Báo Đồng Nai điện tử
En

Chia sẻ việc nhà: Trách nhiệm và yêu thương

08:06, 28/06/2012

Thời nay, không ít phụ nữ giữ trọng trách lớn với áp lực và sự bận rộn không kém đàn ông… cho nên việc chia sẻ việc nhà, chia sẻ những quyết định liên quan đến gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với phụ nữ.

Thời nay, không ít phụ nữ giữ trọng trách lớn với áp lực và sự bận rộn không kém đàn ông… cho nên việc chia sẻ việc nhà, chia sẻ những quyết định liên quan đến gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với phụ nữ.

* Chia sẻ để được yêu thương

Anh Huỳnh Văn Phong, kỹ sư của một công ty sản xuất giấy ở Biên Hòa được đồng nghiệp cũng như bạn bè của vợ gọi là người đàn ông đảm đang, bởi khả năng quán xuyến mọi việc từ nhà cửa đến con cái. Buổi sáng, chị thanh thản đi làm, còn anh, tiện đường nên đưa hai con đến trường. Chiều tan sở, chị về thẳng nhà dọn dẹp, anh ghé đón con và đi chợ. Có hôm hai vợ chồng đi chợ cùng nhau, nhưng anh cũng vẫn là người chủ động. Nhìn cách anh chọn miếng thịt, con cá, mớ rau đủ biết anh thạo việc đến thế nào. Chị Loan, vợ anh, tâm sự: “Mình không biết xoay xở thế nào nếu không có anh ấy. Vốn sớm mồ côi mẹ, từ nhỏ đã phải tự lập nên giờ cũng quen việc. Anh làm việc nhà một cách tự nguyện. Nhờ vậy, mà mình mới có thời gian nghỉ ngơi, chơi với con, dạy con học…”.

Cùng chia sẻ việc nội trợ.
Cùng chia sẻ việc nội trợ.

Còn bác sĩ Ngô Đức Lễ, cũng là một người đàn ông quán xuyến. Để không quá áp lực cho vợ sau một ngày làm việc căng thẳng ở bệnh viện, anh xắn tay cùng vợ lo mọi việc nhà, con cái để sau bữa ăn, cả hai đều có thời gian rảnh để vui chơi, trò chuyện với con, thăm hỏi người thân. Anh chia sẻ: “Thời nay, vợ chồng không còn “ai là số một” nữa, mà ai cũng có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, con cái. Sự đóng góp của cả hai vợ chồng vào kinh tế gia đình, vào việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm của mình đều cần thiết và quan trọng như nhau”.

Bà Phạm Thị Hòa, một chuyên gia tư vấn chia sẻ: “Trong cuộc sống hiện đại, với suy nghĩ hiện đại, quan điểm phụ nữ chỉ lo chuyện nội trợ trong gia đình, đàn ông gánh vác việc xã hội và là trụ cột kinh tế của gia đình đã thay đổi nhiều. Bây giờ, phụ nữ cũng tích cực tham gia công tác xã hội và trong số đó, có không ít người đã trở thành trụ cột kinh tế chính của gia đình. Ngoài trách nhiệm với gia đình, họ còn có nhu cầu thăng tiến trong nghề nghiệp nên thời gian họ dành để học tập, trau dồi và bổ sung kiến thức, chiếm một thời lượng không nhỏ. Vì thế có người chồng thông cảm, biết chia sẻ công việc nhà với mình, người phụ nữ sẽ cảm thấy an tâm hơn trong công việc cũng như cuộc sống”.

* Bình đẳng để giữ gìn hạnh phúc

Luật Bình đẳng giới nêu rõ: “Bình đẳng là để hạnh phúc, chứ không phải là đấu tranh ai thắng ai thua. Công cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ, thực chất là nhằm mang lại cuộc sống hạnh phúc cho cả hai giới. Trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người, đặc biệt là quan hệ vợ chồng thì sự bình đẳng bao giờ cũng là tiền đề để tạo nên hạnh phúc”.

Tuy nhiên, để làm được việc này, theo bà Đặng Lan Hương, một giáo viên về hưu thì: “Điều quan trọng là chính phụ nữ phải tập cho con cái trong gia đình ý thức tôn trọng phụ nữ và bình đẳng giới từ rất nhỏ, chủ động chia sẻ phân công công việc trong gia đình, dành thời gian còn lại để cả nhà cùng vui chơi, chứ không phải  sau giờ làm việc, mẹ lúc nào cũng cặm cụi trong bếp, dọn dẹp nhà cửa, còn cha và con cái thì lại thảnh thơi ngồi xem tivi hoặc đi chơi với bạn bè. Sự chia sẻ ấy, giúp đỡ lẫn nhau ấy của vợ, chồng, con cái trong gia đình sẽ cùng tạo điều kiện cho nhau trong học tập, nâng cao trình độ, công tác, trong quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè...”.

Bình đẳng trong gia đình là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để bình đẳng trong gia đình đạt mức lý tưởng thì mỗi thành viên trong gia đình cần biết sống vì nhau, sống trách nhiệm và yêu thương với nhau. Và điều này,  phụ thuộc rất nhiều vào sự nhận thức của mỗi người ở cả hai giới và mọi lứa tuổi.

Phương Liễu

 

 

x

Tin xem nhiều