Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nhưng 70% dân số lại sống ở các vùng nông thôn. Chính vì vậy, việc tập trung xây dựng tiềm lực công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã được quan tâm bằng những chương trình cụ thể nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nhưng 70% dân số lại sống ở các vùng nông thôn. Chính vì vậy, việc tập trung xây dựng tiềm lực công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã được quan tâm bằng những chương trình cụ thể nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Sở Khoa học - công nghệ là một trong những đơn vị giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa CNTT về với các xã, ấp trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu đưa Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2015. Từ năm 2006, Sở đã thực hiện chương trình đào tạo trình độ A tin học cho cán bộ xã, ấp. Theo đó, mỗi xã được tỉnh hỗ trợ đào tạo 50 cán bộ từ xã đến ấp có trình độ tin học đạt trình độ A trở lên.
* Đưa CNTT đến với xã, ấp
Ông Nguyễn Thành Chín, Giám đốc Trung tâm tin học và thông tin khoa học - công nghệ, Sở Khoa học - công nghệ cho rằng, một trong những ưu điểm khi triển khai chương trình đào tạo trình độ A tin học cho cán bộ xã, ấp là Nhà nước không tốn kém chi phí đầu tư máy móc mà huy động từ nhiều nguồn khác nhau, như: hợp đồng với các trung tâm đào tạo, dạy nghề, các trường THPT… Các lớp đào tạo tập trung tại các xã hoặc cụm xã trên địa bàn các huyện, thị xã vào các ngày cuối tuần hoặc buổi tối. Cán bộ ở các xã, ấp ứng tiền học phí trước, sau khi có chứng chỉ trình độ A tin học sẽ được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí với mức 600 ngàn đồng/người.
Từ năm 2006 đến nay đã có trên 7 ngàn cán bộ xã, ấp hoàn thành và có chứng chỉ tin học trình độ A để phục vụ ứng dụng CNTT trong quá trình làm việc, như: soạn thảo các văn bản, báo cáo, truy cập internet… Cũng theo ông Nguyễn Thành Chín, việc áp dụng các hình thức đào tạo tin học trình độ A cho cán bộ xã, ấp đã từng bước xóa được tâm lý “ngại học”, do cán bộ xã, ấp nhiều người đã lớn tuổi, không ít người vốn chỉ quen làm việc thủ công bằng bút giấy, hoặc ngại đi học tập trung ở xa, học ban ngày có thể ảnh hưởng tới công việc.
Mặt khác, từ năm 2003, Sở Khoa học - công nghệ đã triển khai đầu tư các điểm truy cập thông tin khoa học - công nghệ tại các xã, thị trấn. Mỗi điểm được trang bị 2 máy vi tính, 1 máy in và 1 máy ảnh kỹ thuật số, bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu; các dữ liệu phục vụ truy cập được tích hợp và thường xuyên được cập nhật tới các máy tính tại các điểm thông tin khoa học - công nghệ
Bà Phạm Thị Gái, Phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng phường Xuân Bình (TX.Long Khánh) cho biết, từ khi phường được tỉnh đầu tư điểm thông tin khoa học - công nghệ, việc truy cập các thông tin phục vụ quản lý, điều hành của xã được thuận tiện hơn rất nhiều. Người dân đến các điểm khoa học - công nghệ để tìm kiếm các thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật, chăm sóc sức khỏe, tìm hiểu kiến thức trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giá cả nông sản… Không chỉ người dân có thể truy cập các thông tin liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, mà cán bộ phụ trách điểm thông tin khoa học - công nghệ còn chủ động sao chép các tài liệu để cung cấp cho nông dân khi có nhu cầu.
* Đồng hành cùng nông dân
Ông Phạm Xuân Rong, nông dân xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) cho biết, trước đây ông thường đến điểm thông tin khoa học - công nghệ thuộc Trung tâm học tập cộng đồng của xã để nhờ tìm kiếm giúp các thông tin liên quan, đến việc nuôi heo, như: thiết kế chuồng trại, phòng chống các dịch bệnh cho heo, tìm kiếm các thông tin về thuốc thú y, truy cập giá heo giống, heo thịt trên thị trường… Thấy được lợi ích của internet, ông Rong đã chủ động sắm một bộ máy vi tính để bàn phục vụ riêng cho mình và gia đình. Ông Rong chia sẻ thêm, tiếp cận internet đã được 6 năm, đến nay mọi thông tin liên quan đến kiến thức chăm sóc và bảo vệ đàn heo ông đều dùng máy tính và internet.
Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Phạm Văn Sáng cho biết, dự kiến trong năm tới, mạng thông tin khoa học - công nghệ sẽ phủ khắp các xã, phường, thị trấn, trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng trong toàn tỉnh, đồng thời sẽ tiến hành nâng cấp thêm một bước các trang thiết bị máy móc đã đầu tư trước đây. Để thực hiện được mục tiêu này, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực - đối tượng quan trọng góp phần thực hiện thành công đề án xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh trong thời gian tới. |
Theo ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ, hiệu quả của việc ứng dụng CNTT mà người dân được thụ hưởng chính là các kiến thức và thành tựu về khoa học - công nghệ có thể ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Việc đưa CNTT về nông thôn còn giúp người dân được mở rộng các thông tin thời sự, chính trị - xã hội trong nước và quốc tế, các kiến thức khoa học, giáo dục…
Không chỉ quan tâm đầu tư các điều kiện cần về phát triển và ứng dụng CNTT cho các xã ở nông thôn, hàng năm Sở Khoa học - công nghệ còn tổ chức nhiều hội thi về CNTT cho cán bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh để có dịp kiểm tra các kiến thức của cán bộ về ứng dụng CNTT trong công việc. Các hội thi cán bộ ứng dụng CNTT được trao giải thưởng xứng đáng đã góp phần khuyến khích cán bộ, công chức tích cực trau dồi kiến thức CNTT để phục vụ công việc hàng ngày, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Xuân Trường