Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống sốt xuất huyết (SXH) nhưng bệnh vẫn bùng phát trên diện rộng và đang tiếp tục lây lan trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống sốt xuất huyết (SXH) nhưng bệnh vẫn bùng phát trên diện rộng và đang tiếp tục lây lan trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Bệnh dịch diễn biến bất thường
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, 7 tháng đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp và gia tăng tại một số quốc gia như Campuchia số ca mắc tăng gấp 3,1 lần so với năm 2011; Malaixia tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổ chức Y tế thế giới nhận định, SXH vẫn còn là một đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dịch SXH đang có chiều hướng gia tăng tại các tỉnh phía Nam. |
Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước có 39.897 trường hợp mắc SXH tại 52 tỉnh, thành phố, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2011. Các tỉnh thuộc khu vực miền Nam như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre… có số ca mắc cao nhất. Trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 26 trường hợp tử vong do SXH tại 12 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực miền Nam chiếm 80,7%, miền Trung chiếm 15,4%, Tây Nguyên chiếm 3,9%.
Ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đa số các trường hợp tử vong do SXH đều được chẩn đoán ở mức độ nặng, thường gặp ở lứa tuổi dưới 15 chiếm 76,9% và nữ giới chiếm 80,8%, tỉ lệ nhập viện muộn vẫn còn cao khoảng 40%. Hầu hết bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng nặng, hôn mê và xuất huyết nặng nên tỉ lệ tử vong ở tuyến tỉnh và Trung ương còn cao. Hiện cả nước đang lưu hành cả 4 tuýp huyết thanh D1, D2, D3, D4, trong đó cao nhất là D1 với 30%, D2 với 26,4%. Năm 2011, tuýp D4 xuất hiện tại khu vực miền Nam, năm 2012 đã xuất hiện tại 2 khu vực miền Nam và miền Trung.
Ông Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur cho biết: Từ đầu năm đến nay SXH tại các tỉnh phía Nam tăng 17% so với cùng kỳ. Những tỉnh có số ca mắc trên 3.000 ca ở miền Đông Nam bộ, trên 2.000 ca ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hiện nay, các bệnh viện lớn trên địa bàn TP.HCM đang rơi vào tình trạng quá tải. Bác sỹ Nguyễn Thành Dũng, Trưởng phòng kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM cho biết: Cùng với bệnh tay - chân - miệng gia tăng thì từ đầu tháng 7 đến nay, số ca mắc SXH tăng nhanh chóng. Trung bình mỗi ngày có hơn 40 trường hợp mắc SXH nhập viện điều trị, trong đó có hơn 30 ca là trẻ em. Còn tại khoa SXH của bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày cũng có hơn 120 trẻ nhập viện.
Tăng cường công tác truyền thông
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, Cục Y tế dự phòng đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống SXH tại các tỉnh trọng điểm ở 4 khu vực. Đồng thời, tiến hành phun xịt hóa chất làm sạch môi trường xung quanh. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp phải nhiều khó khăn như tại một số địa phương, chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất chưa huy động được sự tham gia của các ban ngành đoàn thể và người dân.
Ông Trần Thành Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Cần nâng cao nhận thức của người dân Hậu Giang là tỉnh vùng sâu, vùng xa, cũng là tỉnh nghèo, cho nên tình hình các loại dịch bệnh cũng diễn biến hết sức phức tạp chứ không riêng gì SXH. Để ngăn chặn dịch bệnh chúng tôi đã ra quân đồng loạt... Tỉnh đã thành lập được ban chỉ đạo phòng chống dịch, mỗi tháng ban chỉ đạo họp một lần để trên cơ sở đó rút kinh nghiệm phòng chống dịch. Các đoàn thể như: Hội phụ nữ, hội cựu chiến binh tuyên truyền tận cơ sở về diệt lăng quăng, diệt muỗi cũng như tổng vệ sinh môi trường nơi ở. Chính vì vậy, mặc dù các tỉnh lân cận có tăng về dịch bệnh SXH, nhưng tình hình dịch bệnh SXH của Hậu Giang năm 2012 đã giảm hơn so với cùng kỳ. Ngoài ra, ý thức người dân đã được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, để công tác phòng chống dịch có hiệu quả, quan trọng là phải nâng cao nhận thức của cán bộ chuyên môn ngành y tế và của người dân. Bác sỹ Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang: Chủ động xuất kinh phí phòng chống dịch Thời gian qua, kinh phí phòng chống dịch SXH của Trung ương về chậm nhưng chúng tôi không ngồi chờ mà chủ động kiến nghị với UBND tỉnh sử dụng nguồn kinh phí của năm 2011 chuyển qua. Ngoài ra, Sở Y tế cũng xuất kinh phí dự phòng hỗ trợ truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng khoảng trên 300 triệu đồng. Nhờ có nguồn kinh phí như vậy mà chúng tôi có thể chủ động hỗ trợ thuốc men cho địa phương, đặc biệt là những huyện nghèo không có kinh phí trong công tác phòng, phun dập dịch, diệt lăng quăng… Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường tham mưu cho các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền nâng cao giáo dục sức khỏe cộng đồng. Nâng cao công tác chống dịch để tập trung giải quyết những điểm nóng như Long Xuyên, Tân Châu, Chợ Mới… Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để tuyên truyền về dịch bệnh SXH trong trường học nhân dịp tựu trường. |
Ông Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur cho biết: Dù đã xử lý nhưng chỉ số lăng quăng còn rất cao ở các điểm nóng. Do đó, diệt lăng quăng vẫn là một thách thức lớn đối với ngành y tế. Nếu muốn hạn chế được dịch SXH thì cần phải có nhiều biện pháp diệt lăng quăng mang tính bền vững, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác dự phòng.
Bên cạnh việc triển khai đồng bộ, mạnh mẽ chiến dịch phun hóa chất khống chế các ổ dịch, Cục Y tế dự phòng lưu ý các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, phát huy cao vai trò của các tổ, đội, cộng tác viên tuyên truyền; đẩy mạnh công tác giáo dục sức khỏe ở các địa phương. Cục Y tế dự phòng sẽ kịp thời hỗ trợ thuốc và phương tiện y tế cho các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch SXH.
(Theo Baotintuc.vn)