Báo Đồng Nai điện tử
En

Bạo lực gia đình: Trở ngại lớn cho bình đẳng giới

09:07, 24/07/2012

Bạo lực gia đình (BLGĐ) làm tổn hại đến sức khoẻ, tinh thần của các nạn nhân và bào mòn hạnh phúc của nhiều gia đình, gây trở ngại lớn cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Bạo lực gia đình (BLGĐ) làm tổn hại đến sức khoẻ, tinh thần của các nạn nhân và bào mòn hạnh phúc của nhiều gia đình, gây trở ngại lớn cho việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Đấu tranh phòng, chống BLGĐ không chỉ tạo môi trường phát triển lành mạnh cho mỗi thành viên trong gia đình,  đem lại sự ổn định cho xã hội, mà còn giúp nâng cao quyền con người, nhất là cho nhóm bị nhiều tổn thương chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em.

* Trên 2 nạn nhân bị bạo hành/ngày

Theo kết quả khảo sát gần 10 ngàn hộ gia đình về vấn đề BLGĐ  do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, cho thấy cứ 5 gia đình thì có 1 gia đình có một trong các hành vi bạo hành, như: đánh đập, nhục mạ, đe dọa tinh thần hoặc bị ép quan hệ tình dục. Có 21,2% cặp vợ chồng xảy ra các hiện tượng bạo lực, như: đánh, mắng chửi, ép quan hệ tình dục khi người kia không có nhu cầu, trong số này có 7,3% cặp vợ chồng thường xuyên xảy ra cả 2 hiện tượng bạo lực trên. Có 85% trẻ cho biết cảm thấy buồn, lo lắng khi phải sống trong môi trường bạo lực, 20% trẻ cảm thấy sợ hãi, 5,5% trẻ muốn bỏ nhà đi, 8,5% xa lánh cha mẹ và 4,2% không còn kính trọng cha mẹ nữa. Ngoài ra, tỷ lệ người vợ đánh chồng ở thành phố cũng cao hơn gần 4 lần so với ở nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ vợ đánh chồng chỉ chiếm  rất nhỏ (0,6%) so với con số chồng đánh vợ (3,4%).  Trong đó nguyên nhân say rượu là lý do để chồng đánh vợ chiếm tới 37,5% và lý do này cũng làm nảy sinh các vụ vợ đánh, mắng chồng, tỷ lệ cũng tương đương.

Chăm sóc và yêu thương nhau, gia đình sẽ hạnh phúc. Ảnh: P. Liễu
Chăm sóc và yêu thương nhau, gia đình sẽ hạnh phúc. Ảnh: P. Liễu

Còn trên địa bàn Đồng Nai, thống kê của Phòng Gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), năm 2011 trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 700 vụ BLGĐ với khoảng 800 nạn nhân, phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em. Tính ra, trung bình mỗi ngày trên địa bàn Đồng Nai có 2,1 người trở thành nạn nhân của BLGĐ. Trong số này, có trên 70 vụ dẫn đến ly hôn; gần 60 vụ vợ chồng ly thân, con cái ly tán; trên 40 vụ có nạn nhân bị thương tích nặng phải điều trị tại các cơ sở y tế; 5 vụ dẫn đến tự tử và nhiều gia đình thường xuyên có con cái bỏ học, sa vào tệ nạn xã hội và  phạm pháp…

Bà Lưu Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết:  “Tình trạng BLGĐ trên địa bàn Đồng Nai vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Đã đến lúc các ngành, các cấp và cả cộng đồng phải tích cực can thiệp giảm thiểu tệ nạn này”. Theo bà Phượng, Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp, lượng di dân đông, điều kiện sinh sống cũng như tình trạng hôn nhân - gia đình của những người lao động di dân phức tạp. Đặc biệt là tình trạng ly hôn, sống chung không đăng ký kết hôn. Vì thế, dù hiện nay Đồng Nai là tỉnh duy nhất của cả nước có ban chỉ đạo phòng chống BLGĐ ở cả 3 cấp và trong 5 năm qua đã thành lập được gần 300 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc cùng gần 600 nhóm phòng chống BLGĐ… nhưng BLGĐ vẫn gia tăng.

* BLGĐ khác với mâu thuẫn thường ngày

BLGĐ những năm gần đây diễn ra nhiều về số lượng và nghiêm trọng hơn về tính chất.  Đấu tranh ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với phụ nữ nói riêng và các nạn nhân khác nói chung đã trở thành mối quan tâm của Việt Nam cũng như các quốc gia tiến bộ.

Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho rằng, để thực hiện quyền bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ, cần phải tăng cường công tác truyền thông pháp luật về bình đẳng giới, về phòng chống BLGĐ đến cơ quan, đoàn thể và cộng đồng, trong đó phải xây dựng cơ chế xử phạt khả thi hơn, bảo đảm tính răn đe của pháp luật, nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Thậm chí, trong các công sở nên lấy tiêu chí gia đình bình đẳng, hạnh phúc, không có BLGĐ để bình xét thi đua khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

Mới đây, trong lần về Đồng Nai tập huấn cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới, Thạc sĩ Bùi Thị Thu Trang, Trường cán bộ phụ nữ TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “BLGĐ là biểu hiện đỉnh điểm của bất bình đẳng trong gia đình. Cũng cần phân biệt BLGĐ với mâu thuẫn thường ngày”. Theo bà Trang, sở dĩ BLGĐ vẫn chưa được ngăn chặn là do lâu nay người ta cho đó là những mâu thuẫn thường ngày, gia đình nào cũng gặp phải. Bởi được xem là mâu thuẫn “nhà nào cũng có” nên không được can thiệp kịp thời và xử lý đến nơi đến chốn. Trong khi đó, cần phải hiểu BLGĐ là sự vi phạm về quyền con người, người vi phạm phải được pháp luật trừng trị, cũng như nạn nhân của BLGĐ phải được luật pháp bảo vệ.

Thời gian qua, nhiều văn bản pháp luật, chương trình hành động về bình đẳng giới, chống BLGĐ đã được ban hành, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống BLGĐ; Chương trình hành động quốc gia về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em... Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình hoạt động phòng, chống BLGĐ tại các địa phương, như: thành lập các trung tâm tư vấn, các tổ hòa giải, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền, câu lạc bộ phòng chống BLGĐ…Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ, nhất là áp dụng biện pháp xử phạt hành chính còn gặp nhiều khó khăn…

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều