Báo Đồng Nai điện tử
En

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012: Cao điểm… học thi

11:05, 25/05/2012

Trong những ngày này, không khí học tập của học sinh khối 12 tại các trường THPT trong tỉnh diễn ra khá tập trung. Các giáo viên và học sinh đang tăng tốc ôn tập kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.

Trong những ngày này, không khí học tập của học sinh khối 12 tại các trường THPT trong tỉnh diễn ra khá tập trung. Các giáo viên và học sinh đang tăng tốc ôn tập kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.

* Học sinh căng thẳng…

Trong khi học sinh các khối học khác vui mừng đón chào mùa hè sắp đến thì tại lớp 12A1 Trường THPT Chu Văn An (TP.Biên Hòa), giờ học môn Hóa của thầy giáo Võ Ngọc Hiệp có không khí  khá căng thẳng. Thầy Hiệp lần lượt phát cho học trò những đề thi trắc nghiệm môn Hóa học cho học trò làm bài. Sau đó, thầy Hiệp ghi kết quả lên bảng, học sinh nào làm sai thì được thầy giảng lại. “Đó là những đề thi trắc nghiệm Hóa học chúng tôi sưu tầm từ các Sở GD-ĐT, các trường THPT và tự biên soạn. Cứ hai tiết tôi phát một đề thi môn Hóa cho các em làm bài. Với những kiến thức đã được trang bị, các em có thể thi tốt. Nhưng tôi chỉ lo đề thi ra khó quá khiến các em làm không được!” - thầy Hiệp lo lắng.

Cô Nguyễn Thị Trang - Trường THPT Võ Trường Toản (huyện Cẩm Mỹ) đang truy bài học sinh.
Cô Nguyễn Thị Trang - Trường THPT Võ Trường Toản (huyện Cẩm Mỹ) đang truy bài học sinh.

Dù đã gần 12 giờ trưa nhưng thầy cô giáo cùng học trò Trường THPT Võ Trường Toản (huyện Cẩm Mỹ) vẫn còn ngồi quây quần bên nhau trong giờ truy bài. Học sinh được bố trí ngồi theo từng cụm nhỏ từ 5-7 em. Cô Nguyễn Thị Trang cho biết, mặc dù cô dạy môn Hóa học nhưng được giao nhiệm vụ truy bài môn Văn. Học sinh Nguyễn Công Thuận cho biết: “Kỳ thi năm nay em sợ nhất là các môn phải học thuộc bài. Các môn này em học hoài nhưng khó thuộc hết”. Còn cô Trang thì nói: “Các em trả bài theo đề cương, khi nào thuộc mới cho về!”.

Tại Trường THPT Nguyễn Huệ (TX.Long Khánh), em Nguyễn Bá Đạt (học sinh lớp 12A3) nói: “Em thấy 6 môn thi đòi hỏi kiến thức quá nhiều. Chúng em học từ sáng đến chiều rất mệt mà không biết đề thi ra như thế nào. Em cứ sợ nếu ra khó quá thì không làm được”.

* Tăng tiết, truy bài gắt gao…

Đối với các trường trọng điểm tại các huyện, TX. Long Khánh và TP.Biên Hòa, như: Long Khánh, Long Thành, Xuân Lộc, Ngô Quyền, Trấn Biên… không khí  ôn tập không căng thẳng, gắt gao như ở những trường THPT khác, bởi kiến thức của học sinh khá ổn định. Mặt khác, hầu như những giáo viên giàu kinh nghiệm nhất đều được bố trí kèm cặp học sinh khối 12 ngay từ đầu năm học. Tình trạng học sinh học và ôn hai buổi hầu như không đáng kể. Các trường động viên học sinh tăng cường việc tự học ôn tập.

Bám sát chương trình đã học

Bà Huỳnh Lệ Giang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Năm nay, các trường THPT có 6 môn thi, trong đó, có 4 môn (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán) thi tự luận, còn 2 môn (Hóa học, Tiếng Anh) thi trắc nghiệm. Các đơn vị giáo dục thường xuyên có 6 môn thi là: Ngữ văn, Hóa học, Địa lý, Lịch sử, Toán, Vật lý; trong đó 4 môn (Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Toán) thi tự luận, còn lại 2 môn (Hóa học, Vật lý) thi trắc nghiệm.

Với những trường ngoài công lập, mặt bằng kiến thức của học sinh còn thấp nên hầu hết các trường đều rất quan tâm cho chất lượng kỳ thi của học sinh. Thầy Đoàn Khắc Lúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ băn khoăn: “Khó khăn lớn nhất của các trường ngoài công lập là khả năng nhạy bén của học sinh không cao như học sinh công lập”. Vì vậy, theo thầy Lúc, biện pháp mạnh của nhà trường là huy động những giáo viên giàu kinh nghiệm nhất trong từng bộ môn bố trí đảm nhận giảng dạy, ôn tập cho từng môn thi tốt nghiệp năm nay.

Tại Trường THPT Chu Văn An, thầy Lê Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong 16 tuần qua nhà trường đã chủ động tăng tiết học cho học sinh khối 12. Học sinh được bố trí vào học buổi sáng, buổi chiều tiếp tục học tăng tiết. Ngoài việc ôn thi, nhà trường còn thực hiện hình thức truy bài - một trong những “chiêu” mà xưa nay các trường ngoài công lập áp dụng đạt kết quả cao. Trường bố trí đến 8 tiết truy bài cho những học sinh chưa học thuộc các chủ đề ôn tập hai môn Địa lý, Lịch sử. “Chúng tôi cho truy bài vào các buổi sáng thứ sáu, thứ bảy, mỗi lớp truy bài bố trí từ 12-15 học sinh để có thể đạt được hiệu quả cao nhất” - thầy Hải cho biết.

* Không bắt học thuộc lòng…

“Năm nay thi môn Văn, thêm Lịch sử, Địa lý là những môn cần học thuộc bài nhiều nên học sinh tỏ ra rất ngán học. Gần hai tháng nay, trường chọn lọc ra hai lớp gồm những học sinh yếu và liên tục cho giáo viên truy bài các em. Sáng chúng tôi dạy đúng chương trình, chiều là ôn tập cho những học sinh yếu. Các tổ chuyên môn soạn đề cương ôn tập bám sát chương trình kiến thức khung của Bộ GD-ĐT giao. May ra với cách học ôn như thế này thì các em mới nắm được nhiều kiến thức cho kỳ thi được” - thầy Nguyễn Đức Thẩm, Hiệu phó Trường THPT Võ Trường Toản cho biết.

Đừng tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh

Phó hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên Trần Minh Tâm nhận định: việc chuẩn bị tâm lý cho học sinh là cực kỳ quan trọng. Hiện một số trường nhồi nhét kiến thức cho các em quá khiến các em căng thẳng. Thầy cô đừng tạo tâm lý căng thẳng, làm cho học sinh thấy sợ học, sợ thi. Các em học bình thường, đầy đủ kiến thức theo quy định thôi cũng có thể vượt qua kỳ thi này. Cần tạo cho học sinh sự thoải mái tâm lý, tránh được những ức chế căng thẳng thì chắc chắn các em vào ngồi làm thi sẽ đạt kết quả cao.

 

Trong khi đó, thầy Trần Minh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Biên, cho hay: “Trường vẫn cho các em học một buổi và bố trí giáo viên giàu kinh nghiệm, truyền “lửa” cho các em sự ham thích học tập, kích thích khả năng tự học của các em. Những môn tự luận không bắt học sinh học thuộc vì nếu đi thi ra không trúng phần học thuộc thì các em làm bài không tốt. Vấn đề là giáo viên phải hệ thống kiến thức, kết nối kiến thức đã học cho các em nhớ lâu hơn, nên khả năng làm được bài thi sẽ tốt hơn”.

Theo cô Đinh Thị Phương Mai, đảm nhận bộ môn Lịch sử tại Trường THPT Trấn Biên, trong môn Lịch sử, dù là môn học thuộc bài nhưng có nhiều phần kiến thức cô không bắt học sinh học thuộc lòng. “Quan trọng nhất là giáo viên dạy cho học sinh hiểu tại lớp, nhớ bài tại lớp với những nội dung chính của từng phần kiến thức. Học sinh cần tự tin vào kiến thức thầy cô đã truyền đạt, biến thành kiến thức của mình để bước vào thi đạt kết quả cao” - cô Mai nhận định.

Trương Hiệu

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều