Nhà báo viết bài bảo vệ lẽ phải, nhưng ai sẽ bảo vệ nhà báo khi bị xâm phạm trong quá trình hành nghề hợp pháp? Làm sao để phân định rạch ròi việc một nhà báo gặp “rủi ro tác nghiệp” với một nhà báo - công dân vi phạm pháp luật trong những trường hợp nhạy cảm khi nhà báo tham gia tác nghiệp điều tra?
Nhà báo viết bài bảo vệ lẽ phải, nhưng ai sẽ bảo vệ nhà báo khi bị xâm phạm trong quá trình hành nghề hợp pháp? Làm sao để phân định rạch ròi việc một nhà báo gặp “rủi ro tác nghiệp” với một nhà báo - công dân vi phạm pháp luật trong những trường hợp nhạy cảm khi nhà báo tham gia tác nghiệp điều tra?
Tất cả những vấn đề này đã được nhiều nhà báo, nhà quản lý, nhà thực thi pháp luật, các luật sư... bàn thảo tại buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo” do Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua.
* Bị xâm phạm ở nhiều mức độ
Thời gian qua, hàng loạt vụ hành hung, cản trở, đánh đập, xúc phạm...các nhà báo liên tục diễn ra với nhiều cấp độ, tại nhiều địa phương, như: Hưng Yên, Nghệ An, An Giang, Lạng Sơn…
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (trái) và nhà báo Hán Phi Long của Đài Tiếng nói Việt Nam đã bị đánh tại Hưng Yên ngày 24-4-2012 khi đang tác nghiệp. Ảnh: T.L |
Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn nói, ngay lúc này, vụ việc phóng viên Báo Người Lao Động bị hành hung ở Lạng Sơn vẫn chưa được xử lý thỏa đáng, khi chỉ mới một trong 10 người tham gia hành hung bị bắt. Ông Toàn cũng dẫn chứng nhiều vụ việc nhà báo bị hành hung diễn ra gần đây và cho biết có đến hơn 40 vụ hành hung nhà báo trong 5 năm gần đây. “Nhiều vụ việc trong xã hội có phức tạp, gây tranh cãi, nhưng ở góc độ hành nghề, nhà báo phải được tạo điều kiện, hỗ trợ và bảo vệ khi hành nghề chân chính” - ông Toàn nói.
Nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, những hành động xâm phạm nghiêm trọng đến nhà báo thời gian qua xuất phát từ một số cá nhân lo lắng quyền và lợi ích của mình bị ảnh hưởng khi những thông tin bất lợi cho họ được nhà báo công khai. Đôi khi còn xuất phát từ lợi ích nhóm và do đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực sự công tâm.
Nhà báo Mạnh Kỳ (Báo điện tử Vietnamnet) cũng cho rằng, ngoài việc bị hành hung, đánh đập thì việc cản trở tác nghiệp và không cung cấp thông tin cũng là xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo. Đồng quan điểm, nhà báo Trung Dung (Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, quy chế phát ngôn thiếu tính thực tiễn đã cản trở việc tiếp cận thông tin một cách hợp pháp của nhà báo và cần phải xem lại.
* Cần có quy chuẩn hành nghề
Ở góc độ nhà báo hành nghề như thế nào là “hợp pháp”, nhiều luật sư có mặt tại tọa đàm đều bày tỏ mong muốn có một bộ quy chuẩn hành nghề cho nhà báo. Theo tiến sĩ - luật sư Phan Trung Hoài - người đang bảo vệ cho nhà báo Hoàng Khương (Báo Tuổi Trẻ) thì quy chuẩn này sẽ rất có ích khi bảo vệ quyền lợi của nhà báo trong các vụ việc nhạy cảm. “Nó sẽ giúp phân định được hành động cụ thể của nhà báo, tức là đang tác nghiệp hay đang hành xử với tư cách một công dân” - luật sư Hoài nói. Theo đó, quy chuẩn này sẽ điều chỉnh hành vi của nhà báo cụ thể hơn mà Luật Báo chí chưa nêu rõ là nhà báo ghi âm, chụp hình, đóng vai… đến mức nào là phù hợp, nhất là khi tác nghiệp điều tra.
Cũng cùng chung đề nghị phải “chuẩn hóa quy trình tác nghiệp” của nhà báo, luật sư Nguyễn Minh Tâm phân tích, nhà báo ngoài việc chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí còn phải chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật khác, do đó việc phân định các hành vi tác nghiệp hợp pháp trong nhiều hoàn cảnh cụ thể là rất khó. Chính vì vậy, Hội Nhà báo nên đứng ra xây dựng Bộ quy chuẩn hành nghề cho nhà báo, dựa trên các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và thực tiễn hành nghề của nhà báo.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhà báo cần có ý thức tự bảo vệ mình, sâu xa hơn, phải hành nghề chân chính và tôn trọng sự thật, bất vụ lợi. Đây chính là “công cụ” bảo vệ mình tốt nhất khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn lúc hành nghề.
Kim Ngân