Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời điểm nào người lao động được miễn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?

10:08, 16/08/2012

Báo Đồng Nai đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chế độ, thời điểm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Giải đáp vấn đề này, bà Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho biết:

Báo Đồng Nai đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chế độ, thời điểm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Giải đáp vấn đề này, bà Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho biết:

Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. (Ảnh minh họa)
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. (Ảnh minh họa)

- Người lao động (NLĐ) có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT) thì đơn vị sử dụng lao động và NLĐ phải đóng BHXH, BHYT cho cả thời gian thử việc theo mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Riêng người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi theo quy định của pháp luật về BHXH thì doanh nghiệp sử dụng lao động và NLĐ không phải đóng BHXH, BHYT.

* Trường hợp NLĐ nghỉ việc không hưởng lương thì sao, thưa bà?

- NLĐ nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng và không hưởng tiền lương, tiền công thì đơn vị và NLĐ không phải đóng BHXH. Đối với NLĐ ngừng việc, nghỉ việc, di chuyển, phải thu hồi thẻ BHYT còn hạn sử dụng của NLĐ nộp cho cơ quan BHXH để giảm trừ số phải đóng BHYT tương ứng thời hạn còn lại của thẻ.

* Thưa bà, nếu một người làm việc cùng lúc 2 nơi thì sẽ đóng BHXH, BHYT như thế nào, và người đã hưởng lương hưu có phải đóng BHXH, BHYT không?

- NLĐ đồng thời có từ 2 hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHYT theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có mức tiền lương, tiền công cao nhất hoặc hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có thời gian dài nhất. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng có giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

* Như vậy, mức lương của NLĐ làm căn cứ đóng BHXH, BHYT được quy định ra sao?

- Tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc, gồm: Tiền lương do Nhà nước quy định và tiền lương, tiền công do đơn vị sử dụng lao động quyết định. Cụ thể: NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung tại thời điểm đóng. Trong đó, bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công. NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc là mức tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động.

* Nếu tiền lương, tiền công tháng ghi trên hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì đóng như thế nào?

- Tiền đóng BHXH bắt buộc được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm ngày 2-1 cho 6 tháng đầu năm và ngày 1-7 cho 6 tháng cuối năm. Đối với ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước không công bố tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng thì áp dụng tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam so với ngoại tệ đó áp dụng, để tính thuế xuất nhập khẩu do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm ngày 2-1 cho 6 tháng đầu năm và ngày 1-7 cho 6 tháng cuối năm. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước chưa công bố thì được lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề. NLĐ là người quản lý doanh nghiệp thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc là mức tiền lương do điều lệ của công ty quy định. Mức tiền đóng BHXH bắt buộc quy định tại khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung hoặc mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng. NLĐ đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp dạy nghề) thì tiền lương, tiền công đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, nếu làm công việc nặng nhọc độc hại thì cộng thêm 5%. Mức tiền lương, tiền công đóng BHXH bắt buộc quy định tại điều này mà cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung, thì mức tiền lương, tiền công đóng BHXH/tháng, bắt buộc bằng 20 tháng lương tối thiểu chung tại thời điểm đóng.

* Xin cảm ơn bà!

Kim Liễu (thực hiện)

 

Tin xem nhiều