Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nhân khu nhà trọ tham gia phòng chống tội phạm

08:06, 08/06/2012

Sau 12 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có 26 khu nhà trọ không có ma túy và tệ nạn xã hội (TNXH). Hoạt động từ các khu nhà trọ đã giúp người công nhân trang bị được thêm kiến thức, tránh xa các TNXH…

Sau 12 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có 26 khu nhà trọ không có ma túy và tệ nạn xã hội (TNXH). Hoạt động từ các khu nhà trọ đã giúp người công nhân trang bị được thêm kiến thức, tránh xa các TNXH…

* Những cách làm hiệu quả

Phước Thiền là một trong hai xã của huyện Nhơn Trạch có mật độ dân số đông. Tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, tỷ lệ lao động nhập cư tương đối cao đã khiến cho dịch vụ kinh doanh nhà trọ phát triển mạnh. Hiện xã có 467 cơ sở với 4.458 phòng, trên 15 ngàn nhân khẩu thuộc diện tạm trú (công nhân chiếm 90%). Từ đây làm phát sinh nhiều loại tội phạm và TNXH, nhất là tình hình mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy.

Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Mạnh Trung thăm hỏi công nhân lao động ở khu nhà trọ tại xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch).    Ảnh: C.NGHĨA
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Mạnh Trung thăm hỏi công nhân lao động ở khu nhà trọ tại xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: C.NGHĨA

“Xã đã rà soát lại các khu nhà trọ có những biểu hiện phức tạp, tổ chức vận động và đến nay thành lập được 4 khu nhà trọ với 417 phòng và 953 công nhân”- ông Trần Hùng Cường, thành viên Ban chỉ đạo khu nhà trọ xã Phước Thiền cho hay. Sau khi thành lập, chủ nhà trọ và người thuê trọ được tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Luật Lao động, việc phòng chống các loại TNXH, sức khỏe sinh sản, ma túy, an toàn giao thông, HIV/AIDS đồng thời vận động chủ nhà trọ giúp đỡ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện tốt việc kê khai và thu tiền điện nước đúng giá cho công nhân nhà trọ…

Để tiếp tục phát huy vai trò của công nhân lao động trong công tác phòng chống tội phạm và TNXH khác, LĐLĐ tỉnh xác định từ nay đến năm 2015 sẽ đổi mới hình thức tuyên truyền giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân viên chức lao động đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; phối hợp với các ngành công an, văn hóa - thể thao và du lịch thống nhất xây dựng tiêu chí các khu nhà trọ công nhân lao động; chủ động nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, thu nhập, giải quyết có hiệu quả những vẫn đề bức xúc của người lao động trong các khu nhà trọ, vận động chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng trọ, điện, nước theo quy định của Nhà nước cho công nhân sinh hoạt tại các khu nhà trọ; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, chăm lo cải thiện đời sống vật chất - tinh thần cho người lao động…

Với 25.600 lao động, nhưng hiện tại Công ty Changshin (huyện Vĩnh Cửu) chưa có ký túc xá cho công nhân, đa số lao động nhập cư phải ở trọ tại các hộ dân xung quanh. Ban chỉ đạo khu nhà trọ của xã Thạnh Phú đã chia khu nhà trọ thành các tổ, mỗi tổ đều có tổ trưởng và tổ phó. Các buổi sinh hoạt thường được tổ chức vào ngày chủ nhật, trong đó lồng ghép nhiều nội dung khác nhau, vừa tuyên truyền pháp luật, vừa nói chuyện chuyên đề về tác hại của ma túy, giáo dục giới tính, tình yêu, hôn nhân, gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Để xây dựng được một khu nhà trọ không có ma túy và tệ nạn xã hội đã khó nhưng để duy trì hoạt động còn khó hơn nhiều. Bà Phan Thị Hiếu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động(LĐLĐ) huyện Nhơn Trạch chia sẻ, sau khi xây dựng được các khu nhà trọ, huyện đã  tăng cường tuyên truyền bằng cách cung cấp báo để công nhân lao động đọc thường xuyên; lắp đặt tivi để công nhân xem thời sự và giải trí…  Từ những việc làm này, nhận thức của công nhân, ý thức trách nhiệm của chủ nhà trọ được nâng lên, tích cực hơn trong phòng chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

* Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp thu hút số lượng lớn lao động nhập cư đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trình độ học vấn, tay nghề và nhận thức của một số công nhân còn thấp, công tác quản lý của các chính quyền địa phương, nhất là trong việc quản lý hành chính, như: đăng ký hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, vấn đề nhà ở, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động gặp không ít khó khăn…Từ đó dễ phát sinh các TNXH và ma túy ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.

Công nhân lao động sinh hoạt tại khu nhà trọ.       Ảnh: C.NGHĨA
Công nhân lao động sinh hoạt tại khu nhà trọ. Ảnh: C.NGHĨA

Chính vì thế, từ năm 1999, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng chương trình khu nhà trọ công nhân lao động không có ma túy và các TNXH khác, nhằm tập hợp công nhân lại và tuyên truyền, phổ biến các quy định có liên quan. Nhờ sự nỗ lực của các cấp Công đoàn, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh đã thành lập được 26 khu công nhân lao động không có ma túy và các TNXH khác.

Theo ông Huỳnh Tấn Kiệt, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nếu như trước năm 2006, các khu công nhân lao động chủ yếu được xây dựng và thành lập trong các doanh nghiệp thì sau này đã được các LĐLĐ huyện triển khai xây dựng tại các xã, phường, thị trấn với tên gọi “Khu nhà trọ công nhân lao động không có ma túy và các TNXH khác” phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt nhận định, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Để công tác này được đảm bảo, LĐLĐ sẽ cùng tham gia với các sở, ngành, đoàn thể chính trị chăm lo cho công nhân lao động, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp chăm lo tốt hơn cho người lao động.

Nga Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích