Hàng năm, mỗi khi bước vào mùa mưa là người dân ở xã vùng sâu Đắk Lua (huyện Tân Phú) lại nơm nớp lo âu về chuyện đi lại. Bởi, để có thể về đến trung tâm huyện Tân Phú, người dân nơi đây phải vượt qua sông Đồng Nai và đi qua các huyện Cát Tiên, Đạ Oai, Đạ Tẻl của tỉnh Lâm Đồng với quãng đường gần 70km.
Hàng năm, mỗi khi bước vào mùa mưa là người dân ở xã vùng sâu Đắk Lua (huyện Tân Phú) lại nơm nớp lo âu về chuyện đi lại. Bởi, để có thể về đến trung tâm huyện Tân Phú, người dân nơi đây phải vượt qua sông Đồng Nai và đi qua các huyện Cát Tiên, Đạ Oai, Đạ Tẻl của tỉnh Lâm Đồng với quãng đường gần 70km.
Ở một nơi gần như biệt lập, hàng chục năm qua, người dân Đắk Lua buộc phải phụ thuộc vào các bến đò, cầu phao và một chiếc phà kéo dây. Điều đáng nói là các phương tiện tự chế này hầu hết đã xuống cấp, không an toàn.
Người dân khó khăn khi đi qua cầu phao. |
Nơm nớp lo
Gia đình bà Đỗ Thị Xuân, ở ấp 7, xã Đắk Lua đã làm một chiếc cầu phao bắc qua sông Đồng Nai giáp với xã Phú Mỹ (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) để cho người dân trong vùng qua lại và thu phí. Nhìn chiếc cầu phao khiến người đi không khỏi rùng mình khi nó được làm bằng những dụng cụ hết sức đơn giản, như: thùng phuy, tre, nứa và vài sợi dây cáp kết lại. Mỗi khi có người và phương tiện đi qua thì cầu đung đưa, chao đảo.
Ở ấp 2, gia đình bà Lê Thị Oanh cũng làm một chiếc cầu phao tương tự nối qua xã Đồng Nai (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Dù là cầu tự phát và đã có người thiệt mạng khi qua những chiếc cầu phao này, tuy nhiên nhiều năm qua chúng vẫn tồn tại và trở thành phương tiện đi lại chính của người dân Đắk Lua.
Ông Lê Viết Hải, một người dân ở ấp 5A, xã Đắk Lua cho biết: “Hàng ngày, người dân chúng tôi đi qua đây rất đông, trong khi đi cũng rất sợ bởi nó không được đảm bảo an toàn cho lắm. Ở đây, năm nào cũng đều có xảy ra tai nạn và có người chết, nhất là về mùa mưa. Biết vậy nhưng bây giờ không có cái cầu phao này thì mình cũng không đi được”.
Chiếc cầu phao này có nhiều người qua lại mỗi ngày để sinh hoạt, giao thương, buôn bán… Nguy hiểm thì ai cũng biết nhưng người dân nơi đây vẫn phải chấp nhận. Bà Nguyễn Thị Nga, một người dân ở tỉnh Bình Phước thường hay đi qua chiếc cầu này nói: “Tôi không phải là dân ở đây nhưng cũng thường xuyên đi làm ăn ở khu vực này. Mỗi lần đi qua sông, thấy nước lớn như thế này thì tôi rất sợ, nhưng không có đường nào khác”.
Những chiếc cầu phao ở Đắk Lua hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Những thanh tre, ván gỗ dùng để lót mặt cầu đã bị mục, dập. Đáng sợ hơn, các sợi dây dùng để cố định toàn bộ hệ thống cầu có nhiều đoạn xác xơ muốn đứt, nguy hiểm luôn rình rập.
Cần có cây cầu mới
Các bến đò, cầu phao tại xã Đắk Lua từng bị cơ quan chức năng kiểm tra và lập biên bản đình chỉ hoạt động, vì các loại phương tiện này không đảm bảo an toàn khi vận chuyển khách sang sông. Tuy nhiên, mọi chuyện đâu rồi lại vào đấy, nguy cơ mất an toàn vẫn còn tồn tại. Chính quyền địa phương cũng không thể giải quyết dứt điểm được vấn đề này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Huy Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Đắk Lua cho biết: “Đối với một địa bàn như Đắk Lua, xung quanh bao bọc bởi con sông Đồng Nai, vì vậy trên địa bàn xã vẫn đang tồn tại 3 bến đò và 2 cầu phao. Xã đã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy của tỉnh, Công an huyện Tân Phú đi kiểm tra toàn bộ hệ thống an toàn đối với các cầu phao và các bến đò này. Cơ quan chức năng đã quyết định đình chỉ hoạt động của 2 bến đò và phà do không đảm bảo an toàn. Mặc dù đã đình chỉ nhưng vẫn cứ hoạt động mà xã không có giải pháp gì bởi vì đây là đường đi duy nhất bà con nhân dân Đắk Lua đi lại”.
Điều này cũng dễ hiểu bởi ở Đắk Lua nếu không có hệ thống cầu, phà tự phát của tư nhân phục vụ cho người dân đi lại, học tập, giao lưu với bên ngoài thì mọi hoạt động ở vùng đất này sẽ cực kỳ khó khăn. Hầu hết sinh hoạt, chữa bệnh, buôn bán, giao thương... của người dân Đắk Lua đều gắn liền với huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng). Do vậy, vẫn biết là nguy hiểm, song người dân vẫn đi lại vì không còn cách nào khác. Chừng nào xã Đắk Lua có một cây cầu bê tông thì nơi đây mới hết cảnh cầu phao và người dân mới an toàn khi qua sông.
Bá Lợi