Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh (khóa IX) đề ra, chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh (giai đoạn 2011-2015) đã được chú trọng xây dựng hoàn chỉnh, cụ thể và triển khai thực hiện từ năm 2011.
Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh (khóa IX) đề ra, chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh (giai đoạn 2011-2015) đã được chú trọng xây dựng hoàn chỉnh, cụ thể và triển khai thực hiện từ năm 2011.
Từ 6 chương trình nhánh ban đầu (giai đoạn 2006-2011), chương trình đã được kiện toàn lại còn 4 chương trình nhánh, gồm: đào tạo lao động kỹ thuật (CT1), đào tạo sau đại học (CT2), đào tạo năng khiếu (CT3) và đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị (CT4).
* Một số kết quả ban đầu
Cho đến nay, CT1 (do Sở Khoa học - công nghệ chủ trì) là chương trình có tiến độ thực hiện nhanh nhất trong 4 chương trình. PGS.TS Phạm Văn Sáng cho biết, trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, CT1 đã phê duyệt danh sách 268 ứng viên tham gia đào tạo sau đại học, trong đó có 289 thạc sĩ và 12 tiến sĩ. Nếu so sánh với mục tiêu của chương trình tổng thể giai đoạn 2011-2015, số người đã cử đi học thạc sĩ vượt 38,9%, còn tiến sĩ thì đạt 50%.
Sinh viên trường nghề thực hành. Ảnh: T.THÚY |
Ở CT2 (do Sở Lao động - thương binh và xã hội chủ trì), theo ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở, từ năm 2011 đến nay chương trình đã có nhiều chuyển động tích cực. Để tăng cường chất lượng đào tạo nghề, đã có 25 lớp bồi dưỡng chuyên đề, như quản lý giáo dục, phương pháp sư phạm, phương pháp dạy nghề theo giáo án tích hợp… được tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên với 380 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, chương trình cũng đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho 2 đơn vị với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Hiện, có 3 nghề: cơ khí, công nghệ ô tô, điện đang được triển khai đào tạo thí điểm theo chương trình quốc tế tại Trường cao đẳng nghề Đồng Nai
Với CT3 (do Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì), toàn tỉnh đã cử đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, tin học, ngoại ngữ cho 9.107 lượt cán bộ, công chức cấp tỉnh, trong đó số lượt đào tạo về trình độ lý luận chính trị chiếm 27,1%. Ban chủ nhiệm chương trình hiện đang phối hợp với Viện Công nghệ châu Á để tổ chức đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành mà tỉnh hiện đang rất cần, như: quản lý đô thị, quản trị nguồn nhân lực, quản trị nhân sự, xây dựng, môi trường… Còn ở CT4 (do Sở Giáo dục - đào tạo chủ trì), các bộ môn thể thao, văn hóa - nghệ thuật, như: bóng đá, bơi lội, cầu lông, âm nhạc truyền thống… đều được duy trì đào tạo hàng năm. Chương trình cũng bước đầu phối hợp tổ chức được các lớp năng khiếu về thiết kế robot cho học sinh ở 5/11 địa phương trong tỉnh.
* Cần tăng tốc
Ông Nguyễn Đém, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, nếu đi sâu vào phân tích thì chương trình phát triển nguồn nhân lực vẫn bộc lộ một số nhược điểm đáng lo ngại. CT2 tuy đạt về số lượng và tiến độ, nhưng đang có dấu hiệu đào tạo lệch so với định hướng và nhu cầu của tỉnh. Trong số 289 thạc sĩ cử đi đào tạo, 65% là cán bộ thuộc ngành giáo dục - đào tạo và tập trung vào khối cán bộ quản lý. Số chỉ tiêu các ngành kinh tế, xã hội nhân văn vốn không thuộc nhóm ngành cần tập trung đào tạo nhưng chiếm đến 10%. Trong khi đó, 7 nhóm ngành rất cần tăng cường đào tạo, gồm: y tế, tư pháp, khoa học ứng dụng công nghệ cao, thông tin - truyền thông, vật liệu mới, chế biến nông sản, môi trường thì đối chiếu kết quả cho thấy tỉ lệ đào tạo lại khá khiêm tốn, chưa đảm bảo mục tiêu đề ra. “Gần 800 doanh nghiệp chưa có cán bộ y tế, đó là chưa kể đến các trường học, trạm y tế tuyến xã đang thiếu trầm trọng, vậy mà đào tạo của ngành y tế thì lại quá thấp. Rõ ràng có hiện tượng đào tạo theo nhu cầu người đi học chứ không phải đào tạo theo nhu cầu xã hội”, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương nhận xét.
Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Cần đánh giá lại đội ngũ cán bộ sau đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những vấn đề hết sức cấp bách, là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của địa phương, tiến lên, dừng lại hay thụt lùi, tụt hậu là phụ thuộc vào yếu tố này. Ban chỉ đạo chương trình cũng cần rà soát, bổ sung thêm các ngành nghề đào tạo mà địa phương còn thiếu, như nguồn nhân lực trong phát triển du lịch. Mặt khác, cần đánh giá lại đội ngũ cán bộ sau đào tạo như thế nào, chất lượng, hiệu quả sau khi đào tạo có tăng, tạo được chuyển biến hay không, nếu không, việc đào tạo sẽ là lãng phí. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí: Tăng cường xã hội hóa trong các chương trình đào tạo nguồn nhân lực. Chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực triển khai chậm vì nhiều nguyên nhân, như: phải đánh giá lại thực trạng chương trình, nhu cầu của nguồn nhân lực, một số chương trình chậm ban hành quy chế hoạt động… Sắp tới, Ban chỉ đạo chương trình sẽ rà soát, đánh giá lại chất lượng các chương trình nhánh để quy hoạch theo đúng định hướng, trong đó tập trung cho chương trình đào tạo sau đại học, đặc biệt là các ngành mũi nhọn mà tỉnh đã xác định là cần thiết. Chương trình cũng tăng cường liên kết để mở thêm nhiều lớp chính trị ở Đồng Nai, đẩy mạnh xã hội hóa các dự án đầu tư về y tế để thu hút nguồn bác sĩ từ các nơi khác về. |
Với chương trình đào tạo trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, chỉ tiêu tổng thể thì đảm bảo mục tiêu, nhưng tách riêng thì chỉ tiêu đào tạo cử nhân, cao cấp chính trị “chưa ổn”. Theo nhu cầu, từ năm 2011 đến năm 2015 toàn tỉnh phải có từ 1.400-2.000 cán bộ có trình độ cử nhân, cao cấp chính trị mới đáp ứng chuẩn, nhưng sau gần 2 năm thực hiện chỉ mới đạt khoảng 27,5%, do vậy áp lực hoàn thành mục tiêu trong hơn 3 năm còn lại là rất nặng nề bởi chỉ tiêu đào tạo cử nhân chính trị được phân bổ cho tỉnh ngày càng giảm. Bên cạnh đó, việc triển khai đào tạo phiên dịch đến nay hầu như chưa thực hiện được.
Riêng với CT1, thời gian gần đây tốc độ phát triển rất chậm. Trong năm 2011, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ tăng 0,91% trong khi yêu cầu phải đạt ít nhất là tăng 1,47%/năm, tỷ lệ tuyển sinh các lớp nghề thì lại thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đến 14,8%. Mặt khác, đào tạo lao động kỹ thuật hiện nay vẫn chủ yếu nhắm đến mảng công nghiệp, chưa chú trọng đến đào tạo lao động kỹ thuật nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Riêng CT3, đồng chí Lê Hồng Phương cho rằng cần phải định hướng lại các môn năng khiếu cho phù hợp.
Hà Lam