Tại tổ 7, ấp Xóm Trầu, xã Long An (huyện Long Thành), chúng tôi đã gặp Nguyễn Văn Lâm, chàng thanh niên từng đậu 2 trường đại học uy tín, mỗi tuần đều đón xe buýt từ TP.Hồ Chí Minh về nhà để chăm sóc cha, mẹ đã già yếu và bị tật nguyền.
Tại tổ 7, ấp Xóm Trầu, xã Long An (huyện Long Thành), chúng tôi đã gặp Nguyễn Văn Lâm, chàng thanh niên từng đậu 2 trường đại học uy tín, mỗi tuần đều đón xe buýt từ TP.Hồ Chí Minh về nhà để chăm sóc cha, mẹ đã già yếu và bị tật nguyền.
* Ám ảnh phận nghèo
Trước kia, gia đình Lâm sống tại TP. Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), kinh tế cũng chẳng đến nỗi nào. Tuy nhiên, sau hai lần làm ăn thất bại, tài sản của cha mẹ Lâm lần lượt “đội nón” ra đi. Khi Lâm vào lớp 1, cũng là lúc cả nhà phải khăn gói đi ở thuê. Lâm phải học dần tính tự lập, vì cha mẹ phải tất bật đi làm thuê, mưu sinh qua ngày.
Mỗi tuần, Nguyễn Văn Lâm đều đón xe buýt về nhà để phụ cha chăm sóc mẹ. Ảnh: T.Minh |
Song với ý chí nỗ lực vươn lên, suốt quá trình học tập của mình, Lâm đã đạt những thành tích đáng ghi nhận. Trong đó, năm lớp 9, Lâm đã giành giải nhất môn Vật lý của tỉnh. Lâm kể lại: “Trước đây, mỗi lần tan học, thấy bạn bè được cha mẹ đưa đón, mua cho đủ thứ, em tủi thân lắm. Nhưng càng buồn, em lại càng thấy thương cha mẹ và quyết phải học thật tốt để mai này thành công”.
Để có tiền trang trải cuộc sống qua ngày và nuôi các con ăn học, cha của Lâm phải hành nghề vá xe bên đường, mẹ phải thức khuya dậy sớm phụ bán quán ăn. Sau này mẹ Lâm đã mắc bệnh hiểm nghèo. Để có tiền trang trải viện phí và các khoản thuốc men cho mẹ, các anh chị của Lâm phải vừa học, vừa làm để bớt gánh nặng cho gia đình. Song, không chỉ có Lâm mà 7 anh em của Lâm cũng đều đạt thành tích học tập đáng nể: đậu đại học.
* Chắp cánh ước mơ
Ngày mẹ bị hoại tử chân trái, bác sĩ báo tin phải cưa bỏ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí mất mạng. Tất cả thành viên trong gia đình Lâm đều bần thần, riêng mẹ Lâm nước mắt cứ tuôn trào. “Mẹ sợ mất đi một chân sẽ trở thành gánh nặng của cả nhà. Rồi tiền viện phí, tiền mổ và đủ chi phí phát sinh khiến gia đình cứ rối cả lên. Thấy cảnh đó, em ước ao mình trở thành bác sĩ để có thể điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho mẹ mỗi ngày” - Lâm nói giọng bùi ngùi.
Rồi Lâm lao vào học, vì em hiểu phần lớn thí sinh chọn thi khối B đều muốn thử sức vào ngành y dược, nên tỷ lệ chọi sẽ rất cao. Lâm mạnh dạn đăng ký hai trường đại học: Khoa học tự nhiên và Y dược TP.Hồ Chí Minh. Kết quả, Lâm trúng tuyển cả hai trường. Niềm vui trúng tuyển đại học của Lâm chưa dứt thì Lâm lại có một nỗi lo: tiền đâu để học!
Hiểu được những suy nghĩ của con, cha Lâm luôn tìm cách động viên: “Nhà mình nghèo, cha mẹ không có thứ gì cho các con ngoài kiến thức. Dù khó khăn cách mấy, con cũng phải ráng học để ngẩng mặt với đời”. Lời dạy của cha là hành trang để Lâm quyết tâm học hành. Vì vậy, khi hay tin có suất học bổng toàn phần đi du học ở Nga 7 năm, Lâm đã mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình.
Thế nhưng, khi đã đạt được ước mơ này thì Lâm lại phải từ bỏ. Lâm tâm sự: “Cha mẹ em già yếu rồi, không thể đợi em trong thời gian dài như thế. Vả lại, giờ em chỉ muốn sớm học ra trường để đi làm, phụ giúp gia đình. Từ chối suất học bổng tiếc lắm, nhưng để chọn lựa lại em sẽ vẫn làm như vậy”.
Câu nói của Lâm khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Ngồi cạnh chúng tôi, mẹ Lâm tự hào khoe về con của mình: “Tháng nào Lâm cũng gửi cho chúng tôi ít tiền để tiêu vặt. Nó tự trang trải việc học đó, cô à!”.
Tùng Minh