Báo Đồng Nai điện tử
En

Sốt xuất huyết tăng nhanh

09:07, 29/07/2012

Dù chưa vào giai đoạn đỉnh của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhưng số ca mắc trong thời điểm này vẫn tăng nhanh. Điều đáng nói là bệnh SXH đang có những biểu hiện đa dạng, biến chứng nguy hiểm, gây tử vong nhanh.

Dù chưa vào giai đoạn đỉnh của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhưng số ca mắc trong thời điểm này vẫn tăng nhanh. Điều đáng nói là bệnh SXH đang có những biểu hiện đa dạng, biến chứng nguy hiểm, gây tử vong nhanh.

* Bệnh gia tăng trên diện rộng

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết, SXH đã xuất hiện tại 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3 ngàn ca, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Điều đáng nói là có đến 4/5 ca tử vong xảy ra trong tháng 7. 

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Khoa hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh  viện nhi đồng Đồng Nai).        Ảnh: P.Liễu
Bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Khoa hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai). Ảnh: P.Liễu

Các địa bàn có số ca mắc SXH cao là: TP. Biên Hòa (hơn 800 ca, 2 ca tử vong), huyện Trảng Bom (gần 500 ca, 2 ca tử vong). Đặc biệt, năm nay bệnh SXH lây lan mạnh ở huyện miền núi Xuân Lộc (hơn 400 ca mắc, 1 trường hợp tử vong).

Theo nhận định của bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, nguyên nhân của dịch SXH gia tăng trên diện rộng là do bệnh chưa có vaccine phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bùng phát dịch bệnh là do sự chủ quan, lơ là, thiếu ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh, dù bệnh SXH không quá khó để phòng tránh. Bên cạnh đó, trong tháng 6 và 7, diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều, dẫn đến chỉ số mật độ muỗi, chỉ số nhà có muỗi tăng mạnh.

ThS.BS. Trần Minh Hòa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho hay: “Điều đáng lo là bệnh SXH hiện đang lưu hành đồng thời cả 4 chủng virus Dengue gây bệnh SXH là: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Trong khi cơ thể chỉ tạo ra kháng thể bảo vệ đối với một chủng virus mà người đó từng mắc, các chủng còn lại thì không. Chính vì vậy, ở một số trẻ bị mắc SXH chủng virus này rồi vẫn có thể mắc lại với chủng virus khác… làm gia tăng số ca mắc, dịch bệnh kéo dài và lan rộng. Ngoài ra, tình hình di biến động dân cư cũng gây nhiều khó khăn cho việc quản lý đối tượng để dập dịch”.

* Chuyển độ nhanh, biến chứng nặng

Thời điểm này, số ca SXH điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tăng 20% so với tháng 6. Hiện có khoảng 90 ca điều trị nội trú và 250 ca điều trị ngoại trú/ngày. Tuy nhiên, theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc của bệnh viện, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ca SXH chuyển độ đột ngột, sốc, có biến chứng nguy hiểm như rối loạn đông máu, suy gan, suy đa phủ tạng mà chỉ vài giờ trước đó, bệnh vẫn ở thể nhẹ. Tính từ giữa tháng 7 đến nay, đã có 9 ca biến chứng phải điều trị tại Khoa hồi sức tích cực và chống độc, 4 ca suy hô hấp phải thở máy, 2 ca suy đa phủ tạng đã tử vong.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), khi phát hiện có triệu chứng của SXH, người dân nên đưa con đến ngay cơ sở y tế để chữa trị, không nên tự ý mua thuốc uống, rất nguy hiểm. Những biểu hiện của bệnh SXH, như: trẻ bứt rứt, quấy khóc, trăn trở hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, ói; tay chân lạnh; lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống.

Điều đáng nói là cả 4 ca tử vong trong tháng 7 này đều có biến chứng suy đa phủ tạng.  Như ngày 17-7, bệnh nhân N.Q.A., 9 tuổi, ngụ tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) đã tử vong do biến chứng SXH gây suy đa phủ tạng. Bác sĩ Nghĩa cho biết, mặc dù bệnh nhân được phát hiện bệnh SXH và được cấp cứu tích cực, nhưng không qua khỏi do virus gây bệnh tấn công vào gan và sau đó làm suy đa phủ tạng.

Theo bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, từ năm ngoái, bệnh viện đã áp dụng phân loại mới độ bệnh SXH theo chỉ định của Bộ Y tế. Việc xác định mức độ của bệnh SXH thay vì chia thành độ 1,2,3,4 thì nay đã được chia thành SXH Dengue tương ứng với độ 1 và 2 (không phải truyền dịch), SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo (độ 1, 2 có truyền dịch) và SXH Dengue nặng (sốc, độ 3 và 4 hoặc có biến chứng suy tạng, xuất huyết nặng). Cách phân loại này có thể bao phủ được toàn diện hơn các thể bệnh của SXH. Theo đó, trẻ SXH dù độ 1 và 2 nhưng nếu có các biểu hiện biến chứng não, gan… thì vẫn được xếp vào nhóm nặng và cần được theo dõi sát tại bệnh viện. Nhưng do ở một số bệnh nhân việc chuyển độ quá đột ngột, các dấu hiệu đi vào sốc rất mờ nhạt, nên gây khó cho các bác sĩ trong tiên lượng. Không ít trường hợp, chỉ khi đã sốc nặng, suy đa phủ tạng rồi mới có dấu hiệu như xuất huyết ồ ạt.

 Phương Liễu

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều