Chăm lo cho đời sống đội ngũ công nhân là vấn đề của cả xã hội, mang tầm vĩ mô, không chỉ riêng một cấp ngành nào có thể giải quyết được, cũng không phải ngày một ngày hai là giải quyết xong. Đã đến lúc cần nhận ra trách nhiệm và có sự quan tâm từ nhiều phía trong việc chăm lo nâng cao đời sống của công nhân lao động hiện nay.
Chăm lo cho đời sống đội ngũ công nhân là vấn đề của cả xã hội, mang tầm vĩ mô, không chỉ riêng một cấp ngành nào có thể giải quyết được, cũng không phải ngày một ngày hai là giải quyết xong. Đã đến lúc cần nhận ra trách nhiệm và có sự quan tâm từ nhiều phía trong việc chăm lo nâng cao đời sống của công nhân lao động hiện nay.
* Đá “trái bóng” trách nhiệm
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động cần một nguồn công nhân lao động lớn đến từ nhiều địa phương khác, thì nhu cầu nhà ở và nhà trẻ là một phát sinh thực tế. Công nhân mong muốn có nhà để ở ổn định, có trường trông giữ con em học hành. Nhưng theo ông Thái Doãn Hòa, Phó phòng Quản lý nhà ở (Sở Xây dựng), một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu xây dựng nhà ở cho công nhân, do vướng nhiều yếu tố, như: thủ tục liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, chính sách ưu đãi cụ thể về tài chính, phương thức quản lý duy trì phát triển mô hình hoạt động của khu nhà ở công nhân.
Công nhân lao động đang rất cần chính sách hỗ trợ từ nhiều phía. Trong ảnh: Đại diện Đoàn khối Dân chính Đảng tặng quà cho công nhân huyện Nhơn Trạch nhân dịp Tết Nguyên đán 2012. |
Trong thực tế, đã có không ít doanh nghiệp ngay từ lúc hình thành hoạt động đã không dám nghĩ đến việc xây dựng mô hình nhà ở, trường học, bệnh viện, khu dịch vụ phục vụ cho đời sống công nhân. Bởi, cái lý đơn giản của doanh nghiệp là hướng đến hoạt động kinh doanh, còn chức năng xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện… là việc của các cấp, các ngành khác. Từ đây, “trái bóng” trách nhiệm chăm lo nơi ở và học hành cho con em công nhân được các doanh nghiệp phó thác cho phía các cấp, ngành quản lý nhà nước.[links(right)]
Thực tế cũng không hẳn các doanh nghiệp không quan tâm đến đời sống cũng như nhu cầu nuôi giữ trẻ cho con em công nhân. Bởi, khi thực hiện được những việc này chính doanh nghiệp giữ chân được công nhân, ràng buộc công nhân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đây cũng là đích đến của doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thấy rằng nếu việc xây dựng trường học trong môi trường làm việc khu công nghiệp không đảm bảo an toàn và môi trường sinh hoạt cho trẻ thì trách nhiệm càng nặng nề hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải tính toán, cân nhắc thiệt hơn.
* Lúng túng tìm giải pháp
Bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Một trong những vướng mắc lớn hiện nay là Nghị định 29 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế có quy định không cho phép xây dựng trường học trong khu công nghiệp nhằm đảm bảo sức khỏe cho con em. Thời gian gần đây, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và một số doanh nghiệp đặt vấn đề với ngành giáo dục xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân nhưng thật sự chưa tìm được hướng tháo gỡ”.
Ông Thái Doãn Hòa nêu: “Khó khăn nhất hiện nay là quỹ đất. Một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khi có nhu cầu xây dựng nhà ở cho công nhân thì chưa có sẵn quỹ đất sạch đã có hạ tầng hoàn chỉnh để giới thiệu cho các doanh nghiệp. Hoặc có giới thiệu quỹ đất nhưng các doanh nghiệp lại thấy… không thuận tiện về vị trị, địa điểm”.
UBND tỉnh đã phê duyệt thỏa thuận địa điểm 37 dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp với tổng diện tích đất là 313,30 hécta. Dự án thí điểm xây dựng 500 căn nhà ở xã hội (theo Nghị quyết của HĐND) tại TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch, bố trí khoảng 1 ngàn người. Đó là những nỗ lực của các cấp, các ngành quan tâm chăm lo đến đời sống lao động, nơi ăn chốn ở của công nhân. |
Bà Phạm Thị Hải cũng cho biết, một trong những hướng tháo gỡ là dùng quỹ đất cây xanh trong khu công nghiệp để xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân, nhưng liệu cách làm này có đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ em hay không. Trong khi đó, nếu tìm quỹ đất bên ngoài khu công nghiệp lại càng khó hơn nhiều. Đặc biệt trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện nay, để tìm được quỹ đất và thực hiện công tác đền bù giải tỏa không hề đơn giản. Một trong những phương án khác là tìm khu vực doanh nghiệp không tác hại đến môi trường để xây dựng nhà trẻ trong đó, hoặc có thể tìm cách thuê mướn khu vực bên ngoài doanh nghiệp.
Hiện nay, các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đều có những dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân gắn kết với các công trình dịch vụ. Thực tế sự quan tâm chăm lo của các cấp, các ngành vẫn chưa thể đảm bảo được hết những nhu cầu bức thiết đang đặt ra của đời sống công nhân lao động hiện nay. Trong đó, giải quyết những bức xúc lớn của nhu cầu chỗ ở và nhà trường cho con em công nhân trong các khu công nghiệp đang đòi hỏi một chính sách lớn, toàn diện từ Chính phủ đến địa phương, và đòi hỏi cả trách nhiệm của phía doanh nghiệp.
* Cần ràng buộc trách nhiệm ngay từ đầu
Ông Phạm Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, cho biết hiện tại TP. Biên Hòa mới chỉ vận động được Công ty Pouchen xây dựng trường mầm non với quy mô thu nhận được khoảng 500 cháu. “Để làm tốt công tác kiểm tra, quản lý cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân. UBND thành phố sẽ rà soát lại quỹ đất, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ, trang thiết bị tại các khu vực tập trung đông dân cư góp phần giảm bớt nhu cầu hiện nay” - ông Dũng nhìn nhận.
Công nhân trong giờ làm việc. Ảnh: N.TUYẾT |
Theo ông Thái Doãn Hòa, một trong những giải pháp bao trùm là tập trung tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền địa phương về đất đai, tài chính, tín dụng, công tác quản lý, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án.
Bà Nguyễn Thị Bằng, Phó chủ tịch UBND phường An Bình (TP.Biên Hòa) kiến nghị: “Cần thiết ngay từ khi phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư của các khu công nghiệp phải tính trước việc thu hút nguồn lực công nhân lao động từ đâu, bố trí việc ăn ở và sinh hoạt của họ ra sao, phải ràng buộc doanh nghiệp giải quyết thấu đáo vấn đề xây dựng nhà ở, trường giữ trẻ cho con em công nhân. Có như thế, đội ngũ công nhân mới vơi bớt nhọc nhằn, an tâm sản xuất, đời sống xã hội được ổn định và phát triển.”
Ông Thái Doãn Hòa cho biết thêm: “Việc quy hoạch các khu nhà ở cho công nhân trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải được xác định cụ thể vị trí. Đồng thời buộc các chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện việc gia quỹ đất đã có hạ tầng cho địa phương để xây dựng nhà ở cho công nhân. Đối với người thu nhập thấp mua nhà ở, đề nghị sớm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để giải quyết cho các đối tượng này được vay vốn để mua nhà ở...”.
Trương Hiệu - Nguyễn Tuyết