Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà báo và những trải nghiệm khó quên

10:06, 18/06/2012

Dù mới vào nghề hay gắn bó lâu năm, cuộc đời làm báo của mỗi phóng viên  thường  phải đối mặt với nhiều  tình huống khó quên. Đó chính là những kỷ niệm, những trải nghiệm làm cho nghề báo trở nên ý nghĩa hơn.

Dù mới vào nghề hay gắn bó lâu năm, cuộc đời làm báo của mỗi phóng viên  thường  phải đối mặt với nhiều  tình huống khó quên. Đó chính là những kỷ niệm, những trải nghiệm làm cho nghề báo trở nên ý nghĩa hơn.

* Nghề luôn có sự đối mặt

Hai nhà báo Thế Hiển - Hoàng Anh (Đài PT-TH Đồng Nai) vào nghề chưa lâu nhưng đã tạo được dấu ấn trong lòng bạn xem đài bằng giải A Giải báo chí quốc gia năm 2009 với loạt phóng sự về Trạm cân Dầu Giây.

Hình tác nghiệp của nhóm phóng viên thường trú tại Đồng Nai trong một vụ cháy xe khách ở TP.Biên Hòa.            Ảnh: T.Danh
Hình tác nghiệp của nhóm phóng viên thường trú tại Đồng Nai trong một vụ cháy xe khách ở TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Danh

Hoàng Anh kể, khi thực hiện loạt phóng sự, ê-kíp của chị không chỉ đụng quyền lợi của trạm cân mà cả Khu Quản lý đường bộ 7. Vì thế, việc ghi hình trở nên khó khăn và nguy hiểm. Trong một lần phục kích quay đêm, Thế Hiển núp trong rừng cao su quay cảnh xe né trạm ào ào chạy qua. Nhưng do mê ghi những hình ảnh đặc tả nên Hiển đã bị đối tượng phát hiện đòi “xử”. Cả nhóm vội lao lên xe phóng chạy. Bị rượt đuổi quyết liệt, Thế Hiển quyết định giấu băng hình vào sàn xe và giục tài xế chạy thật nhanh. Cả ê-kíp chạy đến một công ty ở ven đường để xin được trú nhờ. Sau mấy giờ căng thẳng, cả nhóm mới về đến cơ quan an toàn.

Nhà báo Đình Dũng, phụ trách Ban công tác bạn đọc (Báo Đồng Nai) là một nhà báo có những loạt bài chống tiêu cực. Những vấn đề anh đặt ra luôn gây được chú ý của dư luận. Mới đây nhất, loạt bài về công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do anh và đồng nghiệp thực hiện đã đoạt  giải nhất Giải ngòi viết vàng năm 2012 của Hội Nhà báo tỉnh. Anh cho biết, để bảo vệ cho những chứng cứ, lập luận của mình trong bài viết, phóng viên đã gặp nhiều nhà khoa học, rồi một mình lặn lội băng rừng, vượt suối hàng chục cây số, ngã lên ngã xuống để tìm chứng cứ minh họa cho những lập luận của mình. Với anh, kinh nghiệm đi làm báo là luôn lắng nghe, luôn phải tư duy, suy nghĩ và nhất là làm báo không sợ đụng chạm và không được lên tiếng quá muộn…

* Cuộc chạy đua và cạnh tranh thông tin

Cuộc cạnh tranh thông tin trong báo chí hiện nay rất khốc liệt. Với một tờ báo địa phương ra cách nhật như Báo Đồng Nai “sống” cùng “trận địa” với hàng chục tờ nhật báo có văn phòng thường trú. Để không bị bỏ sót thông tin, không để thông tin đến với bạn đọc chậm hơn các tờ báo khác thì phóng viên báo địa phương luôn phải lao động vất vả.

Phóng viên Trần Danh - người chuyên chạy tin nóng của Ban Pháp luật - đời sống (Báo Đồng Nai) vốn là một giáo viên. Anh đến với nghề báo tuy “tay ngang” nhưng đầy cơ duyên. Phụ trách lĩnh vực nội chính nên anh thường phải tiếp cận những sự kiện xảy ra đột xuất, bất ngờ và đầy nguy hiểm… Chuyến đi đêm gần đây nhất, đáng nhớ nhất là vụ cháy xe ô tô ở thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Lúc nhận được tin báo đã hơn 10 giờ đêm, khi đến nơi, anh bị chủ nhân của chiếc xe bị cháy gây khó khi bắt phải viết cam kết không đưa biển số xe lên báo. Sau khi có được thông tin, không thể chờ về đến nhà mới viết tin, anh ngồi ngoài sân của một ngôi nhà còn sáng đèn để viết  và chuyển tin về tòa soạn khi đã 12 giờ. Sáng hôm sau, bản tin nóng hổi có mặt kịp thời trên trang báo địa phương nên “dù làm việc vất vả nhưng cảm thấy rất… sướng” - anh cho biết.

Theo một cuộc điều tra đối tượng nhằm vào các phóng viên báo chí cho thấy: 68% phóng viên không ngủ đủ 8 tiếng một ngày, 60% số người không được nghỉ các ngày lễ...

 “Chấp nhận theo nghề báo cũng đồng nghĩa với việc đã sẵn sàng cho một cuộc đời vất vả. Dù ngoài kia bão hay nước dâng thì nhà báo vẫn không được bình yên trong chăn ấm, mà phải lập tức ra đường, bằng mọi giá để đem thông tin đến cho bạn đọc, bạn xem - nghe đài”- Thiên Vương, phóng viên thời sự của Đài PT-TH Đồng Nai tâm sự. Còn nữ nhà báo Trần Đình Tường Lam, một nữ phóng viên của Phòng Phát thanh (Đài TPTH Đồng Nai), từng đoạt khá nhiều giải thưởng thì chia sẻ: “Nghề báo chân chính là nghề không dễ kiếm ra tiền. Đây còn là một nghề đòi hỏi người làm nghề phải thật nhanh, nhạy, có tố chất tư duy, tổng hợp cao. Ngoài lòng yêu nghề và tinh thần học hỏi nghiêm túc, còn cần có một trình độ chuyên môn đủ sâu, đủ rộng, cùng nghiệp vụ vững vàng… mới có thể bám trụ được. Tuy nhiên, với tôi, nghề báo cũng là một nghề rất thú vị bởi được sống và trải nghiệm nhiều hơn với cộng đồng”.

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều