địa phương ở Đồng Nai, chúng tôi nhận thấy tỉnh đang có nguy cơ bùng phát mạnh cùng lúc nhiều dịch bệnh, trong đó nặng nề nhất là sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM). Ngay từ bây giờ nếu không tích cực ngăn chặn, sẽ rất khó trở tay khi dịch vào đỉnh điểm trong tháng 9, tháng 10 tới”- ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Trưởng ban quản lý dự án phòng chống SXH quốc gia đã khuyến cáo như vậy trong chuyến về làm việc tại Đồng Nai mới đây.
“Giám sát thực tế tại một số địa phương ở Đồng Nai, chúng tôi nhận thấy tỉnh đang có nguy cơ bùng phát mạnh cùng lúc nhiều dịch bệnh, trong đó nặng nề nhất là sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM). Ngay từ bây giờ nếu không tích cực ngăn chặn, sẽ rất khó trở tay khi dịch vào đỉnh điểm trong tháng 9, tháng 10 tới”- ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Trưởng ban quản lý dự án phòng chống SXH quốc gia đã khuyến cáo như vậy trong chuyến về làm việc tại Đồng Nai mới đây.
* Bùng phát mạnh cả hai dịch bệnh
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết, trong 2 tháng đầu năm, số ca mắc bệnh TCM vẫn còn cao do đuôi dịch từ năm 2011 kéo sang với khoảng 300-400 ca/tháng. Sau 4 tháng lắng dịu, chỉ còn khoảng 170-200 ca/tháng thì bước vào tháng 7, số ca mắc bệnh tăng vọt lên 600 ca. Tính đến 30-7, toàn tỉnh đã có 2.295 ca mắc bệnh TCM, 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc bệnh giảm 668 ca, số ca tử vong giảm 5 lần. Song cũng theo nhận định của bác sĩ Ngưỡng, cao trào bùng phát của bệnh sẽ diễn ra vào thời điểm từ tháng 8 trở đi, nên dù số ca mắc và ca chết có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chắc chắn bệnh sẽ có biến động lớn trong những tháng cuối năm.
Điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu |
Trong khi đó, bệnh SXH lại đang “nóng” lên từng ngày. Tính đến 2-8, toàn tỉnh có 3.051 ca mắc, trong đó có khoảng 2.300 ca dương tính, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo ngại là đã có 5 ca tử vong, trong đó 4 ca tử vong chỉ trong một tháng. Cũng theo dự báo của ngành y tế, tình hình dịch SXH vẫn sẽ “leo thang”. Số ca mắc SXH cả năm 2011 là 2.097 ca và 6 ca tử vong, thì mới 7 tháng đầu năm nay đã có hơn 3.051ca mắc và số ca tử vong xấp xỉ với số ca tử vong của cả năm ngoái. Điều đáng báo động là, bệnh SXH năm nay có những diễn biến khó lường, như: chuyển độ đột ngột, biến chứng nặng, tử vong nhanh.
* Phòng dịch, ai làm?
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Trọng Ngưỡng thừa nhận: dịch bệnh bùng phát là do công tác phòng và dập dịch chưa hiệu quả và nhiều nơi, nhiều người chưa thực sự quan tâm phòng ngừa, dù rất đơn giản là vệ sinh cá nhân và diệt lăng quăng. Ông cho rằng, ngành y tế đã đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng chống dịch nhưng người dân vẫn chưa tích cực thay đổi hành vi để cùng tham gia phòng chống dịch. “Ngành y tế chịu trách nhiệm về chuyên môn, nhưng không thể đến từng nhà diệt lăng quăng, hay rửa tay cho từng cháu bé. Do đó, phòng dịch thành hay bại là nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương và mỗi gia đình”- bác sĩ Ngưỡng nhấn mạnh.
Rửa tay là một biện pháp phòng bệnh tay chân miệng hữu hiệu. Ảnh: P.Liễu |
Đồng tình với những bất cập trong công tác phòng và dập dịch của ngành y tế, TS. Đặng Văn Chính, Trưởng khoa dịch tễ Viện Y tế công cộng cho biết: “Qua giám sát tình hình thực tế tại một số xã ở huyện Xuân Lộc, chúng tôi cho rằng, nơi nào chỉ mỗi ngành y tế tham gia công tác phòng dịch, thì nơi ấy tỷ lệ thành công rất thấp. Một thực tế là, ngành y tế không thể lấy đâu ra người để đi dập dịch cho từng hộ gia đình. Trách nhiệm của ngành y tế là dự báo, phòng và dập dịch, điều trị chuyên môn, còn việc thực hiện phải là chính quyền địa phương và người dân”.
Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh SXH đang ở mức báo động. Hiện nay, một số loại thuốc cần thiết cho điều trị SXH tại bệnh viện đã hết, nhưng cũng rất khó mua. Số thuốc điều trị dự phòng bệnh này của bệnh viện cũng chỉ cầm cự được đến khoảng giữa tháng 8. |
Về vấn đề này, bác sĩ Lê Hoàng San, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, cho rằng: “Công tác phòng chống dịch không thể khoán trắng cho ngành y tế mà phải là chính quyền từng xã, ấp, đoàn thể vào cuộc và ý thức tự phòng bệnh của mỗi gia đình. Tuy nhiên, đối với những bệnh có vaccine phòng ngừa thì ngành y tế phải chủ động phòng ngừa, nhưng SXH và TCM là những bệnh chưa có vaccine phòng ngừa thì biện pháp hữu hiệu nhất là truyền thông. Ngành y tế phải chủ động tuyên truyền phòng bệnh và tuyên truyền nguy cơ”.
Phương Liễu