Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các trường đại học: Nâng cao chất lượng dạy và học

12:06, 16/06/2012

Bên cạnh phương pháp giảng dạy truyền thống thì việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang ngày càng phổ biến tại các trường đại học (ĐH) trên địa bàn Đồng Nai.

Bên cạnh phương pháp giảng dạy truyền thống thì việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang ngày càng phổ biến tại các trường đại học (ĐH) trên địa bàn Đồng Nai.

Ông Trần Minh Hùng, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai nhận xét, việc ứng dụng CNTT vào quá trình dạy học là xu hướng tất yếu, không chỉ thúc đẩy tính tích cực đối với sinh viên (SV) mà còn góp phần nâng cao chất lượng dạy học và tạo hiệu quả trong quản lý giáo dục.

* Nhiều ứng dụng phong phú

Khác với bậc THPT, việc ứng dụng CNTT ở các trường ĐH chủ yếu hướng đến tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học, nên các ứng dụng không chỉ đơn thuần là sử dụng giáo án điện tử bằng PowerPoint, trên các trang web E-learning mà còn trên nhiều ứng dụng khác. Th.S Nguyễn Viết Chánh (Trường ĐH Đồng Nai) cho biết, việc sử dụng phần mềm Netop School giúp giảng viên (GV) có thể vừa trình diễn bài giảng, hướng dẫn bài tập vừa quản lý lớp học, còn SV có thể trao đổi với GV, phản hồi ý kiến hoặc nộp bài tập. Thời gian qua, trường đã đưa ứng dụng này vào giảng dạy các môn, như: Tin học đại cương, Thiết kế web, Lập trình ứng dụng quản lý… rất tiện ích. Ở môn Hóa, các GV cũng ứng dụng các phần mềm chuyên ngành để thiết kế các mô hình phản ứng hóa học, xây dựng thư mục tài liệu để hỗ trợ chuyển tải các kiến thức trừu tượng đến SV một cách sinh động, dễ hiểu hơn. Các GV còn chia sẻ với nhau “mẹo” soạn bài giảng trên smartphone, nhắc thời khóa biểu giảng dạy trên Google.

Phòng vi tính của Trường đại học Đồng Nai.
Giảng viên Trường đại học Lạc Hồng ứng dụng CNTT trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: Công Nghĩa

Đối với các môn thuộc ngành xã hội, như: Chính trị, Lịch sử, Nghệ thuật, Ngữ văn… CNTT cũng hỗ trợ đắc lực trong việc truyền kiến thức. Như ở ngành sư phạm ngữ văn có một chương về nghệ thuật chèo, trước đây các GV thường lúng túng vì không phải ai cũng biết hát chèo để giới thiệu đến SV, nay thì hoàn toàn có thể tải các clip về chiếu minh họa để SV học, hiểu, phân tích, vì thế kiến thức được hình thành một cách sinh động. Hay ở phần văn học nước ngoài, bên cạnh giới thiệu tác giả - tác phẩm, GV còn trình chiếu các slide về hình ảnh, đất nước, con người để SV cảm nhận được nền văn hóa của nước đó. TS. Nguyễn Duy Anh Tuấn (Trường ĐH Đồng Nai) cho biết, thông qua blog, thầy chia sẻ với SV những bài viết khoa học, trao đổi, hướng dẫn những kỹ năng chuyên môn học thuật vì đôi khi trên lớp không thể quan tâm đến tất cả SV.

 Không chỉ ứng dụng trong giảng dạy, mà CNTT còn được sử dụng để nâng cao hiệu quả trong quản lý giáo dục. Th.S Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho biết, từ nhiều năm nay trường đã đưa ứng dụng CNTT vào quản lý hồ sơ SV, tổ chức thi trực tuyến, theo dõi thời khóa biểu, báo điểm… không chỉ tạo sự tiện lợi mà còn xây dựng cho SV hình thành lối tư duy mới với môi trường CNTT để hình thành kỹ năng, kỹ xảo phù hợp đời sống hiện đại.

* Cần có chủ trương thống nhất, đồng bộ

Có một thực tế là hầu như GV nào cũng công nhận tính tích cực của việc ứng dụng CNTT, nhưng để thực hiện được ứng dụng này vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn. Theo TS. Lê Kính Thắng (Trường ĐH Đồng Nai), để có thể tạo được môi trường sử dụng CNTT, các trường cần có mạng internet băng thông rộng đủ mạnh và hệ thống phòng học thông minh đa phương tiện. Kinh phí cho các phương tiện này rất lớn, vì thế các trường thường chọn giải pháp đầu tư dần theo từng dự án hoặc từng năm, dẫn đến tình trạng các trang thiết bị không đồng bộ, vừa thiếu vừa yếu, khó phát huy hết hiệu quả, công suất và khó bảo trì.

Một khó khăn khác mà nhiều GV ứng dụng CNTT thường vấp phải, đó là bản quyền của các phần mềm tiện ích. Th.S Tống Xuân Tám (Trường ĐH sư phạm TP. Hồ Chí Minh) cho biết, giá bản quyền các phần mềm ứng dụng hiện đại khá cao, như phần mềm Articulate Studio ứng dụng để xây dựng bài học trực tuyến (E-learning) có hiệu quả rất cao nhưng giá lên đến 1.200 USD nên không phải trường nào, bộ môn nào cũng có khả năng sở hữu. Vì thế, hiện nay hầu hết các GV chỉ dừng lại ở sử dụng phần mềm miễn phí hoặc dùng thử, do đó việc ứng dụng CNTT cũng phần nào bị hạn chế. Một vài GV thừa nhận, vì quá “máu mê” nên đã tìm cách bẻ khóa để tải phần mềm về “xài ké”, nhưng biện pháp này hoàn toàn không được đồng tình hay khuyến khích.

Nhìn chung, cho đến nay “bức tranh” về ứng dụng CNTT trong các trường ĐH tuy đã có những sắc màu riêng, nhưng còn rời rạc. GV chỉ mới ứng dụng ở dạng tự phát, các trường cũng chỉ vận động, khuyến khích chứ chưa có hẳn một chủ trương thống nhất và đồng bộ.

Hà Lam

                                                                                                         

 

 

Tin xem nhiều