Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực trạng xử lý chất thải y tế ở Đồng Nai (Bài cuối)

10:07, 25/07/2012

Để hạn chế tác hại của chất thải y tế đối với con người và môi trường, ngành y tế đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hàng loạt hệ thống xử lý nước thải và lò đốt rác tại các cơ sở y tế.

 Bài toán khó về kinh phí

Để hạn chế tác hại của chất thải y tế đối với con người và môi trường, ngành y tế đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hàng loạt hệ thống xử lý nước thải và lò đốt rác tại các cơ sở y tế.

Kiểm tra kho lưu trữ chất thải y tế nguy hại tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu
Kiểm tra kho lưu trữ chất thải y tế nguy hại tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu

Tuy nhiên, kinh phí xử lý chính là vấn đề băn khoăn của lãnh đạo nhiều bệnh viện. Có vị giám đốc thẳng thắn nói: “Hệ thống xử lý càng hiện đại càng không dám vận hành vì nó “ngốn” tiền khủng khiếp”...

* Giá cả tăng, xử lý giảm

Có nhiều lý do khiến chất thải y tế không được đầu tư xử lý đến nơi đến chốn, trong đó, thiếu kinh phí là lý do mà hầu hết lãnh đạo các bệnh viện đưa ra. Qua thống kê tại một số bệnh viện, chi phí cho vận hành xử lý chất thải y tế đã chiếm khoảng 5% ngân sách nhà nước cấp cho cơ sở.

Hiện nay Bệnh viện đa khoa Thống Nhất mỗi tháng phải chi khoảng 120 triệu đồng cho hoạt động xử lý rác thải và nước thải; Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mỗi tháng chi 150 triệu đồng; Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai gần 100 triệu đồng; các bệnh viện đa khoa khu vực cũng tốn khoảng 50 triệu đồng/tháng; bệnh viện đa khoa tuyến huyện chi phí khoảng 20 triệu đồng/tháng… Theo bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, những khoản này không thể không chi và cũng không thể tiết kiệm hơn nếu muốn xử lý tốt chất thải.

TS.BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay: “5 năm trước đây, bệnh viện chỉ chi khoảng 50-60 triệu đồng/tháng cho hoạt động xử lý chất thải. Nhưng nay với sự tăng giá hàng loạt nguyên liệu đầu vào, từ hóa chất xử lý nước thải đến túi đựng rác, giá nhân công, có những nguyên liệu tăng từ 100-200%, chưa kể điện, nước cũng tăng mấy giá, trong khi giá viện phí vẫn chưa được điều chỉnh tăng”. Còn bác sĩ Hoàng Văn Hóa, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trảng Bom than thở: “Hiện nay dù giá thu gom xử lý đã được tỉnh quy định, nhưng ở huyện Trảng Bom các cơ sở thầu rác không muốn thu gom, xử lý chất thải bệnh viện với giá hiện thời mà đòi gấp đôi (24 ngàn đồng/kg), chúng tôi phải “bấm bụng” chi, chưa kể phải hỗ trợ mỗi chuyến xe chở rác thải sinh hoạt thêm 1,5 triệu đồng nữa nhà thầu mới đồng ý thu gom”.[links(left)]

Được biết, phí thu gom và xử lý rác thải y tế theo quy định của tỉnh là 12.279 đồng và 13.944 đồng/kg (tính theo cự ly trên hoặc dưới 65km) đối với các cơ sở y tế tập trung; còn giá 30.399 đồng và 32.063 đồng/kg (cũng theo cự ly này) đối với các cơ sở y tế không tập trung. Còn rác thải sinh hoạt chỉ từ 32-40 ngàn đồng/tấn. Do giá xử lý chất thải y tế quá chênh lệch với giá thu gom rác thải sinh hoạt, không ít cơ sở y tế đã “độn” rác thải y tế vào rác sinh hoạt để... giảm phí. Theo một thanh tra của Sở Tài nguyên - môi trường, những trường hợp này không hiếm gặp.

So với hoạt động xử lý rác thải thì xử lý nước thải y tế tốn kém hơn nhiều bởi đặc thù nước thải chứa nhiều vi sinh vật, kim loại nặng, hóa chất độc, đồng vị phóng xạ... nên để xử lý đạt chuẩn cần nguồn kinh phí rất lớn. Trong điều kiện khó khăn hiện nay đã nảy sinh những trường hợp bệnh viện chỉ cho hệ thống xử lý hoạt động khi có đoàn kiểm tra, hoặc cắt xén liều lượng hóa chất khử. Các ngành chức năng khó có thể kiểm soát được.

* Để quản lý hiệu quả chất thải y tế…

Rác thải y tế được đốt tạm trong lò thủ công tại khuôn viên Bệnh viện đa khoa Trảng Bom. Ảnh: P.Liễu
Rác thải y tế được đốt tạm trong lò thủ công tại khuôn viên Bệnh viện đa khoa Trảng Bom. Ảnh: P.Liễu

Một thực tế hiện nay, các bệnh viện chủ yếu hoạt động theo chế độ công ích nên không có vốn đầu tư cho xử lý chất thải. Kinh phí thường xuyên để vận hành hệ thống xử lý chất thải cũng chưa được đưa vào định mức kinh phí cấp cho đầu giường bệnh, mà bệnh viện vẫn phải tự cân đối các khoản chi trong kinh phí khám chữa bệnh để xử lý chất thải, vì thế việc xử lý không đạt chuẩn, không ổn định cũng là điều dễ hiểu. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bác sĩ Trương Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay: “Ngoài những nguyên nhân khách quan như yêu cầu nước thải y tế phải đạt loại A, yêu cầu xử lý khó khăn và tốn kém hơn thì các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao trong viện phí vẫn chưa được điều chỉnh tăng… nên nhiều bệnh viện đặt quan tâm đầu tư vào phát triển chuyên môn hơn là xử lý môi trường… Tuy nhiên, việc xử lý chất thải hạn chế còn do ý thức và trách nhiệm của lãnh đạo một số bệnh viện và của cả lãnh đạo Sở Y tế vì chưa thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, chưa  yêu cầu các bệnh viện quan trắc theo định kỳ, tập huấn kỹ thuật xử lý môi trường cho cán bộ…” .

Về vấn đề kinh phí xử lý chất thải bệnh viện, mới đây Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên - môi trường phải dành chi một phần quỹ sự nghiệp bảo vệ môi trường cho ngành y tế để hỗ trợ nguồn kinh phí cho các bệnh viện xử lý chất thải y tế. Thực tế, trong 3 năm trở lại đây, Sở Y tế đã được cấp một phần tiền từ quỹ sự nghiệp bảo vệ môi trường cho hoạt động xử lý chất thải tại các bệnh viện. Theo bác sĩ Bạch Thái Bình, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính  (Sở Y tế), năm 2012, Sở được phân bổ 8,3 tỷ đồng cho hoạt động đốt rác và xử lý nước thải và đã phân bổ cho các bệnh viện từ 50-600 triệu đồng/bệnh viện/năm. Còn năm ngoái, ngành được phân bổ 10,5 tỷ đồng... Đây cũng là một trong những nguồn hỗ trợ đắc lực, giúp các bệnh viện có thêm kinh phí để xử lý chất thải trong điều kiện viện phí chưa chính thức được điều chỉnh tăng.

Trong đợt kiểm tra hoạt động xử lý chất thải y tế tại Đồng Nai, ông Hà Hào Hiệp, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế cho rằng: Để tăng hiệu quả xử lý chất thải y tế, trước hết ngành y tế phải đẩy mạnh công tác đầu tư, thậm chí ưu tiên và đề nghị tỉnh ưu tiên ngân sách cho công tác xử lý môi trường bệnh viện. Bởi chi phí dành cho xử lý chất thải y tế là khá lớn, ngành không thể tự lo nổi. Thứ nữa là ngành y tế tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường để kiểm tra, đôn đốc. Theo ông, các bệnh viện cần đặc biệt quan tâm đến thực hành phân loại rác thải tại nguồn để có thể chủ động giảm bớt lượng rác thải y tế, từ đó sẽ kéo giảm kinh phí chi cho hoạt động thu gom, xử lý. Với những bệnh viện tuyến tỉnh, nếu có điều kiện nên mạnh dạn chuyển đổi công nghệ hoặc thay thế những loại thiết bị gây xả thải nhiều nhằm giảm bớt lượng rác thải, nước thải...

Phương Liễu

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều