Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Còn nhiều nỗi lo...

10:05, 21/05/2012

Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong việc mở ra hàng loạt các khu công nghiệp và thu hút nhiều lao động tỉnh, thành khác đến làm việc. Tuy nhiên, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ gửi con em của công nhân lại chưa được giải quyết một cách hiệu quả.

Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong việc mở ra hàng loạt các khu công nghiệp và thu hút nhiều lao động tỉnh, thành khác đến làm việc. Tuy nhiên, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ gửi con em của công nhân lại chưa được giải quyết một cách hiệu quả.

TỪ Ở NHÀ THUÊ...

[links(left)]Nhu cầu về nhà ở, trường nuôi giữ trẻ cho con em đội ngũ công nhân lao động đang ngày càng trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 31 khu công nghiệp tập trung và hàng chục cụm công nghiệp đang hoạt động. Theo số liệu từ Liên đoàn Lao động tỉnh, tính đến tháng 5-2011, tổng số công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 407 ngàn người, trong đó lao động người Việt Nam là 401 ngàn người cùng trên 5 ngàn lao động người nước ngoài. Đáng chú ý là lao động nhập cư chiếm một lượng rất lớn với khoảng 240 ngàn người (chiếm 60% trên tổng số lao động).

Dãy nhà trọ công nhân ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa.   Ảnh: N.TUYếT
Dãy nhà trọ công nhân ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: N.TUYếT

Ước tính số công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu thuê nhà ở là trên 280 ngàn người, chiếm khoảng 70% số lượng công nhân. Trong khi đó, nhà ở cho công nhân lao động, nhất là lao động nhập cư vẫn là yêu cầu bức thiết, là mối quan tâm hàng đầu của người lao động và tổ chức Công đoàn. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các cấp Công đoàn trong tỉnh và Sở Xây dựng thì hiện tại có trên 180 ngàn công nhân lao động đang ở nhà thuê. Trong đó, có gần 150 ngàn công nhân thuê nhà trong những khu nhà trọ do các hộ dân trên địa bàn xây dựng. Khảo sát thực tế cho thấy hầu hết chỗ thuê trọ của công nhân đều chật hẹp, nhếch nhác.

Chưa đáp ứng nhu cầu chỗ học cho trẻ em

Bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh nhìn nhận: hiện số lượng con em của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp rất lớn. Trường lớp mầm non, nhà trẻ công lập chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con em của công nhân. Vì vậy hiện nay phần lớn công nhân gửi trẻ cho các nhóm trẻ gia đình. Mô hình của Tập đoàn Phong Thái hiện nay đã đi đầu trong việc dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà trẻ cho con em công nhân trong khu công nghiệp. Mô hình này trở thành điểm sáng hiện nay cho các doanh nghiệp khác trong các khu công nghiệp cần tham khảo.

Ông Thái Doãn Hòa, Phó phòng Quản lý nhà ở thuộc Sở Xây dựng nhìn nhận: “Thời gian qua, nhà ở cho công nhân lao động phần lớn là do các hộ dân xây dựng rồi cho công nhân thuê. Số lượng nhà trọ xây dựng trên đất nông - lâm nghiệp và đất thuộc diện giải tỏa chiếm trên 35%. Phần lớn các hộ không được cấp phép xây dựng, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật hầu hết ít được quan tâm. Vì vậy nhà ở chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu. Dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ cho công nhân tại các khu nhà trọ còn thiếu và chất lượng thấp”.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong năm 2011, có khoảng từ 3-5 ngàn công nhân có nhu cầu mua nhà ở giá thấp, nhưng đối tượng này chủ yếu là nhân viên văn phòng các doanh nghiệp và một số người lao động đã làm việc lâu năm, có tích lũy. Dự báo nhu cầu thuê và mua nhà ở của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 180 ngàn người. Trong khi đó, số lượng công nhân đã làm việc lâu năm tại các khu công nghiệp nhưng tích lũy được tiền đủ để có nhu cầu đăng ký mua nhà ở thu nhập thấp, hoặc mua nhà trong khu dân cư để sinh sống thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

...ĐẾN THIẾU CHỖ GỬI TRẺ

Phường Long Bình (TP. Biên Hòa) có địa bàn rộng, dân số đông trên 84 ngàn dân, trong đó trên 50% là công nhân lao động nhập cư đến từ nhiều tỉnh khác nhau, phải ở trọ. Số lượng trẻ em công nhân rất nhiều, nhu cầu gửi trẻ lớn. Toàn phường có khoảng 83 nhóm trẻ, nhưng qua đợt kiểm tra vừa qua có 4 nhóm phải ngưng hoạt động, 2 nhóm không đủ điều kiện cấp giấy phép, còn lại 77 nhóm trẻ dân lập. Trong 77 nhóm thì có 25 nhóm trẻ chưa cấp phép và phải ký cam kết thực hiện.

Con công nhân được gửi tại nhóm trẻ gia đình ở phường Trảng Dài.  Ảnh: N.TUYếT
Con công nhân được gửi tại nhóm trẻ gia đình ở phường Trảng Dài. Ảnh: N.TUYếT

Bà Vũ Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch UBND phường Long Bình băn khoăn: “Hiện tại, nhu cầu gửi trẻ quá lớn. Nếu dẹp bỏ những nhóm trẻ này thì dễ nhưng sau khi dẹp đi rồi thì những đứa trẻ này sẽ đi đâu, về đâu? Chẳng lẽ, cha mẹ là công nhân lao động lại phải nghỉ việc ở nhà trông con?”.

18 dự án nhà ở công nhân hoàn thành

Theo ông Thái Doãn Hòa, Phó phòng Quản lý nhà ở thuộc Sở Xây dựng, trước nhu cầu bức xúc về nhà ở của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh, thời gian qua tỉnh đã rất quan tâm, chỉ đạo các ngành, các cấp chăm lo nhà ở cho công nhân. Đến nay trên toàn tỉnh đã có 72 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong đó đã có 18 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng có khả năng bố trí 20 ngàn công nhân. Còn lại 54 dự án đa số là mới đăng ký và mới giới thiệu địa điểm, hoặc đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, hoàn chỉnh hạ tầng. Tuy nhiên, số lượng nhà ở vẫn chưa đáp ứng cho nhu cầu của công nhân.

Tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), bà Nguyễn Thị Luyên, chuyên viên khối văn hóa - xã hội phường cho biết,  Trảng Dài là phường tập trung khá đông dân nhập cư từ các tỉnh đến làm việc và sinh sống, nên nhu cầu gửi trẻ tương đối cao. Hiện, các nhóm trẻ gia đình cũng chỉ mới đáp ứng được 2/3 nhu cầu của các bậc phụ huynh. Số trẻ còn lại phụ huynh phải gửi tại các phường lân cận.

Tại phường An Bình, bà Nguyễn Thị Bằng, Phó chủ tịch UBND phường cho biết, phường tập trung hầu hết số lượng công nhân lao động nhập cư đến làm việc tại các khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2. Vì vậy, phường phải thường xuyên xử lý các vấn đề rất phức tạp phát sinh từ các khu nhà trọ. Hiện có trên 2 ngàn con em của lao động nhập cư hàng ngày phải gửi vào khoảng 40 địa điểm nuôi giữ trẻ của tư nhân.

Không chỉ phường Trảng Dài, Long Bình, An Bình mà ở các phường, xã khác của TP. Biên Hòa,  đâu đâu cũng có nhóm trẻ gia đình, trường lớp ngày càng phát sinh nhanh chóng mặt. Công nhân lao động xa quê, thời gian nghỉ thai sản ngắn, không có điều kiện gửi con vào những trường tốt hơn đành chấp nhận gửi tại điểm trông giữ trẻ tại gia đình. Trường học mầm non, nhà trẻ công lập không có, hoặc có thì rất ít không thể nào thu nhận thêm một lượng lớn con em công nhân. Chính vì vậy, công nhân thường chọn giải pháp gửi con em vào nhóm trẻ tư nhân tự phát, chi phí rẻ lại dễ dàng co giãn về mặt thời gian...

Trương Hiệu - Nguyễn Tuyết

 

 

 

Tin xem nhiều