Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

10:07, 09/07/2012

Đó là chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm nay nhằm tăng cường các hoạt động kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, hỗ trợ sinh nở và dự phòng các nhiễm khuẩn qua đường tình dục…, cải thiện tích cực hơn tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Đó là chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm nay nhằm tăng cường các hoạt động kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, hỗ trợ sinh nở và dự phòng các nhiễm khuẩn qua đường tình dục…, cải thiện tích cực hơn tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Đồng Nai là tỉnh đông dân với hơn 53% dân số là nữ giới. Việc quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) là hướng đến nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và góp phần cải thiện giống nòi.

* Đẩy mạnh hoạt động tiếp cận từ cơ sở 

Thời gian qua, hoạt động chăm sóc SKSS và dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã được tiếp cận đối tượng ngay từ cơ sở. Công tác cung cấp dịch vụ này được ngành y tế chú trọng, ngày càng thuận lợi, an toàn, hiệu quả và đảm bảo tính riêng tư nên đã từng bước đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Đến nay, 100% cơ sở dịch vụ KHHGĐ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị, thành thực hiện được kỹ thuật đình sản, cấy thuốc tránh thai; 100% trạm y tế xã, phường có đủ điều kiện đặt vòng, tiêm thuốc tránh thai và điều trị phụ khoa. Việc phân phối, cung ứng viên thuốc tránh thai và bao cao su đã được thực hiện thông qua mạng lưới 171 cán bộ chuyên trách và hơn 3.600 cộng tác viên dân số ở cơ sở tiếp cận từng hộ gia đình. Do vậy, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại phát triển theo diện rộng, kể cả những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất.

Thành viên các câu lạc bộ chăm sóc SKSS tham gia hội thi kiến thức và kỹ năng SKSS.  Ảnh: P.Uyên
Thành viên các câu lạc bộ chăm sóc SKSS tham gia hội thi kiến thức và kỹ năng SKSS. Ảnh: P.Uyên

Công tác tập huấn, trang bị kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao kỹ năng truyền thông cho đội ngũ  cán bộ DS-KHHGĐ các cấp… thời gian qua cũng được đẩy mạnh. Qua đó, công tác truyền thông - giáo dục chuyển đổi hành vi được đưa đến các đối tượng một cách hiệu quả; người dân được cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS, nắm được các triệu chứng của các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, biết đến các cơ sở y tế để được điều trị, biết các biện pháp phòng tránh thai an toàn…

Riêng công tác nâng cao chất lượng giống nòi với sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, Đồng Nai đã và đang thực hiện 3 đề án: Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân và kỹ năng chăm sóc SKSS đã được triển khai rộng khắp trong các trường phổ thông và các khu công nghiệp, nhằm bảo đảm những bạn trẻ có kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS và tình dục an toàn. Trong năm 2011, đã có  hơn 10 ngàn thành viên tham gia các câu lạc bộ chăm sóc SKSS, hơn 37 ngàn người được tư vấn và  gần 6 ngàn người được khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Với chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, năm 2011, toàn tỉnh đã lấy 5,7 ngàn mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh để xét nghiệm phát hiện bệnh, nhằm can thiệp kịp thời. Kết quả số trẻ sàng lọc sơ sinh của Đồng Nai đạt 14,8% (chỉ tiêu Trung ương giao là 6,2%) và  98% bà mẹ mang thai được theo dõi và khám thai 3 lần/thai kỳ. Còn với hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành cũng đã tổ chức gần 200 buổi nói chuyện chuyên đề với hơn 16 ngàn lượt người nghe, kéo giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh xuống 108 bé trai/100 bé gái so với 112 bé trai/100 bé gái so với trước khi thực hiện đề án.

* Vẫn còn những rào cản…

Tuy đã đạt được những tiến bộ, song công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở Đồng Nai vẫn còn gặp không ít rào cản, khiến chất lượng hoạt động không được như mong muốn.

Theo ông Lưu Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh của Đồng Nai vẫn ở mức cao. Số sản phụ bị các tai biến sản khoa vẫn xảy ra đều ở các bệnh viện; tình trạng nạo, hút thai còn cao, với 25% trong tổng số ca mang thai, trong đó không ít người có thai ngoài ý muốn phải bỏ thai ở độ tuổi dưới 25. Tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (trong đó có HIV) ở nhóm thanh thiếu niên vẫn ở mức cao.

Hiện ngành đang đặt trọng tâm vào hoạt động truyền thông - giáo dục SKSS cho đối tượng công nhân lao động, bởi 90% số đối tượng này nằm trong độ tuổi sinh đẻ… Song quá trình tiếp cận với đối tượng này không dễ, vì không chỉ doanh nghiệp gây khó dễ mà nhiều công nhân lao động không muốn tiếp cận. 

Ngoài ra, tình trạng tăng dân số vẫn diễn ra ở mức cao. Năm 2011, toàn tỉnh đã có gần 39 ngàn trẻ được sinh ra, tăng gần 1,2 ngàn trẻ so với năm 2010. Số trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên tăng 2,8 ngàn trẻ. Năm nay, số ca sinh dự kiến tăng từ 7-8 ngàn ca so với năm ngoái và mức tăng sinh này có khả năng kéo dài sang năm 2013.

Thông điệp Ngày Dân số thế giới 11-7

1.  Xây dựng một thế giới mà ở đó mỗi lần có thai đều được mong đợi, mỗi lần sinh con đều được an toàn và mỗi thanh niên đều được phát triển hết tiềm năng của mình.

2. Sức khỏe sinh sản là quyền của phụ nữ, nam giới, thanh niên và của toàn thể cộng đồng và mỗi quốc gia. Đảm bảo tiếp cận phổ cập sức khỏe sinh sản chính là bảo vệ tương lai của thế giới của chúng ta.

3. Đầu tư cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ không chỉ là điều đúng đắn cần phải làm mà còn đem lại lợi ích kinh tế.

4. Chăm sóc sức khỏe sinh sản, bao gồm KHHGĐ tự nguyện, sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho thanh niên, phụ nữ và con cái của họ.

5. Đảm bảo tiếp cận tới KHHGĐ tự nguyện có thể giảm một phần ba số ca tử vong mẹ và giảm 20% số ca tử vong trẻ em. Điều này cũng giúp giảm nghèo, làm chậm lại quá trình tăng trưởng dân số và giảm bớt áp lực cho môi trường.

6. Để cải thiện nguồn nhân lực và thúc đẩy quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững thì một trong những đầu tư tốt nhất là cung cấp các dịch vụ KHHGĐ tự nguyện.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều